(GLO)- Sáng 26-2, Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021 gắn với chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025).
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng chí Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Sở Nông nghiệp và PTNT. Ảnh: Lê Nam |
Nỗ lực vượt khó
Báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cho biết: Năm 2020, ngành Nông nghiệp và PTNT đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: hạn hán, bão lũ; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; giá cả một số mặt hàng nông sản chưa phục hồi ảnh hưởng lớn đến người dân và doanh nghiệp; đại dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất và tiêu thụ, xuất nhập khẩu nông sản.
Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương, sự chung sức của cộng đồng doanh nghiệp và bà con nông dân... ngành Nông nghiệp và PTNT đã kịp thời xây dựng, điều chỉnh và tổ chức triển khai kịch bản phát triển của ngành, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, tổng diện tích gieo trồng năm 2020 đạt 550.596 ha (đạt 102,69% kế hoạch); tái canh cà phê được 2.096,6 ha, nâng tổng diện tích tái canh giai đoạn 2016-2020 lên 12.587,5 ha; chuyển đổi 7.705 ha cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác, nâng tổng diện tích chuyển đổi giai đoạn 2014-2020 lên 37.714 ha. Toàn tỉnh hiện có 186.885 ha cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance; có 28.130,6 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; có 231.000 ha cây trồng thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Tổng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2020 đạt 4.313 tỷ đồng, tăng 109,7% so với năm 2019; 16 dự án chăn nuôi đã được UBND tỉnh phê duyệt (có 6 dự án đã đi vào hoạt động với quy mô 7.000 con bò sữa, 4.448 con bò thịt, 26.785 con heo). Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 15.040 ha, đạt 104,16% kế hoạch; sản lượng đạt 6.515 tấn. Toàn tỉnh có 352 công trình thủy lợi kiên cố với tổng năng lực tưới cho 67.411 ha cây trồng các loại. Trồng được 5.127,3 ha rừng, đạt 102,5% kế hoạch.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa báo cáo với Trường trực Tỉnh ủy về những kết quả của ngành trong năm 2020. Ảnh: Lê Nam |
Về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), bên cạnh thị xã An Khê và Ayun Pa đã hoàn thành hồ sơ đề nghị xem xét thẩm định công nhận hoàn thành xây NTM, đến nay, toàn tỉnh có 88 xã đạt chuẩn NTM (trong đó có 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao); 97 thôn, làng đạt chuẩn NTM. Trong năm 2020, toàn tỉnh có thêm 107 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP lên con số 149 (22 sản phẩm đạt 4 sao và 127 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh). Thành lập mới thêm 36 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số lên 237 hợp tác xã.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình hạn hán và dịch bệnh dịch trên cây trồng, vật nuôi vẫn xảy ra ở một số địa phương. Cụ thể, mưa bão làm 2 người chết, 1 người mất tích, 3 người bị thương và hư hại nhiều cơ sở vật chất khác, tổng thiệt hại là 667,7 tỷ đồng. Bệnh dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 51 hộ ở 27 thôn, làng của 17 xã, phường, thị trấn thuộc 7 huyện, thị xã, buộc phải tiêu hủy 540 con với tổng trọng lượng 20.827 kg; hơn 1.821 ha mì bị bệnh khảm lá, 190 ha bắp bị sâu keo mùa thu phá hoại,...
Phát triển nông-lâm nghiệp bền vững
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2021, ngành đặt mục tiêu phấn đấu tổng giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản đạt 31.880 tỷ đồng, tăng 5,61% so với năm 2020; tổng diện tích gieo trồng đạt 550.423 ha; tổng sản lượng lương thực đạt 608.000 tấn; chuyển đổi 10.414 ha cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác; phấn đấu đến cuối năm trên địa bàn tỉnh được cấp khoảng 50 mã số vùng trồng; trồng rừng khoảng 8.000 ha; khai thác 130.000 m3 gỗ rừng trồng; phấn đấu có thêm 29 xã đạt chuẩn NTM, thêm 50 sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Đồng thời, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025), ngành đặt mục tiêu đến năm 2025 ổn định diện tích gieo trồng 527.350 ha; ngành chăn nuôi có tốc độ tăng trưởng 18,32%/năm, giá trị sản xuất gấp 2,32 lần so với năm 2020; tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 3.800 ha và khai thác 17.000 ha mặt nước lớn; độ che phủ rừng đạt 47,75%; có 120 xã trở lên đạt chuẩn NTM và có 250 sản phẩm OCOP...
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Lê Nam |
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nêu rõ: Nông nghiệp là ngành chiếm tỷ trọng chính trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và đây cũng là định hướng phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025 cũng như những giai đoạn tiếp theo. Trong 4 chương trình trọng tâm mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định trong nhiệm kỳ 2020-2025 thì ngành Nông nghiệp có 2 nhiệm vụ lớn đó là phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp bền vững. Bí thư Tỉnh ủy cũng đánh giá cao ngành Nông nghiệp trong năm qua đã cố gắng vượt qua khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, giá cả các mặt hàng nông sản xuống thấp để đạt được những kết quả tốt ở một số lĩnh vực.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngành Nông nghiệp thời gian tới phải cố gắng xây dựng ngành tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tập trung phát triển đa dạng trong nông nghiệp nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, tập trung thực hiện tốt chương trình, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Đồng thời, ngành Nông nghiệp phải tập trung định hướng cho người dân trong trồng trọt và chăn nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng. Tiếp tục bố trí nguồn lực để đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, đảm bảo nước tưới cho sản xuất. Trong ngành lâm nghiệp cần tập trung giữ, bảo vệ và phát triển rừng bền vững; nghiên cứu xây dựng cơ chế giao khoán bảo vệ rừng, tạo sinh kế cho cộng đồng, người dân sống gần rừng. Khẩn trương hoàn thiện rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng và xây dựng khung giá rừng theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, phải đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn phục vụ tốt cho nông nghiệp, nông thôn. Tập trung nghiên cứu khoa học công nghệ để thực hiện các đề án, dự án nông nghiệp đi vào thực tiễn. Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM phải đi vào thực chất, gắn với đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân và triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP gắn với tiêu thụ sản phẩm...
LÊ NAM