Tham dự làm việc có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động của các khu công nghiệp (KCN) đang triển khai trên địa bàn phía Tây của tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn phía Tây tỉnh Gia Lai có KCN Trà Đa, KCN Nam Pleiku, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Theo quy hoạch, Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh có diện tích khoảng 41.515 ha, nằm trên địa bàn xã Ia Dom và Ia Nan. Trên cơ sở quyết định thành lập khu kinh tế, UBND tỉnh đã quy hoạch hai khu chức năng đặc thù đó là Khu trung tâm và Khu công nghiệp. Hiện Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh có 37 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 643,9 tỷ đồng; vốn đầu tư thực hiện ước đạt 319,1 tỷ đồng (đạt 49,6% tổng vốn đầu tư đăng ký). Các dự án chủ yếu hoạt động thương mại, dịch vụ, kinh doanh kho bãi phù hợp với khu vực cửa khẩu.
KCN Trà Đa có tổng diện tích 210,17 ha. Đến nay, đã có 61 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3.853 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư đã thực hiện hơn 2.985 tỷ đồng (đạt 77,47% tổng vốn đầu tư đăng ký). Trong đó, có 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI (chiếm 6,45% tổng dự án đầu tư vào KCN), vốn đầu tư đăng ký gần 486 tỷ đồng (chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư đăng ký tại KCN) và vốn đầu tư thực hiện là hơn 485,8 tỷ đồng (chiếm 16,27% tổng vốn đầu tư thực hiện tại KCN).
KCN Nam Pleiku có tổng diện tích quy hoạch 199,55 ha, do Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê làm chủ đầu tư. Hiện KCN đang thi công xây dựng hạ tầng giai đoạn 1 của dự án với tổng vốn đầu tư đã thực hiện hơn 113 tỷ đồng (đạt 23,7% tổng vốn đầu tư).
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành đã đánh giá tình hình hoạt động của các KCN, Khu kinh tế và có những kiến nghị liên quan đến vướng mắc về thủ tục đầu tư, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đường giao thông, hệ thống thoát nước ngoài ranh quy hoạch KCN, về lĩnh vực quản lý đất đai, lĩnh vực môi trường, thu hút đầu tư… Đại diện các ngành cũng đề xuất rà soát những dự án chậm tiến độ, những dự án làm ảnh hưởng môi trường, suất đầu tư thấp, hiệu quả không cao để có hướng xử lý kịp thời; cần thiết thành lập hội đồng tư vấn về phát triển hạ tầng KCN trong giai đoạn mới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng yêu cầu cần phải có đánh giá hiệu quả từ đóng góp giá trị sản xuất công nghiệp; kim ngạch xuất nhập khẩu; nộp ngân sách nhà nước; công tác giải quyết công ăn việc làm cho người lao động của các KCN đã đi vào hoạt động… Các đơn vị cần có định hướng phân tích ngành nghề thu hút đầu tư, đánh giá một cách toàn diện về doanh nghiệp; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn liên quan đến các chính sách về môi trường, thuế quan…
Sau khi hợp nhất, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh cần xây dựng kế hoạch năm 2026, đồng thời xây dựng chương trình hành động với các chỉ tiêu tăng trưởng cho nhiệm kỳ mới. Trên cơ sở quy hoạch, cần thiết phải đánh giá lại hiện trạng, xây dựng kế hoạch tổng thể, dài hạn theo lộ trình từng năm; xác định nguồn lực đầu tư đến từ đâu, từ nguồn xã hội hóa hay ngân sách nhà nước.
Đối với các vấn đề liên quan đến Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh cần tham mưu để tỉnh tổ chức một hội nghị mời gọi các nhà đầu tư nhằm nắm bắt tình hình và nhu cầu đầu tư. Đồng thời, cần phối hợp với các sở, ngành liên quan để xây dựng chính sách ưu đãi thu hút đầu tư cho từng khu công nghiệp cụ thể.
Về hoạt động logistics, cần tăng cường kết nối để thu hút hàng hóa qua Cảng Quy Nhơn. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp cần đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước; nếu cần thiết, nên mời các chuyên gia tư vấn để hỗ trợ triển khai theo hướng xây dựng khu công nghiệp xanh, sinh thái và thông minh.
Các ngành liên quan cần rà soát lại đầu tư công, thủ tục triển khai, kết quả thế nào; tiếp tục đề xuất việc nâng cấp các tuyến đường vào KCN… Đặc biệt, rà soát lại năng lực của các nhà đầu tư, doanh nghiệp chậm tiến độ triển khai, vi phạm môi trường để có hướng xử lý…

Trước các đề xuất về việc thành lập mới KCN Đak Đoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng đề nghị các phòng chuyên môn thuộc Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, cùng các cơ quan, địa phương và đơn vị liên quan, lập quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Đak Đoa. Đồng chí cũng ghi nhận các kiến nghị liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch tỉnh, đề xuất điều chỉnh thời gian và tên gọi theo địa giới hành chính mới để triển khai quy hoạch các KCN gồm: KCN Tây Nam Pleiku, quy mô 500 ha (xã Ia Hrung); KCN An Khê, quy mô 200 ha (xã Cửu An); KCN Ayun Pa, quy mô 200 ha (xã Ia Sao); KCN Nam Pleiku 2, quy mô 300 ha (xã Bờ Ngoong) và KCN Chư Sê, quy mô 200 ha (xã Chư Sê), với mục tiêu thực hiện trước năm 2030.
Sáng nay, đoàn công tác của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng đã trực tiếp khảo sát hiện trường, kiểm tra tình hình triển khai dự án tại Khu Công nghiệp Nam Pleiku (nằm trên địa bàn 2 xã Ia Tôr và Bờ Ngoong); Khu Công nghiệp Trà Đa (phường Pleiku); địa điểm phân khu xây dựng Khu Công nghiệp Đak Đoa (xã Kdang).

