Cảng Quy Nhơn hỗ trợ nông dân Gia Lai xuất khẩu dưa hấu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bằng các giải pháp logistics, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn liên kết với các thương lái chủ động “giải cứu” dưa hấu giúp nông dân giữa lúc dịch Covid-19 hoành hành. Lần đầu tiên dưa hấu Gia Lai xuất khẩu chính ngạch bằng container lạnh đến thị trường Trung Quốc thông qua Cảng Quy Nhơn. 
Tuy bước đầu triển khai nhưng mô hình hứa hẹn sẽ mang lại những kết quả khả quan, không những giá cả ổn định, chất lượng hàng hóa luôn được đảm bảo mà còn tránh được tình trạng dưa hấu hư hỏng, phải đổ bỏ vì chờ thông quan.
Đường tiểu ngạch nhiều rủi ro
Chưa đầy 1 tuần nữa là đến Tết Tân Sửu 2021, người trồng dưa hấu ở huyện Chư Prông đang đứng ngồi không yên phần vì lo dịch bệnh phần vì dưa đã chín đầy ruộng mà giá thì giảm thấp. Ông Trần Đình Sa (trú tại xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) nhìn những quả dưa to tròn, căng bóng nằm lăn lóc trên ruộng mà ruột gan rối bời. Bởi ruộng dưa đã đến thời điểm thu hoạch mà giá chỉ ở mức 2.500-3.000 đồng/kg. Nếu để lâu chờ giá lên thì dưa sẽ khô dây thối quả.
Mùa dưa năm nay, ông thuê 2 ha đất ở xã Ia Púch (huyện Chư Prông) để trồng, dự kiến thu hoạch khoảng 100 tấn. Với giá bán hiện tại, trừ chi phí đầu tư, ông lỗ vốn trên 100 triệu đồng. “Do giá dưa xuống thấp, cước vận chuyển lại tăng cao nên người trồng dưa hấu chúng tôi cầm chắc lỗ vốn”-ông Sa buồn rầu nói.
Nhân viên Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đóng hàng dưa hấu đưa vào container lạnh xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc bằng đường biển. Ảnh: Minh Nguyễn
Nhân viên Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đóng hàng dưa hấu đưa vào container lạnh xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc bằng đường biển. Ảnh: Minh Nguyễn
Theo bà Lộ Thị Hải-một thương lái có thâm niên 35 năm buôn dưa hấu-cho biết: Vụ này, người trồng dưa tại các huyện Chư Prông, Đức Cơ, Ia Pa, Krông Pa, thị xã Ayun Pa hầu như không có lãi do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Giá cả bấp bênh, việc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn.
Bà Hải chia sẻ: Lâu nay, bà thu mua dưa của người dân rồi xuất đi Trung Quốc qua Cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn), Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) và Lào Cai. Mỗi chuyến hàng có lúc lãi hơn 100 triệu đồng, nhưng cũng có khi phải chấp nhận lỗ nặng, thậm chí đổ bỏ vì đối tác bên kia biên giới không nhập hàng, dưa hấu chờ thông quan lâu ngày bị thối rữa.
“Ngoài chi phí vận chuyển và chi phí thông quan, chúng tôi còn phải chấp nhận rủi ro vì giá cả lên xuống thất thường và hoàn toàn lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nếu tắc đường thì hàng hóa hư hỏng, giá thấp thì lỗ, bên kia không nhập thì hàng hóa phải đổ bỏ, bán đổ bán tháo, được đồng nào hay đồng đó”-bà Hải cho hay.
Hỗ trợ người dân tiêu thụ
Nhận thấy việc mua bán qua đường tiểu ngạch nhiều rủi ro nên bà Hải bắt đầu chuyển hướng xuất khẩu dưa hấu bằng đường biển. Bà liên hệ trực tiếp với đầu mối tiêu thụ phía Trung Quốc và nhờ Cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) hỗ trợ các công đoạn như: vận chuyển, đóng hàng, thủ tục xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Bà Hải cho biết: “Tuy mới bước đầu tham gia nhưng tôi nhận thấy mô hình này có nhiều ưu điểm, đó là hàng hóa được đóng container lạnh nên luôn được đảm bảo chất lượng, hầu như không bị hư hỏng; thời gian vận chuyển ngắn. Quan trọng là nguồn cung và giá cả luôn ổn định, ít rủi ro. Đặc biệt, thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, đầu ra này đã giải tỏa được một lượng lớn dưa hấu ứ đọng cho bà con. Nếu đường bộ mỗi ngày chỉ giải quyết lượng hàng hóa cho khoảng 5 bạn hàng thì thông qua đường biển này có thể giải tỏa hàng hóa của 10 bạn hàng”.
