Trẻ vùng biên và ước mơ được học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đường đến trường rộng vẻn vẹn 30cm, nơi học không có điện, nằm lưng chừng núi đá gần biên giới Việt - Trung; thiếu nước, thầy và trò ăn cơm độn ngô, sống trong lều tạm ghép từ những thanh tre xơ xác… Ngần ấy khó khăn không làm vơi đi “ước mơ học” của những đứa trẻ vùng biên trước thềm năm học mới.

Vượt hàng chục cây số đường rừng đến trường

Trước ngày tựu trường, chúng tôi cùng đoàn từ thiện Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng Lao Động “hành quân” lên một số điểm trường ở vùng biên giới tỉnh Cao Bằng.

 

Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng Lao Động trao quà cho điểm trường Khuổi Tông (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng).
Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng Lao Động trao quà cho điểm trường Khuổi Tông (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng).

Con đường từ trung tâm huyện Nguyên Bình vào đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thiệu Nguyên (điểm trường Khuổi Tông) của huyện chỉ độ 20km, nhưng do thời tiết xấu, ảnh hưởng từ cơn bão số 6 (bão Hato), đoàn xe công tác phải “đánh vật” với cung đường nhão nhoẹt bùn đất, lổn nhổn đầy đá hộc suốt 2 giờ đồng hồ.

Có mặt tại điểm trường Khuổi Tông lúc 16h ngày 24.8, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh 2 ngôi nhà cũ kỹ, ẩm mốc, rêu xanh loang lổ góc tường. Thấy đoàn từ thiện đến, học sinh mẫu giáo và tiểu học “nháo nhác” hẳn lên. Thầy Hiệu trưởng Đinh Văn Hiếu “phân trần”: “Thấy ôtô tụi trẻ thích thú ấy mà. Các anh đi vào đây mới hiểu vì sao người dân trong xã lại khổ đến thế”.

Số hàng đoàn từ thiện Tấm lòng Vàng Lao Động mang đến, dù không nhiều, nhưng tụi trẻ rất háo hức, chúng xếp hàng thật nhanh, chờ đến lượt nhận quà.

Chị Ma Thị Hường (giáo viên chủ nhiệm lớp 1A) cho biết: “Lâu lắm rồi, các cháu nhỏ không được nhận quà. Nhà trường có 145 học sinh với tỉ lệ 100% là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Các cháu đi học không phải đóng góp gì, mà muốn đóng góp cũng chẳng có, bởi bữa ăn thường ngày của gia đình toàn là cháo ngô, mèn mén (món ăn truyền thống làm bằng bột ngô của người Mông - PV) thì lấy đâu ra tiền đóng góp”.

Hầu hết học sinh ở đây phải vượt hàng chục cây số đường rừng mới có thể đến điểm trường. Dù nhà trường đã chuẩn bị bữa ăn bán trú nhưng do nhà quá xa nên một số học sinh người Mông, Dao, Tày phải “thủ” sẵn cơm độn ngô để lót dạ. Khó khăn như vậy nhưng chẳng thể cản được bước chân tụi trẻ đến trường.

Em Phùng Mùi Pu (sinh năm 2011, dân tộc Dao, học sinh lớp 1A, điểm trường Khuổi Tông) là một trong những điển hình của sự hiếu học. Nhà em ở xóm Khuổi Tông cách trường 3km đường rừng. Gia đình thuộc hộ nghèo nhất xã, có 8 anh chị em, bố mẹ làm nông. Dù thế, em Phùng Mùi Pu vẫn cố gắng đến trường học tập. Theo lời cô Ma Thị Hường (giáo viên chủ nhiệm) có những hôm trời mưa rất lớn, đường núi trơn trượt, em Pu vẫn đến lớp. “Đây là điều hiếm thấy ở những điểm trường vùng cao” - cô Hường nói.

Tuy nhiên, con đường đến lớp của em Phùng Mùi Pu ngày càng khó khăn hơn, bởi bàn tay viết chữ của em bị nhiễm trùng, không thể viết được. Khi sinh ra, em được bố mẹ buộc một một sợi chỉ đỏ vào tay với niềm tin về sức khỏe. Khi lớn lên, sợi chỉ siết chặt vào tay dẫn đến bị nhiễm trùng và mưng mủ. Gia đình em nhiều lần đưa đi bệnh viện khám, uống thuốc nhưng không thuyên giảm.

Em Phùng Chang Choi (anh trai Phùng Mùi Pu) cho hay, gia đình đã đưa Pu đi khám ở Bệnh viện huyện Nguyên Bình nhưng không khỏi. Các bác sĩ nói, để viết được chữ cũng như hoạt động bình thường, em phải mổ để lấy sợi chỉ ra. Chi phí mổ rất cao, lên đến hàng chục triệu đồng.

