Liên minh Hợp tác xã tỉnh Gia Lai: Nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong 5 năm (2016-2020), Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Các HTX, tổ hợp tác và quỹ tín dụng nhân dân đã phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như liên kết chuỗi giá trị với doanh nghiệp để phát triển bền vững.
Sản phẩm của HTX Mật ong Phương Di (huyện Ia Grai). Ảnh: Nguyễn Diệp
Sản phẩm của HTX Mật ong Phương Di (huyện Ia Grai). Ảnh: Nguyễn Diệp
Tăng cả chất và lượng
Liên minh HTX tỉnh là cơ quan đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các thành viên, tham gia xây dựng chủ trương về phát triển kinh tế tập thể; tuyên truyền, vận động, tư vấn thành lập và hoạt động cho các HTX, liên hiệp HTX; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX. Theo ông Nguyễn Mậu Phong-Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh, trong 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự quan tâm của các ngành, địa phương, nhất là sự nỗ lực phấn đấu của khu vực kinh tế tập thể, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ của Liên minh đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã thành lập được 197 HTX, vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết Đại hội Liên minh HTX tỉnh lần thứ V đề ra. Đến nay, toàn tỉnh có 287 HTX và 1 liên hiệp HTX. Trong đó, 229 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 80%), 12 HTX công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, 26 HTX giao thông-vận tải, 8 HTX xây dựng, 6 HTX thương mại, 6 quỹ tín dụng nhân dân.
Ngoài ra, toàn tỉnh có 403 tổ hợp tác đăng ký chứng thực hợp đồng hợp tác với số lượng thành viên 3-5 người/tổ. Các tổ hợp tác chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ với quy mô nhỏ phù hợp với nhu cầu thực tế hộ gia đình, doanh thu bình quân ước đạt 19 triệu đồng/tổ/năm.
Tổng số thành viên HTX khoảng 17.624 người với nguồn vốn hoạt động 527 tỷ đồng, giá trị tài sản ước đạt 233 tỷ đồng. Doanh thu bình quân đạt khoảng 1,5 tỷ đồng/HTX/năm, lợi nhuận bình quân khoảng 82 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập bình bình quân 30-35 triệu đồng/người/năm, giải quyết việc làm cho 1.890 lao động. 
Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh cho biết thêm: Sau khi kiện toàn bộ máy các HTX theo Luật HTX năm 2012, hoạt động của các HTX trong tỉnh đã có những chuyển biến tích cực và xác định rõ hơn tư cách thành viên của HTX. Số vốn góp của từng thành viên cũng tăng lên, tạo điều kiện về nguồn lực, giúp các HTX mở rộng sản xuất kinh doanh, dịch vụ nên thu nhập của thành viên và người lao động cũng tăng lên.
Các HTX, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã thực hiện tốt các khâu dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất; một số HTX đã tổ chức được dịch vụ đầu ra, tiêu thụ nông sản cho người nông dân. Trong khi đó, các HTX phi nông nghiệp thì vừa tổ chức sản xuất, vừa kinh doanh dịch vụ có hiệu quả. Đặc biệt, các HTX bước đầu đã hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Việc hợp tác, liên kết đang dần trở thành xu thế để HTX nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững. Kinh tế tập thể tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội và góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp, nhiều HTX đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như: áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, hệ thống tưới nước tự động, trồng cây trong nhà lưới kết hợp phun sương, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ… Các HTX đã giúp nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cũng như thay đổi tập quán canh tác để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Đặc biệt, các HTX đã chú trọng hướng đến sản phẩm có chứng nhận, truy xuất nguồn gốc nhằm cung ứng cho thành viên và xã hội các sản phẩm nông nghiệp an toàn, từng bước nâng cao thương hiệu và tính cạnh tranh trên thị trường. Nhờ đó, đến nay, có 145 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, đạt 100% so với chỉ tiêu Bộ Nông nghiệp và PTNT giao và đạt 64% so với tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong lĩnh vực giao thông-vận tải, các HTX luôn duy trì hoạt động ổn định. Theo đó, các HTX giao thông-vận tải từng bước thích ứng với quy luật phát triển của nền kinh tế thị trường, nâng cao hiệu quả điều hành, kinh doanh; thực hiện tốt các thủ tục pháp lý theo quy định của Nhà nước đối với phương tiện vận tải, đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm xe cơ giới, lắp các thiết bị theo quy định của ngành. Nhiều HTX đã huy động thành viên góp vốn đổi mới phương tiện vận chuyển hiện đại, đa dạng các loại hình phục vụ vận tải hành khách, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế tập thể thời gian qua cũng gặp một số khó khăn như: sản xuất nông nghiệp chưa tạo được liên kết bền vững, tái cơ cấu nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa mặn mà xúc tiến hợp tác làm ăn với các HTX…
Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Phú Thịnh (TP. Pleiku) sản xuất rau, quả an toàn theo hướng VietGAP. Ảnh: Nguyễn Diệp
Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Phú Thịnh (TP. Pleiku) sản xuất rau quả an toàn theo hướng VietGAP. Ảnh: Nguyễn Diệp
Phát triển kinh tế tập thể theo hướng hiệu quả, bền vững

