Xét xử nhóm đối tượng tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 6-12, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 4 bị cáo cùng về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: T.S
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: T.S

Cụ thể, 4 bị cáo gồm: Bóp (SN 1988, trú tại xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) 12 tháng tù; Lê Sét Sấm (SN 1969, trú tại thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) 9 năm tù; Nguyễn Văn Nhiều (SN 1990) và Huỳnh Thị Kim Trinh (SN 1967, cùng trú tại huyện An Phú, tỉnh An Giang) cùng mức án 7 năm 6 tháng tù.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 17-5-2023, qua công tác nắm tình hình trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh phát hiện 4 người dân tộc thiểu số, gồm: Rơ Châm Mer (SN 1979, trú tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) và Tôk (SN 1988, trú tại xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) cùng 2 con của mình là H.Y. (SN 2011) và H. (SN 2018) trốn đi nước ngoài nên Phòng An ninh nội địa và Cơ quan An ninh điều tra phối hợp truy đuổi.

Đến sáng 18-5-2023, khi 4 người này đi đến TP. Hồ Chí Minh thì bị lực lượng chức năng phát hiện; đồng thời, bắt giữ Lê Sét Sấm là người tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.

Quá trình điều tra xác định, vào khoảng đầu tháng 12-2022, Nghiêm (bạn của Lê Sét Sấm, không rõ nhân thân, sống tại Campuchia, bị bệnh chết vào ngày 19-1-2023) rủ Sấm đưa người dân tộc thiểu số trốn sang Thái Lan và được người này đồng ý.

Tiếp đó, Nghiêm gọi qua ứng dụng Messenger cho một người đàn ông tên Hùng đang ở Thái Lan (chưa xác minh được thông tin và địa chỉ cụ thể), giới thiệu Sấm sẽ thay Nghiêm đưa người dân tộc thiểu số từ Việt Nam sang Campuchia. Tiếp đó, Nghiêm đưa điện thoại cho Sấm nói chuyện với Hùng và thống nhất tiền công đưa người trốn sang Campuchia là 5 triệu đồng/người lớn, trẻ em đi cùng được miễn phí.

Tuy nhiên, khi đưa người trốn Sấm thu mỗi người 20 triệu đồng/người lớn để lấy tiền chi phí trong quá trình tổ chức mua vé xe, ăn, uống, thuê nhà nghỉ, phí đưa người qua biên giới Việt Nam-Campuchia. Số tiền còn dư, Sấm đưa lại cho người trốn để trả lại cho đối tượng Hùng. Tiếp đó, Sấm sử dụng ứng dụng Messenger kết bạn với tài khoản Messenger của đối tượng Hùng.

Theo cơ quan điều tra xác định, từ tháng 2 đến 5-2023, Sấm, Nhiều, Trinh đã tổ chức 5 đợt đưa 20 lượt người dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai trốn đi Campuchia rồi sang Thái Lan trái phép. Trong đó, tổ chức thành công 4 đợt với 16 người (Sấm đưa người đến giao cho Nhiều và Trinh để đưa qua Campuchia), đến lần thứ 5 (có sự tham gia của Bóp) thì bị lực lượng chức năng phát hiện và bị bắt giữ. Sau khi tổ chức thành công đưa người dân tộc thiểu số trốn đi nước ngoài, Sấm thu lợi bất chính 80 triệu đồng, Nhiều 900 ngàn đồng, Trinh thu lợi hơn 2,7 triệu đồng.

Có thể bạn quan tâm

Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ dịp Tết Nguyên đán 2025

Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ dịp Tết Nguyên đán 2025

(GLO)- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung vừa ký ban hành Công văn số 101/UBND-NC về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí (VK), vật liệu nổ (VLN), công cụ hỗ trợ (CCHT) và pháo đảm bảo an ninh trật tự trong Tết Nguyên đán 2025.

Bác sĩ Nguyễn Quang Khôi (Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi tỉnh) thăm hỏi một trường hợp bị thương do tai nạn pháo nổ. Ảnh: N.N

Cảnh báo tai nạn do pháo nổ

(GLO)- Hơn 1 tháng trở lại đây, Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu do tai nạn pháo nổ, trong đó có bệnh nhân được đưa đến cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương. Hầu hết các trường hợp bị thương tích là do tự chế pháo và đốt pháo.