Cảnh giác với tội phạm sử dụng công nghệ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai diễn biến phức tạp, gây thiệt hại cho nhiều người. Nhằm giúp người dân nhận biết thủ đoạn, hành vi của loại tội phạm này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Trung tá Đinh Văn Sơn-Phó Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng-chống tội phạm công nghệ cao (Công an tỉnh).


* Trung tá có thể cho biết, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh diễn biến như thế nào?
 

Trung tá Đinh Văn Sơn. Ảnh: Lê Ánh
Trung tá Đinh Văn Sơn. Ảnh: Lê Ánh

- Trung tá ĐINH VĂN SƠN: Từ đầu năm 2022 đến nay, Phòng An ninh mạng và Phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã ghi nhận 28 trường hợp công dân đến trình báo về việc bị đối tượng sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền trên 20 tỷ đồng.

Các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản phổ biến như: kết bạn làm quen, hứa hẹn tặng quà (tiền) rồi yêu cầu người nhận chuyển các loại phí; vay tiền qua app, bị chiếm đoạt các loại phí hoặc bị hack (chiếm quyền sử dụng) các tài khoản mạng xã hội, sau đó nhắn tin cho người thân, bạn bè mượn tiền; kêu gọi đầu tư vào các sàn giao dịch Forex giả mạo (sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo); kết bạn làm quen và mời tham gia các app hợp tác làm cộng tác viên bình chọn các nhãn hàng trên trang thương mại điện tử như: Shoppe, Lazada, Tiki…

* Công tác đấu tranh, làm rõ vụ việc và truy vết đối tượng liên quan đến loại tội phạm này có gì khó khăn không, thưa Trung tá?

- Trung tá ĐINH VĂN SƠN: Trong năm 2021, Phòng An ninh mạng và Phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương đấu tranh làm rõ, bắt, đề nghị khởi tố 4 vụ/7 đối tượng về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua thực tế đấu tranh, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn như: Đối tượng hầu hết ở ngoài tỉnh, sinh sống tại các thành phố lớn. Trong các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức kêu gọi đầu tư vào các sàn Forex, mời tham gia các app hợp tác làm cộng tác viên bình chọn nhãn hàng, kết bạn làm quen, hứa hẹn tặng quà… thì đối tượng chủ mưu đa phần ở nước ngoài và có sự cấu kết với các đối tượng trong nước đóng vai trò dẫn dắt, giúp sức. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này ngày càng tinh vi. Các ứng dụng lừa đảo, mạo danh được đối tượng thường xuyên thay đổi giao diện, hình thức, địa chỉ tên miền, máy chủ đặt ở nước ngoài. Việc phát hành sim số đã được kích hoạt, đăng ký trực tuyến dẫn đến tình trạng sim rác còn nhiều khiến tình trạng sử dụng giấy tờ giả mạo để mở tài khoản ngân hàng, mở tài khoản trực tuyến, mua bán tài khoản ngân hàng trong các hội, nhóm trên không gian mạng diễn biến phức tạp. Từ đó, các đối tượng lợi dụng liên lạc, nhận tiền từ bị hại hoặc dùng để đăng ký tài khoản mạng xã hội nên rất khó khăn cho công tác xác minh, điều tra.

*  Khi biết mình bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần phải làm gì, thưa Trung tá?

- Trung tá ĐINH VĂN SƠN: Trước hết, người dân cần giữ tinh thần bình tĩnh, không thực hiện theo yêu cầu chuyển tiền do đối tượng đưa ra; duy trì liên lạc với đối tượng, lưu giữ các thông tin liên quan như: tin nhắn, hình ảnh, ghi âm đàm thoại, thông tin số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, thông tin địa chỉ... của đối tượng có liên quan; đến cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc Phòng An ninh mạng và Phòng-chống tội phạm công nghệ cao (số điện thoại: 0694329334) để trình báo vụ việc. Bên cạnh đó, người dân cần tích cực tuyên truyền về thủ đoạn lừa đảo của đối tượng để người thân, bạn bè biết và phòng tránh.

* Theo Trung tá, người dân cần trang bị những kiến thức gì để chủ động phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao?

- Trung tá ĐINH VĂN SƠN: Qua việc tiếp nhận, xử lý các đơn, thư tố giác tội phạm của công dân trên địa bàn thời gian qua, Cơ quan Điều tra nhận thấy thành phần, nhân thân bị hại rất đa dạng, trong đó có cả cán bộ, công chức, viên chức. Nhiều trường hợp toàn bộ số tiền bị chiếm đoạt là tiền bị hại vay mượn, cầm cố, thế chấp tài sản. Từ đó cho thấy, các đối tượng tội phạm đã có sự nghiên cứu rất kỹ về tâm lý, thói quen của các thành phần trong xã hội để tận dụng triệt để việc mời gọi, dẫn dụ bị hại làm theo.

Người dân cần cảnh giác với những “lời mời có cánh” của các đối tượng như: kiếm tiền dễ dàng từ việc tải các ứng dụng trên mạng xã hội, nhận làm cộng tác viên với công việc đơn giản là chụp hình sản phẩm và… nạp tiền; các lời mời nhận quà có giá trị lớn (hàng trăm triệu đồng) từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Khi nhận được tin nhắn điện thoại hay tài khoản mạng xã hội Zalo, Facebook liên quan đến tài chính như: mượn tiền, nạp card điện thoại… thì nên xác minh thông tin trước khi chuyển khoản hay đồng ý giao dịch.

Đặc biệt, người dân cần nắm vững các quy định của pháp luật, thủ tục hành chính của Nhà nước về việc cơ quan, chính quyền địa phương mời công dân đến làm việc để giải quyết vụ việc liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, thường xuyên bảo mật các tài khoản mạng xã hội Zalo, Facebook…; không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, đặc biệt là mã xác nhận OTP của các giao dịch ngân hàng cho bất kỳ ai hoặc đăng nhập vào các giao diện, ứng dụng không rõ danh tính trên không gian mạng.

* Xin cảm ơn Trung tá!

 

LÊ ÁNH - Y MAI (thực hiện)
 

Có thể bạn quan tâm