Triển vọng từ nguồn năng lượng tái tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia Lai nằm trong số ít tỉnh thành ở nước ta có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như: điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối. Với sự năng động của lãnh đạo tỉnh trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, nhiều nhà đầu tư đã đến Gia Lai để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này. Đây là cơ sở để tỉnh hướng đến mục tiêu trở thành thủ phủ phát triển năng lượng tái tạo của cả nước.
Làn sóng đầu tư
Sau 9 tháng thi công, Nhà máy Điện mặt trời Thành Thành Công Krông Pa (xã Chư Gu, huyện Krông Pa) đã chính thức đóng điện vào ngày 4-11 và khánh thành vào ngày 1-12-2018. Nhà máy có công suất 49 MW, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 70,23 ha đất đồi. Với 209.100 tấm pin năng lượng mặt trời (công suất 330 Wp mỗi tấm) được lắp đặt để hấp thụ bức xạ ánh nắng mặt trời chuyển đổi thành điện năng hòa vào hệ thống tải điện, Nhà máy cung cấp cho hệ thống điện quốc gia 103 triệu kWh/năm, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của khoảng 47.000 hộ dân, làm giảm phát thải CO2 khoảng 29.000 tấn/năm.
Lắp đặt hệ thống pin mặt trời Nhà máy Điện mặt trời Thành Thành Công Krông Pa. Ảnh: Minh Triều
Lắp đặt hệ thống pin mặt trời Nhà máy Điện mặt trời Thành Thành Công Krông Pa. Ảnh: Minh Triều
Trước đó, đầu năm 2018, Nhà máy Điện sinh khối An Khê (xã Thành An, thị xã An Khê) thuộc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi cũng chính thức đi vào hoạt động. “Nhà máy có công suất 95 MW, trong đó, khoảng 25 MW được sử dụng nội bộ, còn lại được phát lên lưới điện quốc gia. Nhà máy có tổng mức đầu tư trên 1.900 tỷ đồng, ước tính mang lại nguồn thu cho Công ty khoảng 300 tỷ đồng/năm sau khi đi vào hoạt động ổn định. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu từ việc bán điện của Nhà máy là 150 tỷ đồng”-ông Nguyễn Văn Hảo-Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê-cho biết.
Được biết, nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy Điện sinh khối An Khê được lấy từ bã mía tận dụng sau khi ép đường. Bên cạnh đó, Nhà máy còn thu mua phụ phẩm nông nghiệp như: vỏ cà phê, vỏ đậu, vỏ trấu... của người dân trong vùng, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân các huyện, thị xã phía Đông của tỉnh. Ông Hảo cho biết thêm, Nhà máy được xem là công trình sản xuất năng lượng sạch, an toàn và thân thiện với môi trường khi được Công ty đầu tư hệ thống xử lý khói thải đồng bộ với lò hơi nhằm giảm nồng độ bụi và nhiệt độ trong khối đến phạm vi cho phép; các công đoạn từ vận chuyển bã mía ngoài trời đến nhà lò hơi, xử lý nước thải, tiếng ồn... đều được thực hiện đúng quy trình.
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, UBND tỉnh đã cho phép 23 nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đầu tư 33 dự án điện mặt trời trên địa bàn với tổng công suất 3.951,5 MWp. Trong đó, 2 dự án đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch với tổng công suất 98 MWp, tổng vốn đầu tư 2.672 tỷ đồng đang triển khai các thủ tục đầu tư và thi công; 11 dự án đã được UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch, tổng công suất là 675 MWp; 20 dự án đang khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng công suất dự kiến là 3.195 MWp. Bên cạnh đó, còn có 12 nhà đầu tư đang khảo sát, chọn vị trí cho 17 dự án với tổng công suất dự kiến khoảng 1.333 MWp.
