Xây dựng thương hiệu "Gạo Phú Thiện": Một cây lúa hai nỗi lo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Niên vụ 2017-2018, trong khi giá mía xuống thấp thì giá lúa vẫn ổn định ở mức cao, dẫn đến tình trạng nhiều nông dân ở huyện Phú Thiện phá mía để trồng lúa. Bên cạnh đó, người dân ở địa phương này còn đang đổ xô trồng lúa nếp vì lợi nhuận cao hơn lúa tẻ. Thực tế này đang gây khó khăn cho việc xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện”.

Từ chuyện nông dân phá mía trồng lúa

Theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2020 thì huyện Phú Thiện sẽ có khoảng 3.395 ha mía. Tuy nhiên, niên vụ 2017-2018, diện tích mía ở địa phương này đã lên đến hơn 4.200 ha. Trong đó, diện tích mía trồng không nhận đầu tư từ các công ty là 1.500 ha. Diện tích mía này không được các công ty thu mua, bị thương lái ép giá khiến nông dân thua lỗ nặng nề.

Từ đầu năm 2018 đến nay, rất nhiều hộ dân tại huyện Phú Thiện, trong đó có anh Trần Văn Tấn (xã Ia Sol) đã phá bỏ diện tích mía để chuyển sang trồng lúa hay một số loại cây hoa màu khác. Anh Tấn đã thuê máy múc hết lớp đất mặt của hơn 10 ha trồng mía rồi đắp bờ chia thành nhiều thửa khác nhau và đầu tư kinh phí tự xây dựng một trạm bơm điện liền kề để trồng lúa. “Mấy năm nay, giá mía ở mức thấp (khoảng 350 ngàn đồng/tấn) trong khi chi phí đầu tư và công thu hoạch rất cao. Tính riêng công chặt mía khoảng 250 ngàn đồng/tấn. Tính ra, mỗi héc ta trồng mía lỗ 8-10 triệu đồng nên tôi chuyển sang trồng lúa và một số loại cây khác”-anh Tấn nói.

Nông dân Phú Thiện thu hoạch lúa vụ mùa. Ảnh: N.S
Nông dân Phú Thiện thu hoạch lúa vụ mùa. Ảnh: N.S



Tại xã Chư A Thai, nhiều hộ dân cũng đã phá bỏ cây mía để trồng lúa. Theo ông Phùng Trung Toàn-Chủ tịch UBND xã Chư A Thai, toàn xã có 168 ha mía của người dân 4 làng Đồn, gồm: Bông, Pêng, Trớ và Hek. Diện tích mía này không nhận đầu tư từ Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai. “Vì trồng rải rác không theo quy hoạch và không nhận đầu tư nên rất khó bán mía khi thu hoạch. Việc giá mía xuống thấp cộng với chữ đường không cao khiến nhiều người trồng bị lỗ. Người dân đã chuyển sang trồng lúa, mì hoặc các loại khác để có nguồn thu ổn định hơn”-ông Toàn cho biết.

Tương tự, từ năm 2017 đến nay, tại xã Chrôh Pơnan và xã Ia Peng có hàng chục hộ dân phá bỏ cây mía chuyển sang trồng lúa nước. Ông Phạm Văn Ba (xã Ia Peng), người đã phá bỏ 28 ha mía chuyển sang trồng lúa và mì, cho biết: “Mấy năm nay, cây mì và lúa có giá cao và ổn định hơn cây mía. Giá mì dao động khoảng 3.500 đồng/kg tươi hoặc 5.000 đồng/kg khô; giá lúa từ 5.200 đồng đến 6.300 đồng/kg tươi. Trong khi đó, giá mía chỉ khoảng 350 đồng/kg. Nếu cứ bám theo cây mía thì lỗ to nên tôi chuyển sang trồng cây khác. Chỗ đất gần nguồn nước thì trồng lúa, chỗ đất cao thì trồng mì. Tôi đã trồng hơn 5 ha lúa”.

Đến đổ xô trồng lúa nếp

Những năm gần đây, nhiều nông dân huyện Phú Thiện đã chuyển đổi một số diện tích trồng lúa tẻ sang trồng lúa nếp. Hiện tại, diện tích lúa nếp chiếm từ 30% đến 40% tổng diện tích lúa toàn huyện.

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện, đến nay, nông dân trên địa bàn huyện đã thu hoạch được 2.890 ha/6.300 ha lúa nước vụ mùa, đạt 46% diện tích. Bà con rất phấn khởi vì lúa nếp vừa được mùa và được giá. Hiện tại, giá lúa nếp khoảng trên 5.000 đồng/kg tươi, năng suất ước đạt 6,7 tấn/ha. “Vụ lúa nếp năm nay rất thuận lợi, năng suất đạt cao so với các năm trước nên chúng tôi có thu nhập cao hơn”-ông Nguyễn Thị (tổ dân phố 1, thị trấn Phú Thiện) chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm nay, nhiều thương lái ở địa phương và các tỉnh phía Nam đã tìm mua lúa nếp của nông dân ngay sau khi thu hoạch. Với giá lúa nếp như trên, sau khi trừ chi phí, nông dân lãi 25-30 triệu đồng/ha. Ưu điểm của các giống lúa nếp được trồng ở huyện Phú Thiện là chất lượng cao, hạt dẻo và thơm. Tuy vậy, sản xuất lúa nếp ở địa phương này chỉ mang tính tự phát, chưa tìm được đầu ra sản phẩm ổn định nên giá hay dao động thất thường.