Trong nhiệm kỳ 2016-2020, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ các HTX lựa chọn những sản phẩm đặc trưng để tham gia Chương trình OCOP. Kết quả, có 12 sản phẩm của 9 HTX đạt chất lượng 3 sao, 4 sao; 6 sản phẩm của 4 HTX được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh năm 2020; 2 HTX có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2020. 

Phát huy những kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể và HTX theo hướng hiệu quả và bền vững. 

Theo đó, mục tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ tới là tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Liên minh HTX tỉnh, liên kết chặt chẽ và khai thác lợi thế hệ thống HTX ở các địa phương để thực hiện chức năng và nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Liên minh HTX tỉnh. Liên minh HTX tỉnh phấn đấu phát triển vững mạnh, đóng vai trò dẫn dắt và thúc đẩy sự phát triển kinh tế hợp tác, HTX. Huy động mọi nguồn lực để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất và phát triển các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ HTX phát triển.
Đồng thời, hỗ trợ, tư vấn cho các HTX thành lập mới; tư vấn và cung cấp dịch vụ quản trị, tín dụng, xúc tiến công nghệ và thương mại cho HTX; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho trên 2.000 lượt người tham gia; xây dựng các mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị; phấn đấu 70% HTX đang hoạt động là thành viên chính thức của Liên minh HTX tỉnh. Vận động, tư vấn, hỗ trợ HTX nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ cao, tham gia liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực, các sản phẩm OCOP; phấn đấu mỗi năm có 5 HTX sở hữu sản phẩm OCOP.
Sản xuất cây giống chất lượng cao tại Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Phú Thịnh (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Diệp
Sản xuất cây giống chất lượng cao tại Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Phú Thịnh (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Diệp
Trao đổi với P.V về giải pháp trong nhiệm kỳ tới, ông Nguyễn Mậu Phong cho biết: Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) và Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; tuyên truyền, tập huấn chính sách và pháp luật, hỗ trợ cho cán bộ quản trị và thành viên HTX. Đặc biệt, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tăng số lượng HTX thành lập mới, tạo điều kiện cho HTX huy động các nguồn lực phát triển và hoạt động đúng pháp luật.
Theo đó, Liên minh HTX sẽ chủ trì và phối hợp cùng các sở, ngành tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành các văn bản và thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với tổ hợp tác, HTX về đăng ký thành lập, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ tục đầu tư... tạo điều kiện thuận lợi cho HTX hoạt động. Liên minh HTX tỉnh chủ trì thực hiện công tác tư vấn, hỗ trợ, cung ứng dịch vụ và giải quyết khó khăn, vướng mắc về quản trị, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tiếp cận vốn tín dụng, chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại... cho khu vực kinh tế tập thể, HTX.
Tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, hộ cá thể thành lập tổ hợp tác, HTX; phát triển HTX công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, HTX kinh doanh chợ để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho HTX, tổ hợp tác. Đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh, trong đó, tập trung cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Liên minh HTX tỉnh; nâng cao năng lực hợp tác quốc tế để học tập kinh nghiệm, khai thác nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế tập thể, HTX.
NGUYỄN DIỆP-QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.