Bà Hải thông tin, bình quân mỗi ngày, bà có thể xuất đi khoảng 4 container lạnh (25 tấn/container) về Cảng Quy Nhơn. Tuy nhiên, thời điểm này, bà chỉ thu mua ở những vùng không có dịch, bởi vùng có dịch thì việc vận chuyển hàng gặp nhiều khó khăn.
“Trước mắt, chúng tôi thuê nhân công tại địa phương chất tạm hàng lên xe, khi nào về đến cảng sẽ cho công nhân của mình lựa chọn lại những quả đạt chuẩn xuất khẩu. Tuy mất thêm nhiều công đoạn cũng như chi phí nhưng giải quyết được hàng hóa cho người dân ở khu vực có dịch tại các huyện: Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa. Đa số người dân vay ngân hàng để đầu tư, mà Tết đã cận kề, dưa hấu cũng đến kỳ chín rồi, nếu không thu mua kịp sẽ bị hư hỏng”-bà Hải nói.
Dự kiến lô hàng đầu tiên (10 container dưa hấu, khoảng 260 tấn), sẽ được xuất trực tiếp sang thị trường Trung Quốc thông qua cảng Quy Nhơn trong những ngày đầu tháng 2-2021
Dự kiến lô hàng đầu tiên (10 container dưa hấu, khoảng 260 tấn) sẽ được xuất trực tiếp sang thị trường Trung Quốc thông qua Cảng Quy Nhơn trong những ngày đầu tháng 2-2021. Ảnh: Minh Nguyễn
Theo ông Phan Tuấn Linh-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn: Dự kiến lô hàng đầu tiên (10 container dưa, khoảng 260 tấn) sẽ được xuất trực tiếp sang thị trường Trung Quốc thông qua Cảng Quy Nhơn trong những ngày đầu tháng 2-2021.
So với việc xuất khẩu bằng đường bộ thì việc vận chuyển đường biển nhanh hơn nhiều, dưa thu hoạch được đóng hàng xuất ngay trong vòng 1 ngày, trong khi trước đây phải gần 10 ngày. Đặc biệt, ngoài giá cả ổn định còn tránh được tình trạng dưa hấu nằm đường biên chờ thông quan, lâu ngày bị hư hỏng. Thực tế, bán cho Trung Quốc ngay tại vựa, Cảng Quy Nhơn thực hiện giải pháp logistics sẽ giúp đưa dưa xuất khẩu nhanh chóng, đạt giá tốt.
Qua khảo sát thực tế, toàn tỉnh có khoảng 1.700 ha dưa hấu, chủ yếu phân bố ở các huyện: Krông Pa (692 ha), Ia Pa (416 ha), Kông Chro (121 ha), Chư Prông (235 ha) và thị xã An Khê (60 ha). Sản lượng dưa hấu niên vụ 2020-2021 dự kiến vào khoảng 60.000 tấn (năng suất 30-40 tấn/ha), trong đó, sản lượng xuất khẩu khoảng 54.000 tấn, chiếm 90%. Tuy nhiên, những năm qua, đa số được xuất khẩu bằng đường bộ, theo hình thức biên mậu với hạn ngạch nhất định qua Trung Quốc, 10% còn lại tiêu thụ nội địa tại các tỉnh: Hải Dương, Vĩnh Phúc, Lào Cai.
“Mô hình bước đầu đi vào hoạt động nhưng lại gặp ngay thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nên nguồn hàng cung cấp không ổn định, chỉ đạt khoảng 300 tấn/ngày. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng dần số lượng lên mức 500 tấn/ngày và tiến dần đến mức 1.000 tấn/ngày khi mở rộng thị trường. Chúng tôi đang chủ động tìm kiếm khách hàng tham gia xuất khẩu dưa hấu chính ngạch bằng đường biển, từng bước thay đổi thói quen cũng như phương thức mua bán lâu nay bằng đường tiểu ngạch đầy rủi ro”-ông Linh khẳng định.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Ưu tiên bố trí nguồn lực địa phương hỗ trợ các “địa chỉ nhân đạo”