Đối với điện gió, Gia Lai có 4 khu vực tiềm năng với quy mô công suất có thể đạt khoảng 1.800 MW. Trong đó, khu vực phía Đông tỉnh (Mang Yang, Đak Pơ, Kông Chro, Kbang, An Khê) với khoảng 700 MW; phía Đông Nam tỉnh (Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa, Ayun Pa) khoảng 400 MW; phía Tây tỉnh (Chư Prông, Đức Cơ, Chư Sê, Chư Pưh và Đak Đoa) khoảng 600 MW và khu vực TP. Pleiku khoảng 100 MW. Hiện UBND tỉnh đã đồng ý cho 5 nhà đầu tư lắp đặt trụ đo gió để triển khai khảo sát đánh giá tiềm năng, làm cơ sở nghiên cứu đầu tư xây dựng các dự án điện gió. Ông Hồ Tá Tín-Giám đốc Công ty SBRE, doanh nghiệp vừa được trao giấy chứng nhận đầu tư phát triển điện gió-lạc quan cho biết: “Tiềm năng phát triển điện gió của Gia Lai rất lớn. Chúng tôi may mắn tiếp cận được tiềm năng này đúng thời điểm. Từ lúc được UBND tỉnh đồng ý cho triển khai đo gió đến khi được trao giấy chứng nhận chỉ mất gần 1 năm. Tôi tin những giai đoạn tiếp theo triển khai dự án cũng sẽ rất thuận lợi”.
Phát huy triệt để tiềm năng
Nhu cầu sử dụng điện năng ngày càng tăng cùng với áp lực phải có nguồn năng lượng sạch, không gây ảnh hưởng đến môi trường là lý do để việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo hiện được đẩy mạnh hơn bao giờ. Việc phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối trên địa bàn tỉnh ta hiện cũng phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo được Chính phủ khuyến khích đầu tư.
Khu vực điều hành Nhà máy Điện sinh khối An Khê. Ảnh: Hà Duy
Khu vực điều hành Nhà máy Điện sinh khối An Khê. Ảnh: Hà Duy
“Tỉnh Gia Lai luôn trân trọng chào đón và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển năng lượng tái tạo cũng như các lĩnh vực khác. Ngoài những tiềm năng phong phú, tỉnh còn có các cơ chế, chính sách thiết thực và hiệu quả cũng như quyết tâm cao độ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tỉnh sẽ nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh”-Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành khẳng định. Và những cam kết đó đã được tích cực triển khai vào thực tiễn. Ông Đặng Công Thành-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Thành Thành Công đánh giá rất cao sự hỗ trợ của tỉnh: “Tập đoàn đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan trong tất cả các khâu từ khi khảo sát đến khi chính thức đi vào hoạt động để dự án triển khai thuận lợi, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng”.
Cùng với tỉnh, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng rất chủ động, điển hình như huyện Krông Pa-nơi được coi là miền đất hứa của rất nhiều doanh nghiệp chuyên đầu tư phát triển nguồn năng lượng từ mặt trời. Ông Tô Văn Chánh-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho biết, đối với lĩnh vực này, tỉnh có những chính sách ưu tiên phát triển và huyện cũng đã thực hiện rất tốt theo đúng quy định. Hiện trên địa bàn Krông Pa có gần 20 dự án điện mặt trời của 17 doanh nghiệp đến khảo sát và đề nghị đầu tư với tổng công suất khoảng trên 1.000 MWp. Nếu các dự án này được triển khai một cách thuận lợi sẽ góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển, tạo việc làm cho nhiều lao động, cơ sở hạ tầng được đầu tư cũng như kéo theo đó là các dịch vụ đi kèm.
Gia Lai hiện còn một tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo nữa nhưng chưa được để ý khai thác là điện mặt trời nổi trên nước.Với hệ thống sông, hồ, đặc biệt là số lòng hồ thủy điện khá nhiều, Gia Lai rất phù hợp để phát triển điện mặt trời nổi. Đầu tư điện mặt trời nổi sẽ khắc phục được hạn chế của điện mặt trời trên đất là không chiếm diện tích đất. Theo khảo sát, năng lượng điện mặt trời tại Gia Lai có thể đạt tới công suất khoảng 4.600 MW, trong đó, các dự án điện mặt trời trên đất khoảng hơn 2.100 MW, điện mặt trời nổi trên nước khoảng hơn 2.500 MW. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang có kế hoạch triển khai một loạt dự án điện mặt trời ở các khu vực hồ thủy điện trên toàn quốc, trong đó có dự án tại hồ Sê San 4 (tỉnh Gia Lai) với công suất 47 MW.
Không khó để thấy, với tiềm năng dồi dào để phát triển năng lượng tái tạo cũng như sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư hiện nay, Gia Lai chắc chắn sẽ trở thành thủ phủ phát triển năng lượng tái tạo của cả nước. Đây cũng là lĩnh vực có khả năng tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh thời gian tới.
KIM LINH

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.