Định hình giá trị thương hiệu
Thực tế cho thấy, thương hiệu mạnh luôn gắn với việc xây dựng giá trị, câu chuyện và niềm tin của người tiêu dùng, được thể hiện qua cách định hình những giá trị mang lại từ xây dựng chất lượng sản phẩm an toàn và bền vững. Đơn cử như Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku). Qua nhiều năm xây dựng và phát triển, Vĩnh Hiệp đã tạo ra sự bền vững từ vùng trồng hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn đến đầu tư chế biến sâu tạo ra lợi thế cạnh tranh cho ngành hàng cà phê Gia Lai.

Bà Trần Thị Lan Anh-Phó Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-cho biết: Hiện nay, Vĩnh Hiệp đã liên kết với hơn 10.000 nông hộ và đầu tư phát triển nông trại trồng cà phê hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam đạt chuẩn USDA của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, EU Organic, Japanese Agricultural Standards, Korean Organic mang lại nguồn cà phê Robusta hữu cơ chất lượng cao. Ngoài xây dựng thương hiệu cà phê nhân xanh hàng đầu Việt Nam, Vĩnh Hiệp đang từng bước đưa sản phẩm L’amant Café lan tỏa đến nhiều thị trường lớn với khát vọng khẳng định vị thế sản phẩm cà phê Gia Lai.
“Chúng tôi đặt quyết tâm mang cà phê hữu cơ Việt ra thế giới. Vì vậy, từ khi bắt đầu, Vĩnh Hiệp đã thực hiện bước đột phá trong ngành công nghiệp cà phê khi lựa chọn canh tác theo phương pháp hữu cơ. Và Hàm Rồng là nơi đầu tiên Công ty quyết định chọn làm trang trại. L’amant Café là sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024. Điều này càng đặt ra cho Vĩnh Hiệp sứ mệnh lớn hơn và trách nhiệm hơn với cộng đồng, người sản xuất và người tiêu dùng. Thương hiệu không chỉ được đánh giá là cà phê ngon, chất lượng, mà còn là sự đồng hành cùng nền nông nghiệp bền vững, là kết quả của sự chăm sóc tỉ mỉ từ trồng trọt đến chế biến, tạo dựng chuỗi liên kết cùng với bà con nông dân tiếp cận nền nông nghiệp đa giá trị. Đó là hành trình nông nghiệp xanh bền vững trên con đường chinh phục thị trường thế giới”-Phó Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp chia sẻ.

