Trong đường dây sản xuất, phân phối 573 loại sữa bột giả mà Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an vừa triệt phá, nhóm bị can đã trốn thuế lên tới hàng chục tỉ đồng.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, từ 2021 đến nay, Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood đã lập 2 hệ thống sổ sách kế toán nhằm để ngoài sổ sách kế toán kê khai nộp thuế doanh thu thực tế. Hành vi trốn thuế này gây thiệt hại hơn 28 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước.
Lợi dụng thông thoáng của pháp luật để trốn thuế
Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, phân tích sản xuất sữa giả, đầu vào rất rẻ, giá bán thành phẩm lại rất cao, thường khoảng vài trăm nghìn đồng mỗi hộp.

"Nếu hạch toán đúng, lợi nhuận rất lớn, từ đó 20% thuế thu nhập doanh nghiệp mà doanh nghiệp phải nộp cũng tăng vọt. Các doanh nghiệp lập 2 hệ thống sổ sách kế toán, một để kê khai doanh thu, chi phí thực tế phục vụ nhu cầu quản trị. Hệ thống còn lại để tối ưu hóa, giúp công ty phải nộp mức thuế thấp nhất", ông Tú nói.
Theo ông Nguyễn Văn Được, ủy viên Ban chấp hành Hội Tư vấn thuế Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, cơ chế quản lý thuế hiện nay là quản lý rủi ro. Doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm với số liệu của mình. Cơ chế này có nhiều lợi ích, nhưng doanh nghiệp lại lợi dụng khe hở từ sự thông thoáng của pháp luật để phạm luật.
"Kiểm tra rủi ro thì chuyện chậm phát hiện gian lận của người nộp thuế là điều khó tránh. Nếu người nộp thuế gian manh, sử dụng những thủ đoạn tinh vi cố tình trốn thuế sẽ gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý", ông Được nói.
Ngoài câu chuyện lập hai hệ thống sổ sách kế toán, ông Tú còn lưu ý vấn đề, các đối tượng sản xuất, phân phối sữa giả thành lập hệ sinh thái nhiều doanh nghiệp, có thể là dạng "quân xanh quân đỏ", đưa hàng hóa bán qua, bán lại lòng vòng, thậm chí có những lô hàng bán lỗ… Đây cũng là cách để doanh nghiệp lách luật, trốn thuế.
Vị này nhấn mạnh, trong vụ việc sửa bột giả, doanh nghiệp rất khôn ngoan. Sữa được bán chủ yếu qua kênh các hộ kinh doanh cá thể như cửa hàng sữa, cửa hàng thuốc, bán online…Tiêu thụ qua các kênh này không yêu cầu phải xuất hóa đơn nên cơ quan thuế khó kiểm soát.
Bên cạnh các yếu tố khách quan, theo ông Tú, cũng cần nhìn nhận lại trách nhiệm của cơ quan thuế trong khâu thanh tra, kiểm tra.
Tại sao hệ sinh thái doanh nghiệp kinh doanh sữa quy mô lớn như vậy lại không đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Có doanh nghiệp chủ chốt trong hệ sinh thái đó liên tục nâng vốn điều lệ, "đẻ" ra nhiều doanh nghiệp khác nhau… Doanh nghiệp phát triển hệ thống cơ sở, đại lý đáng kể…
Tất cả những dấu hiệu này chứng tỏ doanh nghiệp ăn nên làm ra. Cần đặt câu hỏi, tại sao kinh doanh mở rộng không ngừng mà nộp thuế lại chỉ cầm chừng, không có sự gia tăng tương ứng. Cơ quan quản lý phải phân tích để thấy được sự bất thường, từ đó đưa vào diện thanh tra, kiểm tra.
"Doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở, sự thông thoáng của của cơ chế chính sách để trốn thuế. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng chưa phát huy hết trách nhiệm", ông Tú nhấn mạnh.
Cần nâng mức phạt tiền và phạt tù
Để ngăn chặn những trường hợp trốn thuế tương tự, theo ông Được, cần gia tăng tần suất thanh tra, kiểm tra với những đối tượng có rủi ro cao về thuế, có giao dịch và những thông tin đáng ngờ…

Chế tài xử lý hình sự với hành vi trốn thuế hiện nay chưa đủ sức răn đe khi mức phạt tiền cao nhất chỉ là 4,5 tỉ đồng với cá nhân và 10 tỉ đồng với tổ chức, phạt tù cao nhất là 7 năm.
"Cần nâng mức phạt tiền cao lên để đánh mạnh vào yếu tố kinh tế, cũng như nâng mức phạt tù đối với tội trốn thuế nặng hơn để đảm bảo tính răn đe, trừng phạt; từ đó thức tỉnh và hạn chế được các hành vi trốn thuế, nâng cao hiệu quả của công tác tố giác, phát giác tội phạm trốn thuế", ông Được nhấn mạnh.
Vị này lý giải về đề xuất, nâng mức hình phạt tù với tội trốn thuế có thể khoảng 10 năm để đảm bảo đây là loại tội phạm rất nghiêm trọng, buộc các tổ chức, cá nhân có liên quan phải tố giác tội phạm. Với quy định hiện hành, các tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ phải tố giác tội trốn thuế.
Theo ông Tú, thời gian tới cần tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh sử dụng hệ thống công nghệ thông tin để sàng lọc, xác định được những trường hợp rủi ro cao về thuế.
Với hệ thống 5 triệu hộ kinh doanh, ông Tú nhìn nhận phải xem xét lại, nghiên cứu dần đưa vào diện phải sử dụng hóa đơn điện tử giống doanh nghiệp. "Hiện nay, các hộ kinh doanh chỉ áp dụng hình thức thuế khoán. Đây là mảng xám để các doanh nghiệp lợi dụng tiêu thụ sản phẩm, luồn lách trốn thuế như trường hợp vụ sữa giả", ông Tú nói.
Theo Đan Thanh (TNO)