An Khê chú trọng phát triển kinh tế tập thể

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 30-5-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp đẩy mạnh phát triển hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh, thị xã An Khê đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế tập thể. Các mô hình kinh tế tập thể đã thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia, từng bước khẳng định vị trí, vai trò trong nền kinh tế của địa phương.
Phát huy vai trò liên kết sản xuất
Nông hội ươm cây lâm nghiệp Song An (xã Song An) được thành lập vào tháng 4-2020 với 14 hội viên. Tham gia nông hội, các hội viên có điều kiện giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, áp dụng kỹ thuật mới vào ươm cây lâm nghiệp nhằm nâng cao thu nhập. Ông Nguyễn Văn Phúc (thôn Thượng An 2) cho hay: “Tôi đã ươm cây lâm nghiệp được gần 10 năm. Tham gia nông hội, tôi học hỏi được kỹ thuật mới về ươm cây cấy mô từ các hội viên khác. Bên cạnh đó, các hội viên còn liên kết, hỗ trợ nhau mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”.
Gần 3 năm tham gia Tổ hợp tác trồng hoa phường Ngô Mây, ông Nguyễn Dợt (tổ 4, phường Ngô Mây) cũng được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc hoa và bán sản phẩm. Ông Dợt kể: “Từ ngày tham gia tổ hợp tác, tôi được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa theo phương pháp mới. Vụ hoa Tết năm trước, gia đình tôi trồng 1.200 chậu cúc. Nhờ tổ hợp tác liên hệ với khách hàng ở tỉnh Bình Định và TP. Pleiku tới mua mà gia đình tôi bán hoa được giá cao, thu về gần 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí”.
Các thành viên Tổ hợp tác trồng hoa phường Ngô Mây, thị xã An Khê trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc hoa theo phương pháp mới. Ảnh Ngọc Minh.JPG
Các thành viên Tổ hợp tác trồng hoa phường Ngô Mây (thị xã An Khê) trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc hoa theo phương pháp mới. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Hồ Văn Sáu-Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng hoa phường Ngô Mây-cho biết: “Tổ hợp tác được thành lập và đi vào hoạt động từ cuối năm 2018 với 10 thành viên tham gia. Đến nay, tổ hợp tác đã phát triển lên 15 thành viên. Những năm qua, đây trở thành ngôi nhà chung của những người trồng hoa, giúp các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, tạo môi trường và điều kiện liên kết sản xuất gắn với nâng cao chất lượng, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập”.
Ngoài những mô hình nông hội, tổ hợp tác, các HTX được thành lập cũng đã hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích cho thành viên và người dân. Ông Lê Văn Bộ-Giám đốc HTX Nông nghiệp Tú An 1 (xã Tú An) chia sẻ: Thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của các cấp ủy, chính quyền địa phương, HTX đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Theo đó, sau hơn 3 năm triển khai dự án trồng cà gai leo tại làng Pơ Nang với diện tích 2 ha, đến nay HTX đã phát triển vùng nguyên liệu lên 9,3 ha với sản lượng đạt trên 2 tấn cà gai leo khô/ha/năm; tạo việc làm thời vụ cho 10 thành viên người dân tộc thiểu số với mức tiền công 300 ngàn đồng/người/ngày. Cùng với đó, năm 2020, HTX có 2 sản phẩm gồm: trà cà gai leo Pơ Nang và trà đinh lăng Pơ Nang đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Kết quả, cả 2 sản phẩm đều được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Đa dạng mô hình kinh tế tập thể
Trong 3 năm (2017-2019), thị xã An Khê đã thành lập mới 7 HTX, 12 tổ hợp tác, 2 mô hình nông hội và 1 hội quán với tổng số trên 2.500 thành viên. Để các mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, thị xã đã phối hợp với Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác (thuộc Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và PTNT II, Bộ Nông nghiệp và PTNT) tổ chức 3 hội nghị chuyên đề về phát triển kinh tế hợp tác và HTX cho tất cả cán bộ chủ chốt của địa phương; mở 3 lớp bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, quản lý cho các HTX trên địa bàn; tổ chức 12 buổi tuyên truyền, vận động phát triển HTX với khoảng 700 người tham dự. Bên cạnh đó, thị xã cũng cử 40 cán bộ HTX, cán bộ không chuyên trách tại các xã tham gia lớp đào tạo “Giám đốc HTX nông nghiệp cho cán bộ trẻ”.
Nhờ được quan tâm, hỗ trợ, các HTX đã tham gia xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận “Rau An Khê-Gia Lai”, xây dựng vùng chuyên canh trồng cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Cửu An... Ngoài ra, các HTX cũng đã phát triển theo hướng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các sản phẩm OCOP.

Thành viên Nông hội ươm cây lâm nghiệp Song An (xã Song An, thị xã An Khê) trao đổi kinh nghiệm, áp dụng kỹ thuật mới vào ươm cây lâm nghiệp. Ảnh: Ngọc Minh
Thành viên Nông hội ươm cây lâm nghiệp Song An (xã Song An, thị xã An Khê) trao đổi kinh nghiệm, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất. Ảnh: Ngọc Minh
Theo ông Nguyễn Hùng Vỹ-Chủ tịch UBND thị xã An Khê, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025), địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, chú trọng đổi mới mạnh mẽ quan hệ sản xuất nông nghiệp, nông thôn thông qua phát triển kinh tế hợp tác, HTX; tiếp tục phát triển nhiều mô hình hay, cách làm tốt. 
“Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, thị xã tiếp tục rà soát tình hình hoạt động của HTX; hướng dẫn các HTX chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, thành lập mới HTX, thu hút thêm thành viên tham gia, tăng số vốn điều lệ; tăng cường năng lực tổ chức, điều hành, hoạt động kinh doanh cho các HTX. Cùng với đó, thị xã tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm, từng bước mở rộng quy mô hoạt động của các HTX… Ngoài ra, thị xã sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia liên kết với doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác để giảm chi phí trung gian, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh theo chuỗi giá trị sản xuất”-Chủ tịch UBND thị xã An Khê thông tin.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.