Tuyên bố nói rõ: "Sau khi vượt qua được kinh nghiệm cay đắng của Bản ghi nhớ Budapest, chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ giải pháp thay thế nào cho tư cách thành viên đầy đủ của Ukraine trong NATO".
Tuyên bố trên được đưa ra 2 ngày trước lễ kỷ niệm 30 năm ngày ký kết bản ghi nhớ. Theo đó, Ukraine đã từ bỏ kho vũ khí hạt nhân thời Liên Xô theo Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, ký giữa nước này với Nga, Mỹ và Anh để đổi lấy sự công nhận biên giới và bảo đảm an ninh từ Washington, Moscow cùng nhiều quốc gia khác.
"Sự bảo đảm an ninh thực tế duy nhất đối với Ukraine và cũng là yếu tố kiềm chế Nga chỉ có thể là gia nhập đầy đủ vào NATO"- tuyên bố nhấn mạnh thêm.
Trong cuộc phỏng vấn với Kyodo News hôm 2/12, nhà lãnh đạo Ukraine ám chỉ Kiev muốn chấm dứt xung đột với Nga càng sớm càng tốt, và giành lại quyền kiểm soát các khu vực gồm bán đảo Crưm, Donetsk, Lugansk, Kherson, và Zaporizhzhia sau khi triển vọng gia nhập NATO trở nên rõ ràng.
Tuy nhiên, ông thừa nhận điều này sẽ không dễ dàng. "Quân đội Ukraine không có đủ sức mạnh để làm điều đó. Chúng tôi phải tìm ra các giải pháp ngoại giao”. Ông nói thêm, ngoại giao sẽ chỉ có cơ hội "khi chúng tôi biết rằng chúng tôi đủ mạnh", và Nga không thể tiến hành các cuộc tấn công mới.
Cũng theo ông Zelensky, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã hiểu rõ những chi tiết trong "kế hoạch chiến thắng" mà nhà lãnh đạo Ukraine công bố hồi tháng 10. Ông khẳng định, kế hoạch này sẽ đưa Ukraine vào "vị thế mạnh" để đàm phán.
Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh thêm, nhóm của ông Trump đang "nghiên cứu kế hoạch chiến thắng, và chúng tôi sẽ lắng nghe. Nhưng sẽ không có sự đầu hàng nào từ phía Ukraine".
Ở một diễn biến liên quan, mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong đoạn video phỏng vấn trên kênh YouTube rằng, ông sẽ mời Nga tham dự "hội nghị thượng đỉnh hòa bình" lần thứ hai về Ukraine.
Đoạn video có đoạn: "Chúng tôi không từ bỏ quan điểm của mình. Đó là tất cả các nhà lãnh đạo đều mong muốn Nga có mặt tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai".
Đáp lại, ngày 2/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, Moscow không phản đối việc xem xét các sáng kiến nhằm giải quyết xung đột, với điều kiện những sáng kiến này chân thành mong muốn hòa bình.
Với những động thái gần đây của chính phủ Mỹ, bao gồm việc công bố gói viện trợ quân sự trị giá 725 triệu USD cho Ukraine, phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov nói: "Chính quyền Mỹ đương nhiệm đang tìm cách thổi bùng ngọn lửa xung đột. Tuy vậy, gói viện trợ quân sự mới hay bất kỳ sự hỗ trợ nào của Washington cũng không thể làm thay đổi tình hình trên tiền tuyến”.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh việc Mỹ gửi thêm vũ khí tới Ukraine không thể giúp Kiev giành lợi thế, mà chỉ khiến cho cuộc xung đột kéo dài.
Ở chiều ngược lại, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố rằng Tổng thống Biden đang có kế hoạch áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với Nga vào cuối nhiệm kỳ.
Trang tin Pravda ngày 3/12 cho biết, Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã cảnh báo Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump về "nguy cơ khủng khiếp" nếu Ukraine phải ký một thỏa thuận hòa bình bất lợi.