Ban Quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa: Nhiều sai phạm trong trồng rừng và sử dụng kinh phí

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Qua kiểm tra việc sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) từ năm 2019 đến 2021 tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai đã phát hiện nhiều sai phạm tại đơn vị này trong việc trồng rừng và sử dụng nguồn kinh phí, gây thiệt hại hơn 1,3 tỷ đồng.
Năm 2019, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa (Ban Quản lý) được Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt, thẩm định dự toán trồng rừng phòng hộ đối với cây thông 3 lá trên diện tích 25,5 ha, tại các tiểu khu 413 (xã Hà Đông), tiểu khu 416 và 428 (xã Đak Sơ Mei), tổng kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng.
Sau khi có quyết định phê duyệt, ông Nguyễn Hồng Quân-nguyên Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý (hiện là Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng) đã ký hợp đồng khoán với hộ gia đình ông Vũ Trường Sơn (thị trấn Kon Dỡng, huyện Mang Yang) để trồng và chăm sóc rừng trồng năm thứ nhất. Đến ngày ngày 31-12-2019 các bên nghiệm thu đạt 100% so với hợp đồng, số tiền đã thanh toán cho ông Sơn là hơn 566 triệu đồng. Năm 2020, ông Quân tiếp tục ký hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên Bích Thuận (xã Đak Yă, huyện Mang Yang) về việc nhận khoán chăm sóc rừng trồng năm thứ 2 trên diện tích 25,5 ha, với số tiền thanh toán hơn 368 triệu đồng.
chăm sóc vườn cây giống thông 3 lá (ảnh minh họa) (1).jpg
Chăm sóc vườn cây giống thông 3 lá. (ảnh minh họa)
Năm 2021, khi ông Quân chuyển công tác thì ông Vũ Anh Văn lên giữ chức vụ Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý (nay chuyển công tác giữ chức vụ Phó Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ xã Nam, huyện Kbang) đã ký hợp đồng với ông Hoàng Văn Hệ (xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) để tiếp tục chăm sóc rừng trồng phòng hộ năm thứ 3 trên diện tích này với kinh phí hơn 368 triệu đồng. Tuy nhiên, cuối năm 2021, ông Văn chuyển công tác, lúc này ông Nguyễn Trọng Khải lên giữ chức Phó Trưởng ban phụ trách đã cùng bên trồng rừng tiến hành nghiệm thu nhưng diện tích thực tế chăm sóc chỉ có 15,14 ha nên mới chỉ thanh toán cho bên thi công hơn 216 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền Ban Quản lý đã ký với các bên trồng, chăm sóc thông từ năm 2019 đến 2021 là hơn 1,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, qua kiểm tra của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai đã phát hiện ra nhiều sai phạm trong triển khai trồng rừng. Cụ thể: Chi phí trồng, chăm sóc thông là 1,5 tỷ đồng nhưng ông Nguyễn Hồng Quân thời điểm phụ trách không thực hiện đấu thầu theo Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26-6-2014 của Chính phủ. Tiếp đến, năm 2020, ông Nguyễn Hồng Quân ký kết hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên Bích Thuận nhưng Giám đốc Công ty bà Nguyễn Thị Thuận là vợ của ông Phạm Đức Linh-Kế toán trưởng của Ban Quản lý. Việc ký hợp đồng này vi phạm quy định tại Luật Phòng-chống tham nhũng số 36/2018/QH14. Ngoài ra, so sánh diện tích rừng trồng được nghiệm thu qua các lần trồng, chăm sóc giai đoạn năm 2019-2021 thì thực tế bị mất 10,36 ha. Trình bày với đoàn kiểm tra, đại diện Ban Quản lý cho rằng nguyên nhân rừng còn lại ít là do cây trồng bị cháy, chết do khô hạn nhưng lại không có tài liệu chứng minh. Chính vì vậy, việc để mất 10,36 ha đã gây thất thoát hơn 379 triệu đồng.
Tương tự, năm 2020, Ban Quản lý cũng đã triển khai trồng rừng phòng hộ cây thông 3 lá trên diện tích 33,1 ha, tại tiểu khu 458a (xã Hải Yang), dự toán kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng. Sau đó, ông Nguyễn Hồng Quân đã hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên Phương Nhi (do bà Lê Thị Trà My làm Giám đốc; địa chỉ Công ty tại xã Đak Yă, huyện Mang Yang) thực hiện với tổng giá trị gần 785 triệu đồng (sau đó ông Quân và ông Văn đã cho bên trồng rừng tạm ứng 610 triệu đồng). Ngày 17-11-2020, các bên đã nghiệm thu 100% diện tích trồng và chăm sóc là 33,1 ha, đồng thời thanh toán đầy đủ gần 785 triệu đồng. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế hiện trường, đoàn kiểm tra xác định số cây thông 3 lá còn sống chỉ đạt tỷ lệ 15,12% mật độ thiết kế. Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng phát hiện nhiều sai phạm như không tổ chức đấu thầu; Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phương Nhi là bà Lê Thị Trà My là con dâu của ông Phạm Đức Linh-Kế toán trưởng Ban Quản lý. Việc tạm ứng bằng tiền mặt cho Công ty TNHH một thành viên Phương Nhi là không đúng quy định...  
Bất ngờ hơn, Ban Quản lý đã tự thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế dự toán hợp đồng trồng và chăm sóc thông khi chưa có sự chấp thuận của Sở Nông nghiệp và PTNT. Chính vì vậy, việc tự ý trồng rừng phòng hộ cây thông 3 lá trên diện tích trồng rừng 33,1 ha khi chưa có phê duyệt của cấp có thẩm quyền nhưng đã thanh, quyết toán các khoản gồm: tư vấn thiết kế trồng rừng; mua cây giống; tiền vận chuyển cây; chi phí quản lý; chi phí nghiệm thu; trồng rừng… đã gây thiệt hại ngân sách với số tiền hơn 972 triệu đồng.
Như vậy, từ năm 2019-2021, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa, trực tiếp là ông Nguyễn Hồng Quân và Vũ Anh Văn đã triển khai trồng và chăm sóc rừng không tuân thủ quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật gây thiệt hại nhà nước hơn 1,3 tỷ đồng. Hiện, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai đã kiến nghị Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm; xác định nguyên nhân rừng trồng bị mất 10,36 ha. Đồng thời, có biện pháp thu hồi số tiền sai phạm.
LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm

Chư Sê: Hội viên nông dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông

Nông dân Chư Sê tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông

(GLO)- Cùng với việc nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông (ATGT), các cấp Hội Nông dân huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) còn tích cực phối hợp với các ngành, địa phương trong việc đảm bảo trật tự ATGT ở cơ sở nhằm góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.