Phùng Chang Choi là con trai thứ 2 trong gia đình. Vì gia cảnh nghèo khó nên chàng trai 16 tuổi phải nghỉ học, phụ giúp bố mẹ công việc nhà, đi vác gạo thuê ở thác Bản Giốc (tỉnh Cao Bằng) để kiếm tiền. Tiền lương kiếm được, em đưa cho mẹ mua thức ăn cho các em. “Ngày nào nhà em cũng ăn cơm độn ngô với rau rừng, vài ba quả chuối xanh, quả sung và muối trắng. Thậm chí có những hôm còn không có rau ăn, phải ăn mấy quả bí tự trồng cho qua bữa” - Choi nói.

Phùng Chang Choi tâm sự, sau khi nghỉ học, em cảm thấy rất hối hận nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên em chấp nhận. Phùng Chang Choi mong muốn các em của mình học thật giỏi để thoát nghèo. “Nếu có cơ hội em sẽ tiếp tục đến trường, sau này học nghề để cuộc sống đỡ vất vả hơn”.

Những bông hoa cắm bản

Từ điểm trường Khuổi Tông ngược xuống huyện Thông Nông (huyện miền núi giáp biên giới Việt-Trung), phóng viên tìm về điểm trường Nậm Hùm, cách điểm trường chính Bó Thậu 10km. Để lên được điểm trường này, phải đi bộ gần 2 giờ đồng hồ qua vùng núi đá tai mèo đầy hiểm trở.

Điểm trường Nậm Hùm là ngôi nhà tạm vách nứa, chia làm ba ngăn, mỗi ngăn rộng chừng 5m2, trong cùng là nơi nghỉ và bếp ăn của giáo viên, ngăn giữa và ngoài là các lớp học ghép. Hiện tại có 3 giáo viên trẻ đang “cắm bản”, mang con chữ đến với trẻ em vùng cao.

“Các em đi học khó khăn nhưng vẫn đến trường rất đều” - cô Hoàng Hồng Anh (giáo viên cắm bản ở điểm trường Nậm Hùm) cho biết. Điều mà các thầy cô giáo trăn trở là nếp suy nghĩ đã hình thành bao đời nay của bà con dân tộc thiểu số là “học cũng ăn ngô ăn sắn, không học cũng ăn ngô ăn sắn”. Vì thế, những ngày đầu tiên đến điểm trường, lớp của cô Hồng Anh chỉ vài em, sau khi vận động, sĩ số tăng lên được 15 học sinh. “Tụi trẻ có tinh thần học tập rất cao, song, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hiểu biết hạn chế nên bắt con em nghỉ học” - cô Hoàng Hồng Anh tâm sự.

Với các em, để đến được trường học chữ đã khó, với những thầy cô giáo bám bản tại điểm trường Nậm Hùm lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, với tâm huyết muốn đem con chữ đến với trẻ em vùng cao, các thầy cô chẳng quản ngại khó khăn vượt đèo, lội suối.

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, Hoàng Hồng Anh (ở Hà Quảng, Cao Bằng) xin lên điểm trường này để giảng dạy. Ngày đầu tiên đến trường nhận công tác, cô gái trẻ ngỡ ngàng trước ngôi trường tuềnh toàng hở cả 4 vách, lợp bằng mái fibroximăng, ngăn vách bằng những thanh tre, thanh trúc xơ xác, những học trò đen nhẻm, chân trần, tiếng Kinh chưa sõi. Lúc đấy, Hồng Anh thấy nản lòng, muốn bỏ núi rừng. Nhưng rồi khi nhìn ánh mắt ngây thơ của lũ học trò vùng biên, cô giáo trẻ thấy thương cảm. Hồng Anh bắt đầu tập cho mình quen dần với núi rừng, quen dần với những khó khăn để tiếp tục ở lại truyền con chữ cho học trò.

“Điều quan trọng của người thầy là truyền tải cho các em con chữ. Ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, còn phải dạy các em kiến thức xã hội, kỹ năng sống, bởi các em rất ít tiếp xúc với bên ngoài. Được đóng góp một điều gì đó, dù nhỏ thôi, nhưng tôi thấy vui lắm!” - Hồng Anh chia sẻ.

Sau những tiết dạy, Hồng Anh cùng một số thầy cô lên rừng đào măng, hái rau dại để các em cải thiện bữa ăn”. Sống ở lều tạm, các thầy cô ở đây còn lo mùa mưa thì lũ quét, lũ ống, bởi các túp lều làm bằng tre, nứa, lợp lá, nằm sát nhau rất dễ bắt lửa. Đến giờ, Hồng Anh đã gắn bó với điểm trường Nậm Hùm được 4 năm. Niềm vui của cô gái trẻ này là gieo được con chữ đến với những đứa trẻ vùng cao. Nhiều học sinh đã xuống điểm trường chính để học và viết tiếp “giấc mơ học” đời mình.

Cường Ngô/laodong

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.