Xã Ia Pếch nỗ lực “cán đích” nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xã Ia Pếch (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) hiện nay đã đạt 12/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Vì vậy, để hoàn thành xây dựng NTM vào cuối năm 2024, cả hệ thống chính trị của xã đang nỗ lực để không “lỗi hẹn”.

Ia Pếch có hơn 1.400 hộ dân với gần 6.000 nhân khẩu, trong đó có 60% là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống tại 7 thôn, làng.

Ông Ngô Khôn Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Pếch-cho biết: Ia Pếch là một xã thuần nông, thu nhập, mức sống của người dân còn thấp nên việc huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng gặp khó khăn. Chính vì vậy, để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, xã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) xây dựng NTM với sự tham gia của các ngành, các tổ chức đoàn thể và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách các thôn, làng. Đồng thời, tập trung mạnh vào công tác tuyên truyền, vận động về chủ trương, ý nghĩa việc xây dựng nông thôn mới đến từng từng hộ dân để giúp họ hiểu rõ nội dung, ý nghĩa và trách nhiệm của bản thân, từ đó đồng thuận cùng tham gia xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, xã Ia Pếch còn 4 km đường chưa được cứng hóa do gặp khó khăn về nguồn kinh phí. Ảnh: Hoàng Kỳ

Hiện nay, xã Ia Pếch còn 4 km đường chưa được cứng hóa do gặp khó khăn về nguồn kinh phí. Ảnh: Hoàng Kỳ

Tính đến hiện tại, xã đã đạt 12/19 tiêu chí xây dựng NTM. Các tiêu chí chưa đạt gồm: giao thông; cơ sở vật chất văn hóa; nghèo đa chiều; tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; y tế; môi trường và an toàn thực phẩm; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Chính vì vậy, xã đã xem xét, đánh giá các tiêu chí dễ để thực hiện trước như tổ chức sản xuất và kinh tế nông thôn; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật y tế; môi trường và an toàn thực phẩm và y tế. Trong khi đó, 3 tiêu chí còn lại gặp nhiều khó khăn khi thực hiện.

Một trong những tiêu chí nan giải nhất trong thực hiện xây dựng NTM ở địa phương là cơ sở vật chất văn hóa. Theo đó, hiện nay Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã vẫn chưa được xây dựng; 2/7 thôn làng của xã có công trình phụ trợ đạt chuẩn, 6/7 làng có nhà văn hóa đạt chuẩn.

Theo ông Tuấn, UBND xã Ia Pếch đã đưa vào quy hoạch 5 ha cao su của Nông trường Ia Pếch (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh) để xây dựng Trung tâm Văn hóa-Thể thao. Địa phương cũng đã đề nghị UBND tỉnh Gia Lai làm việc với Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh để thu hồi diện tích đất trên. Từ đó, tạo quỹ đất để xây dựng Trung tâm. Tuy nhiên đến nay, việc thu hồi đất gặp nhiều khó khăn. Quỹ đất cũng là cái “vướng” khi xây dựng nhà văn hóa của làng Nang Long-Osơr. Trong khi đó, đối với các thôn làng hiện nay chưa có công trình phụ trợ, việc huy động kinh phí để xây dựng cũng là một trở ngại.

Ông Rơ Mah Roi-Trưởng thôn De Chí-cho hay: Thôn có gần 200 hộ dân với hơn 1.800 nhân khẩu, hơn 90% là người DTTS. Thời gian qua, thôn cũng đã tuyên truyền, vận động các hộ dân đóng góp kinh phí, ngày công lao động để xây dựng các công trình phụ trợ. Tuy nhiên, do đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên việc huy động kinh phí còn hạn chế.

