Vụ 573 loại sữa giả: Doanh nghiệp chiết khấu 'khủng', bác sĩ đưa vào đơn thuốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các đại lý bán hàng cho các doanh nghiệp trong đường dây sản xuất 573 loại sữa giả vừa bị Bộ Công an phanh phui được cắt chiết khấu cao gấp 2 - 3 lần so với mặt bằng chung trên thị trường.

Chia sẻ với Thanh Niên, anh Nguyễn Văn T., có nhiều năm kinh doanh sữa tại khu vực TT.Văn Giang, và H.Yên Mỹ (tỉnh Hưng Yên), cho biết thị trường sữa trầm lắng từ khi Bộ Công an công bố khởi tố, điều tra đường dây sản xuất và phân phối 573 loại sữa giả của Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood.

Hộp sữa giả nhãn hiệu Kodo A+ được các shop rao bán online với giá 800.000 đồng. ẢNH: P.H
Hộp sữa giả nhãn hiệu Kodo A+ được các shop rao bán online với giá 800.000 đồng. ẢNH: P.H

Doanh số bán hàng của nhiều cửa hàng sữa bị sụt giảm thê thảm, dù trước thời điểm bị bắt giữ, hai loại sữa Kodo A+ và Kenmil của Công ty Rance Pharma là những sản phẩm bán rất chạy.

Theo anh Nguyễn Văn T., những sản phẩm sữa giả được công bố vừa qua chủ yếu đưa về thị trường nông thôn, khu vực người dân chưa có nhiều thông tin so sánh giữa các thương hiệu. Người dân chọn mua loại sữa nào, chủ yếu do tư vấn từ chủ các cửa hàng.

So với nhiều doanh nghiệp cùng ngành, các doanh nghiệp này "chơi trội" ở chính sách bán hàng để chiếm lĩnh thị trường và thường phân phối sản phẩm theo hai con đường.

Thứ nhất, sữa sản xuất tại nhà máy bán cho các nhà phân phối để bán lại cho các cửa hàng. Thứ hai, doanh nghiệp đưa hàng thẳng đến các cửa hàng bán lẻ.

Giá bán lẻ của những loại sữa này không rẻ, thậm chí ngang ngửa với nhiều thương hiệu sữa ngoại. Một hộp sữa bột thấp nhất từ 500.000 - 600.000 đồng, có loại 800.000 - 900.000 đồng.

"Các shop nhiệt tình tư vấn bán hàng cho những doanh nghiệp này bởi chính sách chiết khấu được hưởng rất cao, dao động từ 40 - 60%, chưa bao gồm các chương trình tặng quà tri ân khách hàng vào dịp cuối năm, lễ tết. Trong khi, mức chiết khấu trên thị trường sữa chỉ từ 20 - 25%, bao gồm cả chi phí tổ chức hoạt động chăm sóc khách hàng", anh T. nói.

Mua phải sữa giả từ chỉ định của bác sĩ

Khi thông tin đường dây sản xuất sữa giả được Bộ Công an công bố, rất nhiều người tiêu dùng ngỡ ngàng và bàng hoàng khi từng mua phải sữa giả, cá biệt có loại sữa được bác sĩ chỉ định bệnh nhân mua.

Hộp sữa BonLac bà Hương mua theo chỉ định của bác sĩ khi nhập viện mổ chân vào tháng 12.2024 tại Bệnh viện V.Đ. ẢNH NVCC
Hộp sữa BonLac bà Hương mua theo chỉ định của bác sĩ khi nhập viện mổ chân vào tháng 12.2024 tại Bệnh viện V.Đ. ẢNH NVCC

Phản ánh với Thanh Niên, bà Vũ Thị Lan Hương, nhà ở Chung cư Hòa Bình (Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội), cho biết năm 2024 bà có 2 lần đi khám và điều trị tại Bệnh viện V.Đ. Lần thứ nhất, bà Hương khám sỏi mật được bác sĩ chỉ định mua sữa uống. Nhưng khi tìm hiểu loại sữa có tên lạ, không phải là hãng sữa có thương hiệu, bà Hương không mua.

Lần thứ hai, tháng 12.2024, bà Hương bị ngã gãy chân, tiếp tục đến Bệnh viện V.Đ để phẫu thuật và bó bột. Ngoài thuốc điều trị, bác sĩ tiếp tục chỉ định mua thêm sữa như lần trước đó. "Đơn thuốc lần này do người nhà tôi đi mua, đó là loại sữa Bonlac Pro Gold giá hơn 900.000 đồng, nằm trong sản phẩm sữa giả công an công bố. Khi biết tin, gia đình tôi rất bàng hoàng và bức xúc. Khi đã vào viện, bác sĩ chỉ định mua loại sữa nào thì phần lớn bệnh nhân đều tin và mua thôi, nhưng đáng trách là dù rất nhiều bệnh nhân bỏ số tiền lớn nhưng loại sữa họ đã uống lại là sữa giả", bà Hương nói.

Mới đây, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia - người xuất hiện trong video quảng cáo sữa Bolk Milk (trong danh sách sản phẩm sữa giả) cũng thừa nhận từng hợp tác, tư vấn giới thiệu cho một số sản phẩm sữa.

Theo bà Lê Thị Hải, khi nhận phân tích thành phần dinh dưỡng sản phẩm sữa đều yêu cầu đơn vị cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, giấy phép của sản phẩm và giấy phép quảng cáo. Đặt niềm tin vào chứng nhận của các cơ quan quản lý, bác sĩ chỉ có thể dựa trên các thành phần dinh dưỡng đã được công nhận để đưa ra tư vấn phù hợp.

Nhưng sau vụ việc đường dây sữa giả bị phát hiện, bắt giữ vừa qua, bà Hải cho biết bản thân sẽ rút kinh nghiệm trong việc chia sẻ, tư vấn các sản phẩm dinh dưỡng và kiến nghị cơ quan chức năng cần quản lý tốt các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Phan Hậu (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì hội nghị sơ kết về thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì hội nghị sơ kết về thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW

(GLO)- Sáng 2-7, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến với các địa phương.

Ngày đầu vận hành chính quyền mới diễn ra nghiêm túc, hiệu quả, vì dân phục vụ

Ngày đầu vận hành chính quyền mới diễn ra nghiêm túc, hiệu quả, vì dân phục vụ

(GLO)- Ngày 1-7, cùng với cả nước, chính quyền địa phương hai cấp tại Gia Lai chính thức vận hành. Ghi nhận của phóng viên tại một số xã, phường cho thấy không khí làm việc nghiêm túc, khẩn trương; thủ tục hành chính được giải quyết nhanh gọn, minh bạch, tạo ấn tượng tích cực với người dân.

Báo Gia Lai sẽ tiếp sóng truyền hình trực tiếp, livestream lễ công bố các nghị quyết, quyết định về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh

Báo Gia Lai sẽ tiếp sóng truyền hình trực tiếp, livestream lễ công bố các nghị quyết, quyết định về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh

(GLO)- Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Bình Định vừa có Công văn số 236-CV/BTGDVTU về việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Trung ương, Quyết định của tỉnh về sáp nhập đơn vị hành chính, thành lập các tổ chức Đảng, MTTQ tỉnh, các xã, phường.

null