Nông dân Chư Prông thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với sự hỗ trợ từ Hội Nông dân các cấp, nhiều nông dân ở huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã vươn lên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Năm 2024, toàn huyện có 4.428 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chiếm 21% số hộ làm nông nghiệp.
Ông Trần Văn Hào (tổ 4, xã Ia Vê) đã trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi nhờ chăm chỉ lao động và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: Nhật Hào

Ông Trần Văn Hào (tổ 4, xã Ia Vê) đã trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi nhờ chăm chỉ lao động và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: Nhật Hào

Sau 26 năm rời quê hương Bình Định lên Gia Lai lập nghiệp, ông Trần Văn Hào (tổ 4, xã Ia Vê) đã vươn lên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi với 2,5 ha cà phê, 2 ha sầu riêng và 500 trụ hồ tiêu. Đưa chúng tôi đi thăm vườn cây, ông Hào kể: Khi mới lên đây lập nghiệp, vợ chồng ông chỉ có vỏn vẹn 2 triệu đồng. Được bạn bè và người thân cho vay mượn thêm, vợ chồng ông mua 1 ha đất trồng cà phê và thuê đất trồng cây ngắn ngày để có thu nhập.

Sau hơn 3 năm chăm sóc, vườn cà phê cho thu hoạch, ông bán sản phẩm trả nợ rồi tích góp tiền mua thêm đất sản xuất. Từ chỗ chỉ trồng cà phê, ông trồng thêm hồ tiêu. Sau đó, ông chuyển đổi một phần sang trồng sầu riêng. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật mà vườn cây của ông phát triển tốt.

“Sau khi trừ chi phí, vườn cây cho thu 1,4 tỷ đồng/năm. Hàng năm, gia đình tôi tạo việc làm cho 10-15 lao động thời vụ và giúp 5-6 hộ mượn tiền không tính lãi để đầu tư sản xuất”-ông Hào thông tin.

Còn bà Nguyễn Thị Thúy Hồng (tổ 2, thị trấn Chư Prông) thì chia sẻ: Bà đến Chư Prông lập nghiệp từ năm 2000. Sau nhiều năm làm ăn tích góp, năm 2024, bà mua được 2 ha đất để trồng sầu riêng. “Ngày trước, khu vực này chưa có điện, đường sá đi lại rất khó khăn. Trong khi đó, vốn liếng ít ỏi nên vợ chồng tôi phải đi làm thuê đủ thứ việc để có tiền mua phân bón và cây giống về trồng. Mấy năm gần đây, vườn sầu riêng của gia đình phát triển tốt, năng suất đạt cao. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, gia đình thu gần 1,5 tỷ đồng từ vườn sầu riêng 2 ha”-bà Hồng cho biết.

Ở làng Klũh Klãh (xã Ia Boòng), ông Rơ Châm Chuyn cũng là tấm gương tiêu biểu về tinh thần vượt khó làm kinh tế giỏi. Gia đình ông đang canh tác hơn 10 ha cà phê, hồ tiêu, cao su, điều và chanh dây. Năm 2023, gia đình ông thu được 43 tấn mủ cao su, 18 tấn chanh dây, 12 tấn cà phê nhân, 1 tấn hồ tiêu, 1 tấn điều, 18 tấn chanh dây. Sau khi trừ chi phí, gia đình lãi 1,55 tỷ đồng. “Từ khi có thu nhập ổn định, hàng năm, gia đình tôi giúp đỡ 6 hộ khó khăn vay hơn 120 triệu đồng để đầu tư vào sản xuất”-ông Chuyn nói.

Nhiều nông dân ở huyện Chư Prông đã vươn lên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Ảnh: T.N

Nhiều nông dân ở huyện Chư Prông đã vươn lên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Ảnh: T.N

Trao đổi với P.V, bà Siu H’Ler-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Prông-cho hay: Bên cạnh triển khai sâu rộng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, Hội Nông dân huyện cũng đã tranh thủ mọi nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế.

Từ năm 2019 đến nay, các cấp Hội phối hợp tổ chức 172 lớp tập huấn kỹ thuật cho 10.340 lượt hội viên; tổ chức 18 lớp đào tạo nghề cho 533 lao động; hỗ trợ hội viên cây giống tái canh trên 969 ha cà phê; vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân hơn 4,14 tỷ đồng và phối hợp với các ngân hàng giúp hàng ngàn hội viên vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, còn thành lập 147 tổ hội, chi hội nông dân nghề nghiệp và các câu lạc bộ sản xuất kinh doanh giỏi nhằm tạo điều kiện cho hội viên học hỏi kỹ thuật và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Nhiều hội viên nông dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, chuyển đổi cây trồng và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, các giống mới có năng suất, sản lượng cao, các mô hình sản xuất mới, mô hình vườn-ao-chuồng để nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập. Riêng năm 2024, toàn huyện có 4.428 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 21% số hộ làm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, cán bộ, hội viên nông dân cũng đã hiến 1.397 m2 đất, đóng góp 5,671 tỷ đồng, 3.320 ngày công làm mới và sửa chữa đường giao thông nông thôn và kênh mương nội đồng; đóng góp 200 triệu đồng xây nhà cho hộ nghèo.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện nhấn mạnh: “Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn hỗ trợ và phối hợp tốt với các ban, ngành, đơn vị liên quan tạo điều kiện cho hội viên nông dân về vốn, giống cây trồng, vật nuôi, phương tiện và kỹ thuật sản xuất.

Đồng thời, phát triển có hiệu quả các câu lạc bộ sản xuất kinh doanh giỏi, các chi-tổ hội nghề nghiệp và thực hiện liên kết 4 nhà giúp nông dân nâng cao trình độ sản xuất cũng như trang bị công nghệ thông tin nhằm tiếp cận thị trường mua bán hàng hóa nông sản để nâng cao thu nhập”.

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.