Trao trả hồ sơ cán bộ đi B: Đậm nghĩa tri ân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 29-7, tại Bảo tàng tỉnh, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức lễ trao trả hồ sơ cán bộ đi B và triển lãm tài liệu lưu trữ với chủ đề “Uống nước nhớ nguồn” nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024).

Đây là năm đầu tiên tỉnh tổ chức trao trả hồ sơ trực tiếp thay vì bàn giao cho các cá nhân, địa phương trao trả như trước đây.

Tham dự buổi lễ có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Huỳnh Quang Thái; Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan; đại diện lực lượng vũ trang; các cựu chiến binh và cán bộ đi B, thân nhân cán bộ đi B đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Chạm vào ký ức

Năm 1954, Hiệp định Genève về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Theo Hiệp định, nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành 2 miền qua vĩ tuyến 17. Dân tộc Việt Nam vẫn tiếp tục đấu tranh vì sự nghiệp thống nhất đất nước.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, nhiều cán bộ miền Nam đã từ biệt gia đình để tập kết ra Bắc. Để rồi sau đó, họ và cả những cán bộ, người dân miền Bắc lại tình nguyện, lặng lẽ âm thầm vượt dãy Trường Sơn để chi viện sức người cho cuộc chiến đấu ở miền Nam. Đó là nhiệm vụ cách mạng bí mật, cao cả, được gọi với mật mã “đi B”, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

Theo quy định, những cán bộ vào Nam chiến đấu chỉ được mang theo đồ dùng sinh hoạt cá nhân do Ủy ban Thống nhất Chính phủ cấp phát. Tất cả tư trang hành lý, tài sản cá nhân, kỷ vật đều phải gửi lại (gọi chung là hồ sơ cán bộ đi B) như: giấy chứng minh, lý lịch quân nhân, thẻ quân trang, huy chương kháng chiến, bảng gia đình vẻ vang, sổ thương binh, sổ tiết kiệm…

Lãnh đạo tỉnh trao trả hồ sơ cho các cán bộ, thân nhân cán bộ đi B. Ảnh: Phương Duyên

Lãnh đạo tỉnh trao trả hồ sơ cho các cán bộ, thân nhân cán bộ đi B. Ảnh: Phương Duyên

Theo Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch: “Buổi lễ trao trả hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B và triển lãm tài liệu lưu trữ nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ là dịp để chúng ta tỏ lòng tri ân đến các anh hùng, liệt sĩ, những người có công với cách mạng, ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, anh dũng của quân và dân cả nước nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng.

Mặt khác, việc làm này cũng góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, tuyên truyền sâu rộng truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc; cung cấp thêm thông tin để các thân nhân cán bộ đi B giải quyết chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng.

Hoạt động này còn nhằm phát huy giá trị tài liệu lưu trữ theo tinh thần Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 24-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước”.

Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch (ở giữa, hàng trước) và các đại biểu tìm hiểu danh sách cán bộ đi B chưa xác minh được thông tin tại triển lãm. Ảnh: P.D

Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch (ở giữa, hàng trước) và các đại biểu tìm hiểu danh sách cán bộ đi B chưa xác minh được thông tin tại triển lãm. Ảnh: P.D

Tại buổi lễ, UBND tỉnh trân trọng bàn giao 40 hồ sơ, kỷ vật đã được xác minh thông tin cho cán bộ, thân nhân cán bộ đi B. Do phần lớn cán bộ đi B đã hy sinh trên chiến trường hoặc qua đời vì già yếu, bệnh tật nên sáng 29-7 chỉ có duy nhất 1 trường hợp có mặt tại buổi trao trả, đó là bà Nguyễn Thị Hồng Hợp, vợ ông Nguyễn Duy Khanh-nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, cũng từng là cán bộ đi B (hiện đã qua đời).

Cầm trên tay những giấy tờ, hiện vật mà bản thân gửi lại trước khi lên đường làm nhiệm vụ từ cách đây hơn nửa thế kỷ, bà Hợp xúc động nói: “Tôi rất vinh dự và hạnh phúc khi nhận lại hồ sơ đi B. Chương trình được tỉnh tổ chức rất hoành tráng và ý nghĩa. Tôi chỉ còn chút trăn trở khi hồ sơ của chồng tôi đến nay vẫn chưa tìm thấy. Hy vọng thời gian tới, gia đình sẽ nhận lại được kỷ vật quý giá này”.

Trong số hồ sơ cán bộ đi B được trao trả đợt này có một trường hợp rất đặc biệt, đó là hồ sơ của ông Rcom Thép (bí danh Định, Ama Quang), một người con Jrai ưu tú, kiên trung với Đảng. Năm 2002, theo Quyết định số 14 của Chủ tịch UBND tỉnh, tên ông được đặt cho một tuyến đường ở TP. Pleiku-đường Ama Quang.

Ông là người từng được giao nhiều trọng trách khác nhau và đều hoàn thành xuất sắc: Phó ban Đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại khu Trung Trung Bộ; Phó ban Đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tại khu V; Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum…

Có mặt tại lễ trao trả, con gái ông là bà Nay Hồng Tâm-Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND thị xã Ayun Pa-bồi hồi chia sẻ niềm hạnh phúc khi được sống lại thời kỳ máu lửa, đầy hy sinh, gian khổ của thế hệ cách mạng tiền bối.

“Tôi may mắn vì sau cuộc chiến, cha tôi vẫn trở về nguyên vẹn bên vợ con và gia đình. Hôm nay, tôi lại càng may mắn hơn khi có mặt trong buổi triển lãm đầy ý nghĩa và xúc động này để nhận lại những hồ sơ, kỷ vật “biết nói” của cha mình ngày ấy”-bà Tâm bày tỏ.

