Vốn tín dụng chính sách: "Bà đỡ" của hộ nghèo ở Krông Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) đã giúp cho hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo ở huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.
Trước đây, gia đình ông Rah Lan Bí (buôn Nu, xã Ia Rsươm) thuộc diện hộ nghèo. Do nhà đông con, không có đất sản xuất, cuộc sống chủ yếu dựa vào tiền làm thuê nên rất bấp bênh. Năm 2018, gia đình ông vay vốn Ngân hàng CSXH được 30 triệu đồng để mua 3 con bò sinh sản về nuôi. Sau 3 năm, đàn bò đẻ được 7 con, ông bán 4 con để lấy tiền mua rẫy và trả nợ ngân hàng. Sau đó, ông tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để đầu tư mở rộng sản xuất. “Hiện gia đình tôi duy trì đàn bò 6 con, 2 ha mì. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm thu về 50-60 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng mà gia đình đã thoát nghèo, sửa chữa được nhà, mua sắm xe máy, ti vi, con cái được học hành”-ông Bí chia sẻ.
Năm 2016, gia đình chị Ra Lan H’Xu (buôn Tân Tuk, xã Ia Mlah) cũng thuộc diện hộ nghèo. Được chính quyền địa phương hỗ trợ 1 con bò giống, chị mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để mua thêm 4 con bò. Nhờ chăm chỉ lao động, cuộc sống gia đình chị đã dần ổn định, xây được ngôi nhà khang trang. “Sau khi thoát nghèo, trả xong nợ, gia đình tiếp tục vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện theo chương trình cho hộ mới thoát nghèo để mua thêm đất rẫy. Đến nay, gia đình tôi có 2 ha mì, 3 sào lúa rẫy và tiếp tục duy trì việc chăn nuôi bò sinh sản hơn chục con, mỗi năm thu nhập 70-80 triệu đồng”-chị H’Xu vui vẻ nói. 
UBND huyện Krông Pa họp triển khai Nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng vùng ĐBDT thiểu số và miền núi. Ảnh: Lê Nam
UBND huyện Krông Pa họp triển khai Nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: Lê Nam
Từ năm 2003 đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Krông Pa đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách thông qua ủy thác cho 4 tổ chức chính trị-xã hội của huyện gồm: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên. Đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua các hội, đoàn thể là 460,693 tỷ đồng, tăng 453,934 tỷ đồng so với năm 2003 với 10.783 hộ còn dư nợ, tăng 8.616 hộ so với năm 2003, thông qua 236 tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong đó, Hội Nông dân quản lý 114,181 tỷ đồng với 54 tổ và 2.613 hộ vay; Hội Phụ nữ quản lý 142,141 tỷ đồng với 76 tổ và 3.395 hộ vay; Hội Cựu chiến binh quản lý 102,723 tỷ đồng với 52 tổ và 2.396 hộ vay; Đoàn Thanh niên quản lý 101,649 tỷ đồng với 54 tổ và 2.379 hộ vay.
Bà Rơ Ô Lễ-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện-cho biết: Sau khi ký kết chương trình liên tịch giữa Hội Liên hiệp phụ nữ với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, hai bên đã có sự phối hợp chặt chẽ, xây dựng chương trình cụ thể chỉ đạo Hội Liên hiệp phụ nữ các xã, thị trấn tổ chức thực hiện. Đồng thời, hai bên thường xuyên giám sát, kiểm tra vốn vay, đôn đốc thu hồi nợ tại các tổ tiết kiệm và vay vốn, nắm bắt và giải quyết kịp thời các vướng mắc nảy sinh.
Nhờ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, nhiều chị em đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. “Các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH đã phát huy hiệu quả, tạo đòn bẩy cho chị em phụ nữ tích cực tham gia lao động sản xuất, nâng cao thu nhập. Đồng thời, các hội viên phụ nữ nghèo có điều kiện để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững”-bà Lễ chia sẻ.
Nhân viên Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn ưu đãi. Ảnh: Lê Nam
Nhân viên Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn ưu đãi. Ảnh: Lê Nam
Qua rà soát, đến cuối năm 2021, huyện Krông Pa có 3.630 hộ nghèo, chiếm 17,94% (hộ nghèo là người dân tộc thiểu số 3.318 hộ, chiếm 86,44%), 2.157 hộ cận nghèo, chiếm 10,66% (hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số 1.802 hộ, chiếm 83,54%).
Theo bà Phùng Thị Tố Trinh-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Krông Pa: Sau 20 năm triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, huyện Krông Pa có 19.872 lượt hộ nghèo vay vốn 399,754 tỷ đồng; 6.293 lượt hộ cận nghèo vay vốn 204,717 tỷ đồng; 3.711 lượt hộ mới thoát nghèo vay vốn 146,092 tỷ đồng. Tổng doanh số cho vay giai đoạn 2003-2022 đạt hơn 1.204 tỷ đồng với hơn 51.065 hộ vay vốn. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục huy động nguồn vốn, huy động mọi nguồn lực xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn, triển khai tốt chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”-bà Trinh thông tin.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Tiến Đãng-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH huyện-cho biết: Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hộ vay phát triển kinh tế, thay đổi nhận thức và dần vươn lên thoát nghèo, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
LÊ NAM
 
 

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Khởi sắc những vùng quê nông thôn mới

Khởi sắc những vùng quê nông thôn mới

(GLO)-Với việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, huy động nguồn lực thực hiện, đến nay, nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân tại các xã nông thôn mới cũng được nâng lên rõ rệt.

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

(GLO)- Bên cạnh phát huy hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, thời gian qua, xã Gào (TP. Pleiku) đã đẩy mạnh công tác truyền thông giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Qua đó, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao thu nhập của người dân và giảm nghèo bền vững.