32 điểm đê biển, sông có thể bị vỡ nếu bão từ cấp 13 đổ bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo thống kê, có 32 điểm trọng yếu đê biển, đê cửa sông tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh - Nghệ An có thể bị thiệt hại nặng khi bão từ cấp 13 đổ bộ.

Chiều 4.9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp triển khai ứng phó với bão số 3. Cuộc họp được kết nối trực tiếp với các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Hải Dương, Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 3

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 3

Báo cáo tại cuộc họp, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), cho biết Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 50.137 tàu cá/219.864 người.

Trong đó, có 504 tàu/3.356 người đang hoạt động tại khu vực bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa (khu vực nguy hiểm). Cụ thể: Thanh Hóa 2 tàu/20 người, Nghệ An 135 tàu/523 người, Đà Nẵng 54 tàu/479 người, Quảng Nam 141 tàu/1.133 người, Quảng Ngãi 157 tàu/1.111 người, Bình Định 15 tàu/90 người. Các phương tiện đã nhận được thông tin và đang di chuyển tránh trú.

Về nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển, trên biển các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh - Nghệ An hiện có 49.380 ha, 19.144 lồng, bè và 3.806 chòi canh nuôi thủy sản. Nguy cơ rất cao bị thiệt hại khi bão vào vịnh Bắc bộ với cường độ cấp 12 - cấp 13, giật cấp 16.

Theo ông Luận, trên các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh - Nghệ An có 32 trọng điểm đê điều xung yếu cần đặc biệt lưu ý (Quảng Ninh 2, Hải Phòng 10, Thái Bình 8, Nam Định 8, Ninh Bình 3, Thanh Hóa 1); 3 công trình đang thi công; một số vị trí đê, kè đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục (kè Thịnh Long trên tuyến đê biển Hải Hậu, Nam Định); tuyến đê Bình Minh 4, tỉnh Ninh Bình mới hoàn thành nhưng chưa được gia cố mặt, mái phía đồng.

"Các tuyến đê biển trên hiện được thiết kế chống chịu với bão cấp 9 - cấp 10, triều trung bình 5%. Vì vậy, nếu bão số 3 đổ bộ với cấp gió từ 13 trở lên thì thiệt hại sẽ rất lớn do vượt mức thiết kế của đê", ông Luận nhấn mạnh.

Ông Luận cho biết thêm, sản lượng lúa hè thu từ Quảng Ninh - Nghệ An còn 15.000 ha đang chuẩn bị thu hoạch (dự kiến xong trước 10.9); lúa mùa khoảng 998.000 ha, đang ở giai đoạn phân hóa đòng và chuẩn bị trổ, nguy cơ bị thiệt hại khi gió bão mạnh và mưa lớn khi bão đổ bộ.

Đường đi dự kiến của bão số 3

Đường đi dự kiến của bão số 3

Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai thông tin, thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ, các tuyến biển, đảo cần kiên quyết kêu gọi, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú. Trong đó, nắm vững thông tin chi tiết từng tàu trong khu vực nguy cơ ảnh hưởng của bão; tổ chức sắp xếp tàu thuyền tại nơi neo đậu đảm bảo an toàn. Tùy theo diễn biến của bão chủ động cấm biển, nhất là các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh - Nghệ An.

Cạnh đó, kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ; có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người dân trên các đảo.

Đối với vùng đồng bằng, ven biển phải rà soát cụ thể, sẵn sàng phương án sơ tán dân đối với nhà ở không đảm bảo an toàn, khu vực trũng thấp cửa sông, ven biển; có phương án cho học sinh nghỉ học trong thời gian bão đổ bộ; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn trọng điểm đê biển, đê cửa sông xung yếu hoặc đang thi công, trong đó sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó với cường độ mạnh hơn thiết kế. Tổ chức chặt tỉa cành cây, gia cố nhà ở, công trình, biển hiệu quảng cáo, hệ thống lưới điện.

Ngoài ra, tập trung lực lượng thu hoạch diện tích lúa hè thu còn lại với phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Kiểm tra hệ thống thoát nước, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.

"Các tỉnh miền núi phía bắc triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn...", ông Luận nói.

Theo Đình Huy (TNO)

Có thể bạn quan tâm

UBND tỉnh ban hành 7 thủ tục mới thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thị xã, thành phố trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ

Gia Lai công bố 14 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 29/QĐ-UBND công bố danh mục gồm 7 thủ tục hành chính mới, 9 thủ tục bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nội vụ; 7 thủ tục mới, 9 thủ tục bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ.