Làm giàu từ mô hình đa cây, đa con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ mô hình đa cây, đa con mà gia đình chị Nguyễn Thị Thùy Trang (thôn Linh Nham, xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang) đã có nguồn thu nhập ổn định hàng tỷ đồng mỗi năm.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thùy Trang có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ mô hình đa cây, đa con. Ảnh: H.L

Gia đình chị Nguyễn Thị Thùy Trang có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ mô hình đa cây, đa con. Ảnh: H.L

Chị Trang cho biết: Năm 2010, gia đình chị trồng 4 ha cà phê và 2 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, thời điểm này, cây hồ tiêu bị bệnh chết hàng loạt nên chị đã quyết định phá bỏ toàn bộ diện tích hồ tiêu. Trong một lần tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả ở tỉnh Đồng Nai, chị nhận thấy có nhiều hộ gia đình tại đây liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam chăn nuôi heo theo hướng gia công, mang lại thu nhập cao. Điều thuận lợi là gia đình chị có quỹ đất tương đối rộng, xa khu dân cư và đạt tiêu chuẩn của Công ty.

Năm 2011, chị quyết định ký hợp đồng với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam và đầu tư hơn 4 tỷ đồng để xây dựng trang trại nuôi heo trên diện tích 1.200 m2, quy mô 600 con heo thịt/lứa.

“Theo hợp đồng, Công ty sẽ giao con giống, thuốc tiêm phòng, thức ăn và hỗ trợ kỹ thuật, quy trình chăm sóc. Tôi chỉ việc nuôi và chăm sóc theo đúng quy trình của Công ty và nhận tiền công khi heo đạt trọng lượng theo quy định”-chị Trang chia sẻ.

Hiện trang trại nuôi heo của chị Trang đã mở rộng diện tích lên 2.400 m2 với quy mô 1.250 con heo thịt/lứa. Sau khoảng 5-6 tháng, khi heo đạt trọng lượng 100-110 kg thì sẽ xuất chuồng. Với giá Công ty thu mua 3.500 đồng/kg thì mỗi lứa heo, gia đình chị thu về gần 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Ngoài chăn nuôi heo, chị Trang còn đầu tư xây dựng trang trại nuôi vịt trên diện tích 3.800 m2, quy mô 32.000 con/lứa. Vịt từ lúc nuôi cho đến khi xuất chuồng khoảng 50 ngày, trọng lượng đạt 2,5-2,8 kg/con. “Mỗi năm, gia đình nuôi được 3 lứa vịt, thu về khoảng hơn 500 triệu đồng/năm”-chị Trang nói.

Gia đình chị Trang ký hợp đồng làm trang trại chăn nuôi heo gia công với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam. Ảnh: Hoàng Lộc

Gia đình chị Trang ký hợp đồng làm trang trại chăn nuôi heo gia công với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam. Ảnh: Hoàng Lộc

Chưa dừng lại ở đó, đầu năm 2024, chị Trang còn mạnh dạn mua đất để đầu tư mô hình trồng dâu nuôi tằm. Với 4 ha dâu, mỗi tháng, chị nuôi khoảng 6 hộp tằm, năng suất đạt gần 360 kg kén. Với giá kén 180-200 ngàn đồng/kg, sau mỗi đợt nuôi, chị thu về hơn 40 triệu đồng. Như vậy, cùng với 4 ha cà phê cho lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí thì mô hình đa cây, đa con của gia đình chị Trang cho thu nhập gần 2 tỷ đồng.

“Sản xuất đa cây, nuôi đa con tạo được nguồn thu ổn định, hạn chế rủi ro khi một loại nông sản, vật nuôi rớt giá. Mô hình này còn giúp tôi tận dụng được phế phẩm làm nguồn thức ăn trong chăn nuôi, trồng trọt, giảm chi phí đầu tư”-chị Trang khẳng định.

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, chị còn tư vấn kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi để giúp đỡ 4 hộ gia đình tại thôn Linh Nham mở trang trại nuôi heo theo hướng gia công. Anh Nguyễn Huy Hoàng cho hay: “Năm 2014, tôi biết đến mô hình nuôi heo theo phương pháp gia công của gia đình chị Trang nên đã nhờ chị tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm. Từ đó, tôi xây dựng trang trại đạt chuẩn trên diện tích 1.000 m2 với quy mô chăn nuôi gần 400 con heo thịt/lứa. Bình quân mỗi năm, tôi xuất 2 lứa heo thịt, mỗi lứa thu lời gần 100 triệu đồng”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Đình Hải-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mang Yang-đánh giá: Mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hình thức đa cây, đa con của gia đình chị Nguyễn Thị Thùy Trang là một hướng đi bền vững. Mô hình này giúp người nông dân khai thác hiệu quả diện tích đất canh tác, góp phần đa dạng hóa các mặt hàng nông sản, chăn nuôi để cung cấp cho thị trường, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tổ chức cho hội viên tham quan, học hỏi mô hình này.

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.