Gia Lai: Ưu tiên bố trí nguồn lực địa phương hỗ trợ các “địa chỉ nhân đạo”

(GLO)- Ngày 6-5, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Công văn số 1185/UBND-KGVX về việc tiếp tục triển khai thực hiện kiến nghị, đề xuất của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” và phát triển các mô hình công tác xã hội nhân đạo.

Gia Lai: Cắt giảm thời gian giải quyết các TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền của Sở Y tế

Gia Lai: Cắt giảm thời gian giải quyết các TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền của Sở Y tế

(GLO)- Ngày 5-5, Sở Y tế tỉnh Gia Lai có Thông báo số 1901/TB-SYT về việc cắt giảm thời gian giải quyết đối với các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị năm 2025.

Phú Thiện đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

Phú Thiện đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

(GLO)- Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đạt được những kết quả ấn tượng, đời sống người dân từng bước được nâng cao.

Nghĩa tình nơi biên giới

Nghĩa tình nơi biên giới

(GLO)- Tôi có mấy người bạn thân từ Hà Nội và Quảng Ngãi lên thăm Gia Lai, nguyện vọng của họ là muốn lên biên giới, thăm những người lính Biên phòng. Vậy là mình lại có thêm cái cớ để ngược hướng biên cương.

Chư Pưh: Những thành tựu đáng tự hào

Chư Pưh: Những thành tựu đáng tự hào

(GLO)- Sau hơn 15 năm thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Chư Sê, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đã đoàn kết, chung sức vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào.

Gia Lai sửa đổi, bổ sung 2 thủ tục hành chính trong lĩnh vực công tác dân tộc

Gia Lai sửa đổi, bổ sung 2 thủ tục hành chính trong lĩnh vực công tác dân tộc

(GLO)- Ngày 29-4, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung đã ký Quyết định số 420/QĐ-UBND về việc công bố danh mục gồm 2 thủ tục hành chính (TTHC) sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực công tác dân tộc thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Ia Pa: Dấu ấn 22 năm

Ia Pa - Dấu ấn 22 năm

(GLO)- Trải qua 22 năm xây dựng và phát triển, cán bộ và đồng bào các dân tộc huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh.

Nghĩa tình với người dân thôn Plei Hek

Nghĩa tình với người dân thôn Plei Hek

(GLO)- Ngày 29-4, đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng, Công ty Thiên Phúc Farma, Công ty CPTM Natulife Việt Nam tổ chức chương trình khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà bà con thôn Plei Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện)-thôn kết nghĩa với Sở Y tế Gia Lai.

Đổi thay ở xã anh hùng

Đổi thay ở xã anh hùng Ia Phìn

(GLO)- Phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Ia Phìn (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) tiếp tục đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Cuối năm 2017, xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Sở Y tế tỉnh Gia Lai trao tiền hỗ trợ em Nêu

Sở Y tế tỉnh Gia Lai trao tiền hỗ trợ em Nêu

(GLO)- Chiều 28-4, đoàn công tác của Sở Y tế tỉnh Gia Lai do Phó Giám đốc Ksor Hiền-Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh làm trưởng đoàn đến thăm hỏi, động viên và trao tiền hỗ trợ cho em Nêu (SN 2018, làng Kol, xã Trang, huyện Đak Đoa) mồ côi cả cha và mẹ.

Pleiku: Thành phố trẻ trên cao nguyên xanh

Pleiku: Thành phố trẻ trên cao nguyên xanh

(GLO)- Giữa bạt ngàn đồi núi Tây Nguyên, Pleiku hiện lên như một viên ngọc thô đang dần được mài giũa. Không ồn ào náo nhiệt như TP. Hồ Chí Minh hay cổ kính, trầm mặc như Huế… song Pleiku lại có một sức hút riêng, khiến bất kỳ ai đã đến đây đều không thể quên.