Trịnh Sướng buôn xăng giả,Tổng cục quản lý thị trường nhận một phần trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trao đổi với Dân trí, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) thừa nhận cơ quan này có một phần trách nhiệm trong việc để xảy ra vụ việc buôn bán xăng giả của Trịnh Sướng.
 
Trung bình mỗi tháng nhóm Trịnh Sướng đưa ra thị trường tiêu thụ trên 6 triệu lít xăng giả. Với số lượng này thì trong hai năm rưỡi, ông Sướng với các bị can đã bán khoảng 180 triệu lít xăng.
Có hay không chuyện bảo kê, chống lưng cho xăng giả?
Mới đây, việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố, bắt tạm giam Trịnh Sướng, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng (My Hung Petrol) về hành vi sản xuất, mua bán xăng RON95-II giả khiến dư luận cả nước đặc biệt quan tâm.
Sau khi xảy ra vụ việc, dư luận đặt câu hỏi vì sao Trịnh Sướng có thể ngang nhiên kinh doanh hàng trăm triệu lít xăng giả trong suốt hơn 2 năm qua. Trách nhiệm của các cơ quan, trong đó có Tổng cục Quản lý Thị trường - cơ quan chịu trách nhiệm quản lý chất lượng các mặt hàng, chống hàng giả và gian lận thương mại ra sao?
Trao đổi với Dân trí, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) thừa nhận cơ quan này có một phần trách nhiệm trong việc để xảy ra vụ việc buôn bán xăng giả của Trịnh Sướng.
“Tất cả các lực lượng đều có trách nhiệm, nếu ai cũng làm tốt thì đâu đễn nỗi. Về phía cơ quan quản lý thị trường, nếu tăng cường kiểm tra, chủ động giám sát, đề xuất kịp thời, lập đoàn kiểm tra liên ngành kịp thời… thì việc phát hiện hàng giả tôi tin rằng sẽ tốt hơn”, ông Linh nói.
Trước câu hỏi về việc có kiểm điểm cụ thể cá nhân hay tập thể nào hay không, ông Linh cho biết, vụ việc vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ, chưa có kết luận cuối cùng. Hiện tại cơ quan quản lý thị trường vẫn phối hợp cung cấp thông tin, báo cáo đầy đủ nghiêm túc, xem trách nhiệm của mình đến đâu.
“Đây là dịp mình nhìn lại một cách tổng thể từ quy trình đến vận hành. Ngay sau vụ việc, chúng tôi đã có báo cáo bộ, chấn chỉnh lại đội ngũ, rồi lập đoàn tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên, đột xuất tại nhiều địa bàn, đặc biệt tập trung vào địa bàn tiêu thụ xăng dầu lớn”, ông Linh cho biết.
 
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương).
Đáng lưu ý, từ đầu năm 2017 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng… tiến hành 130 lượt thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Nhưng, hai chi nhánh và một kho xăng dầu của Công ty Mỹ Hưng do ông Trịnh Sướng làm chủ khi thanh tra, kiểm tra đều “không vi phạm”. Cầu hỏi đặt ra là có hay không việc “bảo kê, chống lưng”?
Trả lời phóng viên, ông Linh cho rằng việc phối hợp giữa các lực lượng còn nhiều hạn chế. “Có bảo kê ở quản lý thị trường hay không thì phải có kết luận chính thức của điều tra. Tuy nhiên rõ ràng, nếu cơ quan nào cũng làm hết trách nhiệm thì sẽ không xảy ra vụ việc như thế”, ông Linh nhấn mạnh.
Dồn lực kiểm tra đại lý phân phối, nhập khẩu xăng dầu; kiến nghị sửa chính sách
Nhận định về vụ xăng giả Trịnh Sướng, ông Linh nói: Đây là vụ việc tinh vi, phức tạp, một đường dây khép kín, có quy mô tổ chức. Không chỉ xăng dầu giả, nạn buôn lậu cũng rất nhức nhối bởi trốn thuế mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ. Trong khi đó mặt hàng xăng dầu lại là mặt hàng nhạy cảm, thiết yếu.
Thời gian tới, người đứng đầu cơ quan quản lý thị trường cho biết sẽ dồn lực tăng cường kiểm tra đột xuất, ngẫu nhiên các đại lý, đầu mối nhập khẩu, phân phối mặt hàng xăng dầu.
“Lực lượng thì mỏng nhưng xăng dầu là mặt hàng trọng yếu, do vậy cần tăng cường kiểm tra. Kiểm tra lại toàn bộ chuỗi cung ứng xăng dầu, cấp phép, an toàn chay nổ, xăng lậu, xăng rởm”, ông Linh thông tin.
Nói về khó khăn khí kiểm tra, thanh tra mặt hàng xăng dầu, ông Trần Hữu Linh chia sẻ, nhiều khi lực lượng quản lý thị trường phải đi “đường vòng”. Bởi cơ quan này chủ yếu kiểm tra về điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, an toàn cháy nổ...
Muốn kiểm tra về chất lượng xăng dầu, cơ quan quản lý thị trường phải yêu cầu phối hợp liên ngành. Việc kiểm định chất lượng xăng dầu hiện nay thuộc về cơ quan quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ). Việc lấy mẫu xăng dầu và phát hiện sai phạm gặp những khó khăn nhất định, trong đó có nhiều khó khăn bắt nguồn từ chính sách.
“Chúng tôi đã kiến nghị sửa đổi Nghị định 83, 87 về xăng dầu, khí gas để tạo điều kiện tốt hơn trong việc phân cấp quản lý, rõ ràng hơn về thẩm quyền, thuận lợi hơn trong việc kiểm tra, phát hiện xăng dầu giả”, ông Linh cho biết.
Kết luận, ông Linh cho rằng vụ việc xăng giả Trịnh Sướng vừa qua là dịp để xem lại tổng thể việc quản lý mặt hàng xăng dầu, từ khâu nhập khẩu đến quản lý thương nhân đầu mối, đại lý, cây xăng. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu của xã hội và cũng là mặt hàng giao thoa nhiều lực lượng.
“Việc phối hợp giữa các lực lượng còn hạn chế, làm chưa hết trách nhiệm nên mới dẫn tới tình trạng vừa rồi. Cần phải có hành động cụ thể hơn, mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát chất lượng xăng dầu, nhập khẩu lậu xăng dầu”, ông Lính nhấn mạnh.
Trước đó, từ 31/5 đến 2/6, Công an Đắk Nông khám kho xăng dầu Phú Mỹ Hưng của ông Trịnh Sướng (còn gọi là Tám Sướng) để mở rộng chuyên án sản xuất và mua bán hàng giả. Vụ án bị phanh phui khi cơ quan chức năng xác định một ôtô ở Đắk Nông bị cháy do sử dụng xăng kém chất lượng của đại gia này.
Sau khi bắt quả tang các bị can trong đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả, ban chuyên án xác định ông Sướng và một số người cầm đầu 4 nhóm đã pha trộn dung môi và một số chất khác vào xăng kém chất lượng để tạo ra xăng E5 RON 92 và RON 95 giả.
Đến nay, công an đã tạm giữ hơn 3,2 triệu lít dung dịch các loại, trong đó có 2,1 triệu lít hỗn hợp đã pha chế thành xăng giả, hơn 430.000 lít dung môi, 3 tàu thủy, 6 xe bồn, 50 kg chất tạo màu. Theo Công an tỉnh Đắk Nông, từ ngày 1/1/2017 đến nay, số tiền các bị can dùng để mua dung môi phục vụ việc sản xuất xăng giả là trên 3.000 tỷ đồng.
Trung bình mỗi tháng họ đưa ra thị trường tiêu thụ trên 6 triệu lít xăng giả. Với số lượng này thì trong hai năm rưỡi, ông Sướng với các bị can đã bán khoảng 180 triệu lít xăng. Nếu tính bình quân mỗi lít xăng 20.000 đồng thì tổng số tiền bán xăng giả khoảng 3.600 tỷ đồng.
Nguyễn Mạnh (Dân trí)

Có thể bạn quan tâm

Xe máy điện Honda ICON e đã có mặt tại thị trường Việt Nam với giá dưới 30 triệu đồng

Xe máy điện Honda ICON e đã có mặt tại thị trường Việt Nam với giá dưới 30 triệu đồng

(GLO)- Honda ICON e là mẫu xe máy điện hướng đến đối tượng học sinh với thiết kế cao cấp nhưng nhỏ gọn. Xe có mức giá dưới 30 triệu đồng, được phân phối tại thị trường Việt Nam với 3 phiên bản thể thao, đặc biệt và cao cấp cùng 6 lựa chọn màu sắc gồm xám, xanh, bạc, đen, đỏ xám và trắng xám.

Sở hữu dòng xe Maserati Levante LE350AL21 sang trọng với giá trên 5,4 tỷ đồng

Sở hữu dòng xe Maserati Levante LE350AL21 sang trọng với giá trên 5,4 tỷ đồng

(GLO)- Maserati Levante LE350AL21 mang đậm chất thể thao, kết hợp giữa thiết kế tinh tế và công nghệ tiên tiến. Với động cơ mạnh mẽ, khả năng vận hành tuyệt vời, Levante LE350AL21 chắc chắn sẽ làm hài lòng những tín đồ yêu thích sự khác biệt và đẳng cấp. Xe hiện có giá khoảng 5,4 tỷ đồng.

Aprilia Tuareg 660: Bạn đồng hành lý tưởng trên mọi cung đường phiêu lưu có giá 498 triệu đồng

Aprilia Tuareg 660: Bạn đồng hành lý tưởng trên mọi cung đường phiêu lưu có giá 498 triệu đồng

(GLO)- Aprilia Tuareg 660 là mẫu xe adventure đa năng, kết hợp giữa khả năng off-road ấn tượng và sự thoải mái trên những hành trình dài. Với thiết kế hiện đại, động cơ mạnh mẽ và công nghệ tiên tiến, Tuareg 660 là lựa chọn lý tưởng cho những ai đam mê khám phá và chinh phục mọi địa hình.