Ông Đặng Công Phu-Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thiện-cho biết: Hợp tác xã đang quản lý hơn 400 ha lúa, trong đó có một số cánh đồng sản xuất lúa nếp một giống. Ưu điểm của việc sản xuất lúa nếp là ít bị sâu bệnh, năng suất cao nhưng chúng tôi luôn lo lắng về đầu ra sản phẩm cho xã viên.

Tác giả (bìa phải) trò chuyện với một người dân ở xã Ia Yeng đã phá bỏ diện tích mía để trồng lúa. Ảnh: N.S
Tác giả (bìa phải) trò chuyện với một người dân ở xã Ia Yeng đã phá bỏ diện tích mía để trồng lúa. Ảnh: N.S



Theo ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện, việc sản xuất lúa nếp ở huyện có tiến triển tốt. Thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều mô hình, xây dựng những cánh đồng lúa lớn một giống, trong đó có lúa nếp, để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân sản xuất. So với năm ngoái thì diện tích trồng lúa nếp tăng nhưng không đáng kể. 2 năm nay, lúa nếp có giá cao hơn những năm trước. Dù vậy, ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích sản xuất lúa nếp vì giá cả không ổn định mà nên trồng những giống lúa tẻ được địa phương chọn để xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện”.

Cần ổn định để xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện”

Hiện nay, huyện Phú Thiện được xem là vựa lúa không chỉ của Gia Lai mà cả vùng Tây Nguyên. Đây cũng chính là tiền đề để địa phương hướng đến xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện. “Đến nay, UBND tỉnh đã hoàn chỉnh hồ sơ và đề nghị Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận thương hiệu “Gạo Phú Thiện” gồm các giống lúa: TBR225, LH12, OM4900, JO2… Các giống lúa này cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon, sản lượng lúa hàng năm đạt 80.000-85.000 tấn. Gạo Phú Thiện hiện có mặt ở các thị trường lớn trong nước như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đak Lak, Kon Tum. Dự kiến tháng 11-2018, thương hiệu “Gạo Phú Thiện” sẽ ra mắt”-ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết.

Để nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, những năm qua, chính quyền huyện Phú Thiện đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh thế mạnh cây lúa nước, Phú Thiện đã trở thành vùng nguyên liệu mía lớn của tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, giá mía xuống thấp, cộng với năng suất một số diện tích mía không đạt cao đã khiến người dân tự chuyển đổi sang trồng lúa và các loại cây khác.

Theo ông Đoàn Ngọc Có, việc người dân Phú Thiện chuyển đổi diện tích trồng mía kém hiệu quả sang trồng lúa và một số loại cây khác là phù hợp với kế hoạch tái cơ cấu của ngành Nông nghiệp theo hướng gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu. Tuy vậy, người dân không nên mở rộng diện tích lúa nếp vì giống được chọn để xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện” chủ yếu là lúa tẻ. Đối với các giống lúa đã có thương hiệu thì ngành Nông nghiệp sẽ hướng dẫn quy trình cho người dân, doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... để tạo ra sản phẩm gạo có chất lượng cao, an toàn. Thời gian tới, nhằm phát triển thị trường đầu ra cho sản phẩm gạo Phú Thiện, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế thông qua trang web của Sở Công thương, gắn với logo thương hiệu, mã truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, người dân cũng cần liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp để tạo ra chuỗi sản xuất và bao tiêu sản phẩm gạo sau thu hoạch.

Thương hiệu “Gạo Phú Thiện” có thành công hay không trước tiên cần sự chung tay quyết liệt của các cơ quan chức năng, đồng thời phải có sự đồng thuận từ nhà nông để đảm bảo diện tích theo quy hoạch và chất lượng đầu ra được thị trường chấp nhận theo tiêu chuẩn sạch.

Nguyễn Sang - Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm

Dự án trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại. Ảnh: Q.T

Pleiku tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

(GLO)- Ủy ban nhân dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, phường quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Thành phố quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch.

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

(GLO)- Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm qua, huyện Chư Pưh luôn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tại Hội nghị Liên kết, kêu gọi đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm huyện năm 2024 vừa được tổ chức, hàng loạt dự án trên các lĩnh vực được UBND huyện và các nhà đầu tư ký kết biên bản hợp tác.

Chư Pưh giới thiệu 50 gian hàng sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chư Pưh giới thiệu 50 gian hàng sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(GLO)- Tối 5-12, Sở Công thương Gia Lai phối hợp với UBND huyện Chư Pưh khai mạc phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Chư Pưh năm 2024. Phiên chợ nhằm chào mừng kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Chư Pưh (10/12/2009-10/12/2024).

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã thu được gần 29 tỷ đồng nộp ngân sách, đạt khoảng 120% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao (trừ tiền sử dụng đất). Từ nay đến hết năm 2024, ngành Thuế huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý thuế, chống thất thu cũng như khai thác tốt các nguồn thu.