Vườn nho hữu cơ đầu tiên trên đất Pleiku .

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Nhờ áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến, sau 3 năm, anh Trần Văn Hải (thôn 4, xã Biển Hồ, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã bước đầu thành công với mô hình trồng nho hữu cơ. Vườn nho 1.000 cây đang vào độ thu hoạch và bắt đầu đón du khách đến tham quan, thưởng lãm.

Là người đam mê nông nghiệp, sau khoảng thời gian gắn bó với cây cà phê và cây ăn quả, năm 2020, anh Trần Văn Hải quyết định rẽ sang hướng sản xuất mới với mong muốn tìm một loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Một lần, tình cờ anh biết đến mô hình trồng nho Hạ Đen ở miền Bắc. Đây là giống nho có nhiều ưu điểm vượt trội như: nhanh cho thu hoạch, thịt quả dày, giòn và đặc biệt là không có hạt. Anh Hải đã mạnh dạn đưa giống nho này về trồng trên diện tích 2 sào với tổng số 1.000 cây.

“Thời điểm đó, tôi cũng chưa chắc chắn giống nho này có phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở Pleiku hay không nhưng bản thân rất muốn chinh phục được nó. Tôi bắt đầu học hỏi kỹ thuật trồng nho từ internet và một số trang trại. Sau đó, tôi đầu tư nhà lồng, hệ thống tưới tiêu… với số vốn ban đầu trên 500 triệu đồng”-anh Hải cho biết.

Vườn nho của anh Trần Văn Hải bắt đầu vào vụ thu hoạch đầu tiên. Ảnh: Mai Ka

Vườn nho của anh Trần Văn Hải bắt đầu vào vụ thu hoạch đầu tiên. Ảnh: Mai Ka

Thời gian đầu, cây nho không thể phát triển theo đúng chu kỳ, tới vụ không ra hoa, cho quả… Anh Hải hầu như ngày đêm ăn ngủ cùng vườn cây. 3 năm ròng rã, anh túc trực ở vườn nho, làm giàn, vun gốc, cắt tỉa, nhặt cỏ, bón phân, bắt sâu. Vừa làm, anh vừa rút kinh nghiệm. Anh Hải cho rằng: “Khi bắt tay với cây trồng mới và khó như nho Hạ Đen, tôi đã xác định rõ rủi ro cao luôn đi kèm với cơ hội lớn. Đất Pleiku rất khó trồng được cây nho do có độ ẩm cao, trong khi cây ưa nắng nên dễ bị úng rễ, sâu bệnh và chết dần. Do đó, phải hiểu được đặc tính cây và làm chủ được kỹ thuật thì mới có thể thành công”.

Hiểu được điều đó, anh Hải luôn theo sát từng giai đoạn sinh trưởng của cây, bổ sung dinh dưỡng hợp lý để chủ động cho cây ra hoa, đậu quả. Bên cạnh đó, khu vườn phải có hệ thống tưới nhỏ giọt, cung cấp dinh dưỡng đến từng gốc cây bảo đảm phát triển đồng đều. Khi quả bắt đầu chuyển màu từ xanh sang đỏ, anh tiến hành bọc bì lưới để quả đẹp, chín đều và phòng trừ sâu, chim, chuột gây hại… “Để chùm nho đều quả, phát triển cân đối, tôi thường xuyên tỉa quả. Đây là công đoạn quyết định chất lượng, hình dáng chùm nho khi thu hoạch. Hiện nay, vườn nho của tôi đã vào vụ thu hoạch đầu tiên với 100% diện tích được chăm sóc trong môi trường hữu cơ hoàn toàn, không dùng phân bón hóa học hay phun thuốc trừ sâu”-anh Hải chia sẻ.

Ghé thăm vườn nho, chúng tôi thực sự ấn tượng bởi những chùm nho chín đỏ, căng mọng, tròn đầy. Anh Hải cũng không giấu được niềm vui khi sau bao ngày chăm sóc đã được thu về quả ngọt. Theo anh Hải, cây nho Hạ Đen cho hiệu quả kinh tế kéo dài 7-10 năm. Mỗi năm, cây ra quả 2 vụ. Giá bán tại vườn là 200 ngàn đồng/kg. Sắp tới, khi nho chín đều, anh sẽ mở cửa vườn nho để đón người dân và du khách vào tham quan, trải nghiệm. Anh Hải dự tính, sau thành công này, ngoài việc bán quả, đón du khách tham quan khu vườn, anh sẽ tiến hành ươm tạo cây con để bán cũng như tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật cho những nông dân có nhu cầu trồng và phát triển kinh tế từ giống cây trồng này.

Bà H'Líu-Chủ tịch Hội Nông dân xã Biển Hồ-cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã có 4 mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững gồm: mắc ca, sầu riêng, nhãn và nho Hạ Đen không hạt. Trong đó, anh Trần Văn Hải tiên phong đưa giống nho này về trồng và phát triển tại địa phương. Sự thành công ban đầu của mô hình trồng nho Hạ Đen là cơ sở khẳng định loại cây này hoàn toàn có thể phát triển tốt ở vùng đất Pleiku. Chúng tôi sẽ vận động, khuyến khích các hội viên nông dân đến tham quan, tìm hiểu mô hình và định hướng nhân rộng trên địa bàn”.

Có thể bạn quan tâm

Vụ lúa bội thu ở vùng biên giới Chư Prông

Vụ lúa bội thu ở vùng biên giới Chư Prông

(GLO)- Huyện Chư Prông được xem là vựa lúa vùng biên của tỉnh khi các công trình thủy lợi đang phát huy hiệu quả, giúp người dân mở rộng diện tích sản xuất. Vụ Đông Xuân 2023-2024, năng suất lúa nơi đây ổn định, giá lúa khô lại tăng cao đã đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân.