Bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị tử hình, luật sư đề nghị xem xét lại tội danh và thiệt hại

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong bài bào chữa, luật sư Phan Trung Hoài cũng đề nghị xem xét lại tội danh “Tham ô tài sản” đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và đề nghị Viện Kiểm sát xem xét nhiều nội dung quan trọng khác.

Chiều 19/3, tại phiên tòa sơ thẩm của TAND TPHCM, xét xử vụ sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan, hội đồng xét xử (HĐXX) đã cho các luật sư bào chữa với nội dung mà đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm giải quyết vụ án tại phiên tòa.

Đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa đề nghị HĐXX tuyên tử hình bà Trương Mỹ Lan. Ảnh: Duy Anh.

Đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa đề nghị HĐXX tuyên tử hình bà Trương Mỹ Lan. Ảnh: Duy Anh.

Là người đầu tiên tham gia bào chữa tại phiên tòa, luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TPHCM, bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) trình bày về hoàn cảnh gia đình, nhân thân của bị cáo, nguồn gốc quá trình kinh doanh của gia đình bị cáo Trương Mỹ Lan và sự hình thành nên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Về hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, theo luật sư Phan Trung Hoài, chỉ bao gồm một số công ty nhất định, số lượng 1000 công ty được cho rằng trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát thì cần xem xét thỏa đáng hơn.

Về nguyên nhân, bối cảnh hoàn cảnh xảy ra vụ án, Viện Kiểm sát cáo buộc bà Trương Mỹ Lan thâu tóm, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, cần xem xét bị cáo tham gia tái cơ cấu SCB trong thời điểm cần phải hợp nhất 3 ngân hàng yếu kém, khi tham gia bị cáo Lan có vai trò là cố vấn ban hợp nhất.

Cũng theo luật sư Phan Trung Hoài, quá trình hợp nhất suốt 10 năm trải qua nhiều giai đoạn đạt được một số kết quả nhất định, có những khoản vay là để trả nợ cũ và dòng tiền không ra khỏi ngân hàng. Luật sư nói rằng, không thể bóc tách các khoản vay nào là cho vay mới trả nợ cũ hay khoản vay mới hoàn toàn.

Ngoài ra, luật sư Hoài đề nghị ghi nhận có sự chuyển biến trong nhận thức của bị cáo và đề nghị Viện Kiểm sát làm rõ cơ sở pháp lý việc sử dụng kết quả thẩm định giá của Công ty thẩm định giá Hoàng Quân.

Luật sư Phan Trung Hoài (trái, hàng đầu) tại phiên tòa. Ảnh: Phạm Nguyễn.

Luật sư Phan Trung Hoài (trái, hàng đầu) tại phiên tòa. Ảnh: Phạm Nguyễn.

Luật sư Phan Trung Hoài cũng đề nghị xem xét lại tội danh “Tham ô tài sản” đối với bị cáo Trương Mỹ Lan; cũng như xem xét lại việc xác định sở hữu của bị cáo tại SCB, nếu SCB bị thiệt hại thì chính bị cáo cũng là người bị thiệt hại.

Về tính xác thực số tiền thiệt hại của vụ án, luật sư Hoài cho rằng cũng cần xem xét lại, bởi thiệt hại này có phải là thiệt hại, hay là dư nợ tín dụng tại SCB.

Trước đó, tại phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án, kết quả thẩm vấn tại tòa, nhận thấy có đủ căn cứ xác định bà Trương Mỹ Lan là Chủ tịch của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bao gồm một tập hợp các công ty con, công ty liên kết. Sau khi hợp nhất 3 ngân hàng: Ngân hàng Đệ Nhất, Ngân hàng Tín Nghĩa và SCB cũ thành SCB như hiện nay, bà Lan đã nắm giữ hơn 91% cổ phần.

Bà Lan sử dụng SCB như là công cụ tài chính để rút tiền nhằm sử dụng cho mục đích cá nhân.

Ở tội danh “Tham ô tài sản”, Viện Kiểm sát nêu, từ ngày 9/2/2018 đến ngày 7/10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt số tiền 304.000 tỷ đồng và 129.000 tỷ đồng lãi phát sinh.

Ở tội danh “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, Viện Kiểm sát nêu rằng, từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/12/2017, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau. Đến ngày 17/10/2022 còn dư nợ 132.000 tỷ đồng và không còn khả năng thu hồi.

Ở tội danh “Đưa hối lộ”, Viện Kiểm sát nêu, để che dấu sai phạm của SCB với đoàn thanh tra, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) nhiều lần dùng ô tô chở 5,2 triệu USD đến đưa cho bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước - NHNN), tại phòng làm việc trong trụ sở NHNN và tại nhà riêng của bà Nhàn.

Bà Trương Mỹ Lan bị Viện Kiểm sát đề nghị tử hình chung cho 3 tội danh. Ảnh: Duy Anh.

Bà Trương Mỹ Lan bị Viện Kiểm sát đề nghị tử hình chung cho 3 tội danh. Ảnh: Duy Anh.

Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, 19-20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Tổng hợp hình phạt đối với bà Lan là tử hình.

Có thể bạn quan tâm