Về tiêu chí giao thông, đối với tỷ lệ đường ngõ xóm sạch và đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm được cứng hóa, để đạt chuẩn cần đầu tư thêm 4 km đường tại 2 làng Nang Long-O Sơr và De Chí. Hiện tại, công tác vận động nhân dân bàn giao, giải phóng mặt bằng cơ bản đã hoàn tất nhưng hiện chưa bố trí được nguồn kinh phí để xây dựng. “Do nguồn kinh phí thực hiện được UBND huyện phân bổ vào năm 2025 nên xã đã kiến nghị chuyển nguồn về năm 2024 nhằm hoàn thành tiêu chí này. Tuy nhiên, việc này đến nay vẫn chưa được giải quyết”-ông Tuấn nói.

Được Hội Nông dân xã Ia Pếch hỗ trợ kinh phí để mua bò sinh sản, anh Rơ Châm Pỹ có thêm động lực để thoát nghèo. Ảnh: Hoàng Kỳ

Được Hội Nông dân xã Ia Pếch hỗ trợ kinh phí để mua bò sinh sản, anh Rơ Châm Pỹ có thêm động lực để thoát nghèo. Ảnh: Hoàng Kỳ

Hiện nay, tỷ lệ nghèo đa chiều của xã chiếm 15,19%. Để đạt chỉ tiêu này, đến cuối năm 2024 địa phương cần giảm xuống còn 8,5%, tức là số hộ nghèo phải giảm 94 hộ. Đây cũng là “bài toán” khó đối với xã Ia Pếch.

Hiện, địa phương đã triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 để các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo được tham gia dự án hỗ trợ nhà ở, phát triển sản xuất...; huy động nguồn lực từ các Mặt trận và các đoàn thể để hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo; vận động các hộ nghèo, cận nghèo vào làm công nhân tại các công ty đứng chân trên địa bàn xã như Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh, Công ty Phúc Tín 30-4, Công ty TNHH một thành viên Cây ăn trái Thagrico Tây Nguyên…; nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả trên địa bàn xã để nâng cao thu nhập.

Anh Rơ Châm Pỹ (thôn Lang Nong – Osơr)-một trong những hộ nghèo của thôn chia sẻ: “Gia đình tôi có khoảng 2 sào trồng cà phê, ngoài ra tôi còn đi làm thuê làm mướn để trang trải cho cuộc sống. Đầu năm 2024, được Hội Nông dân xã hỗ trợ 10 triệu đồng, tôi bỏ thêm 2,5 triệu đồng để mua 1 con bò cái sinh sản. Từ sự hỗ trợ này, gia đình có thêm sinh kế để phát triển kinh tế và động lực để thoát nghèo”.

“Các tiêu chí còn lại cần rất nhiều kinh phí nên để về đích NTM đúng hẹn đang là thách thức lớn đối với xã Ia Pếch. Hiện chính quyền địa phương đang nỗ lực, quyết tâm tăng cường phối hợp với các ban, ngành để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và vận dụng tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đồng thời, địa phương cũng rất cần sự quan tâm đầu tư nguồn lực của các cấp để sớm hoàn thành kế hoạch đề ra, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.”-Chủ tịch UBND xã Ia Pếch-kiến nghị.

Có thể bạn quan tâm

Trao 190 suất quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin và cô đỡ thôn bản tỉnh Gia Lai

Trao 190 suất quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin và cô đỡ thôn bản tỉnh Gia Lai

(GLO)- Ngày 18-1, tại TP. Pleiku, Giáo sư-Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) phối hợp tổ chức chương trình “Lan tỏa yêu thương” nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Khởi sắc Ia Mơ Nông

Khởi sắc Ia Mơ Nông

(GLO)- Tuy xuất phát điểm thấp, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm đa số nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức của người dân, diện mạo xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đang từng ngày khởi sắc.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Minh Sơn (bìa phải) tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung. Ảnh: Hoàng Hoài

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang

(GLO)- Sáng 10-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai Trần Minh Sơn làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang.

UBND tỉnh ban hành 7 thủ tục mới thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thị xã, thành phố trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ

Gia Lai công bố 14 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 29/QĐ-UBND công bố danh mục gồm 7 thủ tục hành chính mới, 9 thủ tục bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nội vụ; 7 thủ tục mới, 9 thủ tục bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ.