Nông dân Chư Băh làm giàu nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều nông dân xã Chư Băh (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng các mô hình phát triển kinh tế để làm giàu cho gia đình và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Dám nghĩ, dám làm

Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình kinh tế VAC của gia đình, cựu chiến binh Phạm Thị Oanh (buôn Hoai) cho biết: Sau khi về hưu, năm 2017, vợ chồng bà tận dụng diện tích đất sẵn có của gia đình để tăng gia sản xuất, vừa cung cấp thực phẩm sạch cho bữa ăn hàng ngày vừa tăng thu nhập. Trên diện tích 8 sào, bà Oanh dành hơn 1 sào đào ao nuôi cá. Tận dụng nguồn nước từ ao thả cá, bà trồng hơn 100 cây điều và gần 100 cây ăn quả đủ loại như: dừa, bưởi, mãng cầu, hồng xiêm, khế, đu đủ…

Cùng với đó, gia đình bà Oanh trồng thêm 1 sào cỏ để nuôi bò vỗ béo, duy trì 4-10 con/lứa. Theo bà Oanh, người dân địa phương chủ yếu nuôi bò cỏ vì ít vốn, ít tốn công chăm sóc nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Với bò vỗ béo, chỉ cần được chăm sóc tốt, khoảng 3 tháng có thể xuất bán. Như vậy, 1 năm nuôi 4 lứa với lợi nhuận 3-4 triệu đồng/con, hiệu quả cao hơn hẳn nuôi bò cỏ.

Gia đình bà Phạm Thị Oanh (buôn Hoai, xã Chư Băh) tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vươn lên làm giàu. Ảnh: N.H

Gia đình bà Phạm Thị Oanh (buôn Hoai, xã Chư Băh) tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vươn lên làm giàu. Ảnh: N.H

Ngoài ra, bà Oanh còn nuôi hơn 100 con gà, vịt lấy trứng; nuôi ốc nhồi trong ao cá. “Gia đình tôi thực hiện quy trình kỹ thuật đầy đủ. Vật nuôi được tiêm phòng vắc xin. Tận dụng phân bón cải tạo đất, chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ; sử dụng các loại thuốc an toàn sinh học phòng trừ dịch bệnh. Nhờ vậy, cây trồng, vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao. Mỗi năm, gia đình tôi lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Thời gian tới, khi các loại cây ăn quả cho thu hoạch ổn định, lợi nhuận sẽ tăng lên”-bà Oanh chia sẻ.

Trước đây, với 3 ha đất của gia đình, anh Ksor Hoang (buôn Hiao) chỉ quẩn quanh với cây lúa rẫy. Năng suất chẳng đáng là bao nên cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Sau khi tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi do xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã tổ chức, năm 2017, anh Hoang quyết định chuyển sang trồng mì và mía theo hướng liên kết sản xuất với nhà máy.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện cơ giới hóa ngay khâu làm đất, bón phân, diện tích mì, mía cho năng suất cao, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. Có lãi, anh đầu tư nuôi bò sinh sản; mua thêm 1 ha đất canh tác, xe công nông, máy xới phục vụ sản xuất và nhận làm thuê cho bà con trong buôn.

“Niên vụ 2023-2024, 1 ha mì của gia đình cho sản lượng 30 tấn. Thương lái thu mua tại ruộng với giá 3.000 đồng/kg. Riêng mía năng suất đạt gần 100 tấn/ha; nhà máy bao tiêu với giá 1,2 triệu đồng/tấn. Hiện tại, với 1 ha mì, 2 ha mía, 3 sào lúa, đàn bò 9 con cùng với làm dịch vụ, mỗi năm, gia đình tôi thu nhập gần 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí”-anh Hoang phấn khởi cho biết.

Không chỉ gắn bó với nương rẫy, những năm gần đây, đồng bào dân tộc thiểu số xã Chư Băh đã mạnh dạn đầu tư các mô hình kinh doanh dịch vụ. Cách đây 4 năm, nhận thấy nhu cầu xay xát gạo của bà con trong buôn rất lớn, đặc biệt khi vào mùa vụ, anh Nay Truên (buôn Hiao) mạnh dạn vay vốn đầu tư mở xưởng xay xát gạo. Vừa nhận xay xát gạo cho người dân, anh Truên vừa nhận xay xát gạo cho các thương lái. Công việc nhiều, anh thuê thêm 2 lao động tại địa phương với mức tiền công 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Anh Truên phân tích: Hiện nay, một số nhà máy xay xát gạo mới ra đời. Tuy nhiên, vì không có người trông coi và vận hành không thường xuyên nên ít khách hàng. Gia đình anh thuê thêm nhân công, chấp nhận giảm một phần lợi nhuận nhưng đổi lại nhờ dịch vụ tốt, phục vụ khách hàng 24/24 giờ nên lượng khách ngày càng đông. Lượng cám gạo thu được, gia đình dùng nuôi heo rừng lai. Với 4 con heo giống, mỗi năm, anh xuất chuồng trên 30-40 con heo với giá trung bình 1,5 triệu đồng/con.

Mô hình kinh tế tổng hợp từ xưởng xay xát gạo, chăn nuôi heo, kinh doanh tạp hóa nhỏ và 3 ha rẫy mì đem về cho gia đình nguồn thu trên 400 triệu đồng/năm. Năm 2021, anh tham gia Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi thị xã để giao lưu, học hỏi thêm nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả áp dụng vào điều kiện thực tế của gia đình.

Khi điều kiện kinh tế khá giả, anh Truên còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động tại địa phương. Với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, anh thường xuyên hỗ trợ gạo và nhu yếu phẩm.

“Khi bà con phát triển kinh tế thì những người làm nghề kinh doanh dịch vụ như tôi càng có cơ hội phát triển. Bản thân tôi luôn tâm niệm giúp người cũng là giúp chính mình. Hy vọng những phần quà nhỏ của gia đình sẽ tạo động lực giúp những gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống”-anh Truên trải lòng.

Anh Nay Truên (buôn Hiao, xã Chư Băh) mạnh dạn vay vốn mua máy móc thiết bị mở xưởng xay xát gạo để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: N.H

Anh Nay Truên (buôn Hiao, xã Chư Băh) mạnh dạn vay vốn mua máy móc thiết bị mở xưởng xay xát gạo để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: N.H

Lan tỏa phong trào sản xuất kinh doanh giỏi

Hội Nông dân xã Chư Băh hiện có 676 hội viên. Theo bà Nay H’Blem-Chủ tịch Hội Nông dân xã: Nhằm thúc đẩy phong trào sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương, năm 2022, Hội Nông dân xã thành lập Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với 24 thành viên.

Nhờ thường xuyên gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, số lượng hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi không ngừng tăng lên. Năm 2023, toàn xã có 360 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi. Trong đó, cấp thị xã 10 hộ, cấp xã 350 hộ. Không chỉ làm giàu cho bản thân, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi tích cực hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm giúp các hội viên nông dân mạnh dạn, tự tin đầu tư phát triển sản xuất, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Ông Lê Văn Tuân-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Băh: Những năm qua, phong trào sản xuất kinh doanh giỏi đã được các hội, đoàn thể tích cực triển khai, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng. Thông qua các phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi”; “Thanh niên lập thân, lập nghiệp”…, người dân từng bước nâng cao nhận thức, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho gia đình. Tính đến cuối năm 2023, toàn xã còn 15 hộ nghèo, chiếm 1,43%; 44 hộ cận nghèo, chiếm 4,18%, giảm 22 hộ nghèo, 17 hộ cận nghèo so với đầu năm.

Cùng với đó, Hội Nông dân xã duy trì 5 tổ hội nghề nghiệp, 1 chi hội nghề nghiệp và 1 nông hội. Các thành viên mạnh dạn chia sẻ khó khăn, vướng mắc gặp phải để tìm biện pháp tháo gỡ cũng như chia sẻ cách làm hay, hiệu quả để mọi người học hỏi, làm theo. Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho các thành viên chi, tổ hội nghề nghiệp tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp để đầu tư phát triển kinh tế; tạo phong trào thi đua lao động sản xuất trong toàn Hội, phấn đấu mỗi năm giảm 2 hội viên nghèo.

Trong khi đó, với 98 hội viên, Hội Cựu chiến binh xã Chư Băh hiện có 5 hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi. Ông Lê Thanh Dung-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã-cho hay: Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, các cựu chiến binh trong xã tích cực tăng gia sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như mô hình nuôi chim yến của hội viên Nguyễn Thanh Tùng, mô hình VAC của hội viên Phạm Thị Oanh, mô hình nuôi bò vỗ béo của hội viên Đinh Văn Dũng…. với thu nhập 200-300 triệu đồng/năm.

Nhằm tạo điều kiện cho hội viên cựu chiến binh phát triển kinh tế, Hội Cựu chiến binh xã thành lập 2 tổ tiết kiệm và vay vốn tín chấp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã cho 15 hội viên vay với tổng dư nợ trên 3,1 tỷ đồng. Ban Chấp hành Hội thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn hội viên sử dụng vốn vay đúng mục đích và trả lãi theo thời gian quy định.

Trao đổi với P.V, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Văn Tuân nhấn mạnh: Để phong trào sản xuất kinh doanh giỏi phát triển cả về số lượng và chất lượng, thời gian tới, UBND xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia các mô hình kinh tế tập thể, liên kết để xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với thực tiễn địa phương.

Đồng thời phối hợp với các đơn vị có liên quan hỗ trợ người dân về vốn, giống, khoa học kỹ thuật, dạy nghề; tiếp tục nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay, biểu dương gương sản xuất, kinh doanh giỏi để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng; tạo điều kiện cho nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm tại những mô hình hiệu quả để áp dụng vào thực tế gia đình, tạo sức bật thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.