Ðáng chú ý, trên địa bàn tỉnh cũng đã ghi nhận 2 ổ dịch tả heo châu Phi khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh này càng trở nên hiện hữu.
Thiết lập tuyến phòng dịch từ “vòng ngoài”
Ngày 16.7, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 747/QĐ-UBND về việc thành lập 4 chốt kiểm dịch động vật liên ngành trên các trục quốc lộ quan trọng, gồm: Bình Đê (QL 1, phường Hoài Nhơn Bắc), Song An (QL 19, xã Cửu An), Ia Khươl (QL 14, xã Ia Khươl) và Ia Le (QL 14, xã Ia Le).

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Môi trường), các chốt này nằm tại các điểm tiếp giáp với những tỉnh đang có nguy cơ cao bùng phát dịch như Quảng Ngãi và Đắk Lắk, hoạt động 24/24 giờ với sự phối hợp giữa lực lượng thú y và CSGT. Tại đây, lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra giấy tờ, phun hóa chất tiêu độc khử trùng phương tiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về vận chuyển động vật và sản phẩm từ động vật.
Từ đầu năm đến nay, khu vực phía Tây tỉnh, vốn là vùng chăn nuôi trọng điểm với nhiều dự án quy mô lớn, đã kiểm soát tốt dịch bệnh nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chuyên môn, DN và người dân. Tuy nhiên, trước diễn biến dịch tả heo châu Phi ngày càng lan rộng, riêng khu vực phía Tây có 3 chốt kiểm dịch động vật được triển khai.
Tại chốt kiểm dịch Ia Khươl (giáp tỉnh Quảng Ngãi - nơi dịch đang diễn biến phức tạp), lực lượng chức năng túc trực ngày đêm bất chấp điều kiện thời tiết xấu do cao điểm mùa mưa. Đến nay, chốt đã kiểm tra 21 chuyến xe vận chuyển động vật, tất cả đều có giấy tờ kiểm dịch đầy đủ, không phát hiện trường hợp vi phạm hay vận chuyển động vật không rõ nguồn gốc.
Tại chốt kiểm dịch Ia Le (giáp ranh tỉnh Đắk Lắk), anh Huỳnh Tiến Vương, nhân viên thú y, cho biết: “Đến nay, chốt đã kiểm tra 28 chuyến, trong đó có 25 chuyến vận chuyển heo với tổng cộng 2.573 con. Tất cả đều đảm bảo quy định kiểm dịch và được phun khử trùng kỹ lưỡng trước khi tiếp tục hành trình”.
Đặc biệt, chốt kiểm dịch Bình Đê được xác định là điểm giám sát trọng yếu. Ông Đỗ Văn Luật, Trưởng Trạm kiểm dịch động vật Cù Mông, đơn vị phụ trách chốt này, cho hay: “Trung bình mỗi ngày, chốt kiểm tra khoảng 5 xe chở động vật, sản phẩm động vật, chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc vào. Từ ngày 16 đến 20.7, chúng tôi đã kiểm tra 17 xe chở 5.154 con gia súc, chủ yếu là xe vận chuyển heo vào tỉnh; còn phương tiện từ tỉnh ra Bắc, đã kiểm tra 124 xe chở 8.226 con gia súc, 104.500 con gà con và 15.907 kg sản phẩm động vật. Tất cả đều có biên bản kiểm dịch, niêm phong kẹp chì và đảm bảo vệ sinh thú y theo đúng quy định”.
Kiểm soát toàn diện, bảo vệ ngành chăn nuôi
Không chỉ dừng lại ở việc thành lập chốt kiểm dịch, tỉnh còn triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh.
UBND tỉnh yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp cùng chính quyền cấp xã tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến người dân về cách nhận biết và phòng, chống dịch tả heo châu Phi; đồng thời tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y tại các trang trại, cơ sở giết mổ và kinh doanh động vật. Bên cạnh đó, cán bộ kiểm dịch không chỉ trực tại chốt mà còn tổ chức tuần tra lưu động trên các tuyến đường nhánh, đặc biệt vào ban đêm để kịp thời phát hiện phương tiện cố tình né chốt. Các xe vận chuyển động vật đều được kiểm tra giấy tờ, tình trạng động vật; những trường hợp nghi ngờ sẽ bị cách ly ngay tại chốt, không cho vào địa bàn.

Ông Huỳnh Ngọc Diệp cho biết thêm: “Sau gần một tuần triển khai, các chốt đều thực hiện nghiêm quy trình kiểm tra, xử lý. Ý thức của các chủ phương tiện, lái xe khá tốt, chưa phát hiện trường hợp vi phạm nào. Tuy nhiên, chúng tôi không chủ quan mà sẽ tiếp tục siết chặt kiểm soát, nhất là tại các địa bàn giáp ranh vùng dịch”.
Cùng với việc thành lập thêm các chốt kiểm soát mới, tỉnh vẫn duy trì hoạt động của Trạm kiểm soát dịch bệnh động vật Chư Ngọc (xã Phú Túc) và Trạm kiểm soát dịch bệnh động vật Cù Mông (phường Quy Nhơn Tây). Hai trạm này đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện mạng lưới kiểm dịch, khép kín tuyến phòng dịch ở khu vực phía Tây và cửa ngõ phía Nam - những địa bàn có nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn và lưu lượng xe vận chuyển động vật ra vào dày đặc.
Việc chủ động kiểm soát dịch bệnh không chỉ nhằm bảo vệ đàn vật nuôi trước nguy cơ lây nhiễm mà còn giữ vững sinh kế cho hàng nghìn hộ chăn nuôi và đảm bảo sự ổn định cho ngành nông nghiệp tỉnh trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi vẫn đang diễn biến khó lường. Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, thời gian tới, lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển động vật trái phép. Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương siết chặt quản lý hoạt động giết mổ, tiêu thụ động vật, đảm bảo an toàn dịch bệnh từ nơi xuất phát đến bàn ăn.