Thời gian qua, nhiều nhà sản xuất quy mô vừa và nhỏ cũng nỗ lực trên hành trình xây dựng thương hiệu. Ở đó, mỗi sản phẩm đều gắn liền với những câu chuyện về tình yêu và tâm huyết của người sản xuất trong quá trình phát triển sản phẩm. Câu chuyện về sản phẩm thường gắn liền với nguồn gốc, điều kiện khí hậu, đất đai, văn hóa vùng miền, sự chăm sóc của người nông dân, từ đó tạo ra sự kết nối cảm xúc với người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Nga-Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) cho hay: “Từ thành công trong xây dựng thương hiệu các sản phẩm hồ tiêu hữu cơ Lệ Chí, chúng tôi bắt đầu xây dựng thương hiệu cà phê Đak Yang. Ở 2 ngành hàng, chúng tôi đều gắn với câu chuyện về một vùng đất, địa danh qua nhiều thập kỷ để kể về hành trình của mình, từ ý tưởng khôi phục vùng tiêu Lệ Chí đã có từ những năm 1957-1960, thời chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách dinh điền di dân từ miền Trung lên Tây Nguyên.
Yêu mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên, chúng tôi đã nỗ lực khôi phục và xây dựng thương hiệu tiêu Lệ Chí. Trong quá trình triển khai, HTX cũng đã khai thác vùng nguyên liệu dồi dào tại địa phương để làm ra cà phê Đak Yang. Theo tiếng Bahnar, đak là nước, yang là thần trời; cà phê được nuôi dưỡng bằng nước của thần trời, với phương pháp canh tác hữu cơ thuần tự nhiên là dựa vào thổ nhưỡng, khí hậu sẽ cho ra những hạt cà phê có hương vị đặc trưng. Cứ như thế, chúng tôi nỗ lực trên hành trình của mình để truyền tải thông điệp với khát khao xây dựng 2 thương hiệu này”.
Đòn bẩy để nông sản vươn xa
Với hầu hết các nhà sản xuất nhỏ khi mới bắt đầu đi vào hoạt động thường chỉ tập trung vào việc tạo ra sản phẩm mà chưa chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sẽ giúp người tiêu dùng có niềm tin vào sản phẩm, giúp sản phẩm tạo được vị trí vững chắc trên thị trường. Các doanh nghiệp khi xây dựng thương hiệu cũng đồng thời xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu từ logo, slogan để truyền đạt thông điệp, sứ mệnh, tạo ấn tượng mạnh mẽ về thương hiệu hoặc sản phẩm với khách hàng.
Theo Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang, ngoài việc tạo ra sản phẩm chất lượng, đơn vị ngày càng hoàn thiện hơn về hình ảnh, vạch ra cho mình từng bước đi cụ thể. Đây không chỉ đơn thuần là chiến lược tiếp thị mà còn là một hành trình phải trải qua để tạo dựng niềm tin và giá trị trong lòng người tiêu dùng. Để quảng bá thương hiệu rộng rãi, HTX đã tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Thông qua các chương trình này không chỉ giúp HTX mở rộng thị trường mà còn tạo cơ hội để người tiêu dùng trong nước và quốc tế hiểu rõ hơn về sản phẩm hồ tiêu và cà phê của Gia Lai.
Hiện nay, các sản phẩm bán ra thị trường dưới dạng thương hiệu được định giá cao hơn nhiều so với bán qua trung gian. Người tiêu dùng cũng sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm từ thương hiệu mà họ tin tưởng trong một thị trường có khá nhiều sản phẩm tương đồng. Khi thương hiệu được xây dựng vững chắc, nhà sản xuất có thể dễ dàng phát triển thêm các sản phẩm khác hoặc thị trường mới mà không cần phải xây dựng lại từ đầu.

Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường-cho biết: Xây dựng thương hiệu cho nông sản là một hành trình cần sự đầu tư không chỉ về tài chính mà còn về thời gian và tâm huyết. Sự thành công trong xây dựng thương hiệu không chỉ giúp nâng cao nhận diện thương hiệu, tăng giá trị cho sản phẩm mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong tương lai.
Theo đánh giá của ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương: Hiện nay, Gia Lai có các sản phẩm chế biến sâu, dưới dạng sản phẩm hoàn thiện chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn thương mại quốc tế và có tiềm năng xuất khẩu lớn như: cà phê, hồ tiêu, trái cây, hạt mắc ca, hạt điều, mật ong... Cùng với L’amant Café đạt Thương hiệu quốc gia, Mật ong Phương Di đạt sản phẩm OCOP 5 sao, nhiều sản phẩm OCOP khác đạt tiêu chuẩn 3-4 sao có tiềm năng mở rộng thị trường. Trong bối cảnh cạnh tranh, việc xây dựng, quảng bá thương hiệu là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Nó không chỉ tạo sự khác biệt mà còn tạo ra giá trị bền vững cho sản phẩm. Thương hiệu mạnh giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo ra sự khác biệt so với các sản phẩm cùng loại.
Cũng theo ông Binh, gần đây, một số đối tác Nhật Bản, Nga, Hoa Kỳ, Canada rất quan tâm tìm hiểu về các sản phẩm nông nghiệp chế biến của Gia Lai. Nếu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh thâm nhập được các thị trường khó tính thì sẽ dễ đến được nhiều thị trường khác. Đặc biệt, các thị trường này không chỉ nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm mà còn thúc đẩy nâng cao giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp.