Người dân - lực lượng giữ rừng chủ lực
Đầu tháng 6.2025, chúng tôi có dịp theo chân cán bộ, nhân viên Trạm Quản lý bảo vệ rừng An Toàn 2 (Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn) và Tổ quản lý bảo vệ rừng thôn 2 (xã An Toàn) trong một chuyến tuần tra rừng tại khu vực Ngọn Nước Tân.

Ông Đinh Văn Chất (người Bahnar) nhận khoán bảo vệ gần 15 ha rừng đặc dụng với mức hỗ trợ 600 nghìn đồng/ha/năm. Ông Chất cho biết: “Vào ngày thứ hai đầu tiên hằng tháng, tôi cùng anh em trong tổ tiến hành đi tuần rừng, mỗi lần mất từ 1 - 3 ngày. Nếu thấy dấu hiệu cháy rừng hay xâm hại rừng sẽ báo ngay cho Trạm Quản lý bảo vệ rừng An Toàn 2 xử lý. Nhờ có tiền khoán bảo vệ rừng mà tôi đỡ phải đi làm thuê. Mong Nhà nước tiếp tục hỗ trợ thêm phương tiện đi rừng và sinh kế để bà con giữ rừng tốt hơn”.
Ông Trần Thanh Hồng - Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng An Toàn 2 - thông tin: Thôn 2 hiện có 105 hộ dân tham gia nhận khoán bảo vệ hơn 1.510 ha rừng đặc dụng theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025. “Chúng tôi luôn xem người dân là đối tác đồng hành chứ không đơn thuần là bên nhận khoán bảo vệ rừng. Mỗi đợt tuần tra cũng là dịp để cán bộ, nhân viên trong đơn vị gắn kết với cộng đồng, trao đổi kinh nghiệm bảo vệ rừng hiệu quả hơn” - ông Hồng nhấn mạnh.
Xã Vân Canh là một trong những địa phương có cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Vân Canh theo Tiểu dự án 1, Dự án 3 (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025) với diện tích khá lớn. Tính đến nay, 703 hộ dân của xã tham gia nhận khoán bảo vệ gần 4.225 ha rừng tự nhiên quy hoạch chức năng phòng hộ. Để bảo vệ rừng hiệu quả, các nhóm hộ gia đình tự xây dựng kế hoạch, quy ước quản lý, bảo vệ rừng, phân công hộ dân tham gia tuần tra, phòng chống cháy rừng…
Ông Đoàn Văn Dặm (ở khu phố Đăk Đưm) chia sẻ: “Gia đình tôi nhận khoán bảo vệ 20 ha rừng. Cuối năm 2024, tôi nhận được 12 triệu đồng. Nhờ đó, tôi có điều kiện mua bò về nuôi, từng bước thoát nghèo. Khi gắn bó với rừng, chúng tôi càng ý thức hơn về trách nhiệm bảo vệ tài nguyên này lâu dài”.
Đổi mới cách làm để giữ rừng bền vững
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, năm 2025, việc khoán bảo vệ rừng được thực hiện trên diện tích hơn 110.258 ha với tổng kinh phí chi trả trên 87,9 tỷ đồng theo Tiểu dự án 1 (Dự án 3). Riêng Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, dự kiến các chủ rừng sẽ chi trả hơn 98,5 tỷ đồng cho các hộ nhận khoán. Đặc biệt, trong bối cảnh các địa phương sáp nhập, địa bàn mở rộng hơn, công tác bảo vệ rừng càng cần được chú trọng và chuyên nghiệp.

Ông Khiếu Đức Thịnh - Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn - cho biết: Đơn vị hiện quản lý hơn 25.197 ha rừng, trong đó có 22.681 ha rừng đặc dụng. Thời gian qua, 278 hộ dân ở thôn 1, 2 và 3 (xã An Toàn) nhận khoán bảo vệ 4.000 ha rừng theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững. Qua đó, Ban phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, tập huấn kỹ năng xử lý vi phạm, PCCC, các dấu hiệu xâm hại rừng; đề xuất hỗ trợ phương tiện, thiết bị phục vụ tuần tra cho các hộ nhận giao khoán, góp phần giữ gìn hệ sinh thái rừng.
Theo Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Vân Canh Nguyễn Thanh Quang, thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng bằng việc ứng dụng công nghệ giám sát từ xa, kết hợp với tăng cường hoạt động tuần tra trên thực địa; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng bảo vệ rừng, giúp bà con hiểu rõ giá trị rừng mang lại. Mục tiêu là xây dựng lực lượng bảo vệ rừng tại chỗ mạnh, chủ động ngăn chặn sớm các nguy cơ xâm hại và gìn giữ tốt diện tích rừng hiện có.
Ông Lê Đức Sáu - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh - cho hay: “Việc giao khoán rừng cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy vai trò chủ thể cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng. Từ đó, đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hộ gia đình, nhóm hộ, tổ chức nhận khoán; nghiên cứu mở rộng các mô hình quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng gắn với sinh kế, kết hợp giữa nhận khoán bảo vệ rừng và trồng cây dược liệu dưới tán rừng, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng… góp phần phát triển KT-XH tại các địa phương, tạo động lực để người dân tự giác giữ rừng như giữ nguồn sống của mình”.