Đơn tình nguyện đi B của ông Phạm Xuân Bảy. Ảnh: P.D

Đơn tình nguyện đi B của ông Phạm Xuân Bảy. Ảnh: P.D

Thêm một trường hợp đặc biệt không kém được trao trả hồ sơ dịp này là họa sĩ Xu Man (tên thật Siu Dơng), người được tôn vinh là “cánh chim đầu đàn của mỹ thuật Tây Nguyên”. Tập kết ra Bắc năm 1954, chỉ 1 năm sau đó, Xu Man được kết nạp vào Đảng rồi lần lượt học tập ở Trường Văn hóa dân tộc Trung ương, Trung cấp Mỹ thuật, Cao đẳng Mỹ thuật.

Năm 1960, ông trở về miền Nam theo yêu cầu của cách mạng. Thời điểm này, có một sự kiện đã tác động mạnh mẽ đến phong cách sáng tác của họa sĩ Xu Man sau này, đó là việc ông được gặp Bác Hồ. Để rồi từ đó, hình ảnh Bác với các dân tộc Tây Nguyên xuất hiện rất nhiều trong tác phẩm của ông.

Do họa sĩ tài hoa đã qua đời nhiều năm trước nên chị Daih-cháu nội đã từ làng Bông (xã Ayun, huyện Mang Yang) lên Pleiku để tiếp nhận hồ sơ gồm lý lịch, giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng, phiếu chuyển đảng tịch, bảng đăng ký quân nhân, lý lịch quân nhân chuyển ngành… Chị Daih cho hay: Gia đình rất xúc động và tự hào trước những đóng góp của ông cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như cống hiến cho mỹ thuật Tây Nguyên.

Những kỷ vật “biết nói”

Sau lễ trao trả hồ sơ đi B, các đại biểu, khách mời đã cùng tham quan triển lãm tài liệu lưu trữ với chủ đề “Uống nước nhớ nguồn” do Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh phối hợp với Bảo tàng tỉnh và Quân đoàn 3 tổ chức. Nội dung triển lãm gồm 3 phần: trưng bày hồ sơ cán bộ đi B (huân-huy chương và một số thư từ, tài liệu liên quan); trưng bày tài liệu lưu trữ về thương binh, liệt sĩ và người có công; các quyết định của Chủ tịch nước, Hội đồng Bộ trưởng... về việc tặng huân-huy chương kháng chiến cho cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân tỉnh Gia Lai.

Bà Lê Thị Bắc-nguyên Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh:“Tài liệu, hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B là nguồn tài liệu vô cùng quý giá và có ý nghĩa quan trọng, phản ánh một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Tôi hy vọng rằng trong thời gian sớm nhất, tất cả hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B đều được trở về nơi mà tâm nguyện các chú, các bác hằng mong ước sau nhiều năm chờ đợi”.

Khi tham quan không gian đậm màu tri ân này, người xem vô cùng ấn tượng với nhiều ngăn tủ được bố trí xếp chồng lên nhau như những “ngăn ký ức”, bên trong là hình ảnh tuổi đôi mươi của cán bộ đi B và người thân, đồng đội, những lá thư tay cùng nhiều hồ sơ, giấy tờ cá nhân.

Tất cả số hành trang quý giá ấy đều được cán bộ đi B gửi lại trước khi lên đường vào Nam. Nhiều người đứng rất lâu trước bút tích của ông Phạm Xuân Bảy (làng An Xuân, huyện An Khê), từng học ở Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) ngày 27-10-1966 với tinh thần khẳng khái, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh: “…

Sau khi học xong lớp nầy và tốt nghiệp ra trường thì Bộ phân công, bố trí ở đâu, nơi nào cách mạng cần, Nhân dân miền Nam cần, tôi sẵn sàng đi và quyết tâm làm tròn nhiệm vụ. Dù có khó khăn gian khổ đến đâu, hay phải hy sinh tính mạng đi nữa, tôi kiên quyết đi và làm tròn nhiệm vụ của Đảng, Nhân dân giao cho. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, 1 vợ và 2 con, nhưng khi ra trường chờ Bộ phân công tác, tôi sắp xếp gia đình xong, chỉ chờ lệnh lên đường của Bộ tôi đi ngay bất kỳ giờ phút nào”.

Một số giấy tờ cá nhân của cán bộ đi B. Ảnh: P.D

Một số giấy tờ cá nhân của cán bộ đi B. Ảnh: P.D

Trong lời nhắn gửi lại hồ sơ vào ngày 25-4-1961 của cán bộ Đinh Xích (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), sự hy sinh cũng như là lẽ đương nhiên: “Tôi mong Ban Thống Nhất chuyển tới nơi tôi đã quy định cho người nhận là: em Đòi và em Xéc ở làng Hà Nừng, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum (…). Nếu tôi bị hy sinh, Ban Thống Nhất cứ chuyển tới em tôi, đừng bỏ và đừng làm mất của tôi. Nếu em tôi chết thì cho anh tôi. Nếu có việc gì xảy ra tôi đề nghị Ban Thống Nhất nói rõ cho gia đình tôi và các anh chị em tôi để họ biết”.

Còn ông Siêu Ô Nác (huyện Cheo Reo cũ, tỉnh Gia Lai) cũng chẳng chút nề hà: “Tôi viết đơn tình nguyện xin đi vào trong công tác để phục vụ đồng bào, phục vụ quê hương trong ấy để góp phần nhỏ của mình vào cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà”. Được biết, hiện vẫn còn 115 hồ sơ đi B chưa được xác minh, trao trả do thiếu thông tin.

Cùng với những tư liệu quý giá về hồ sơ đi B, khách tham quan còn có dịp tìm hiểu thêm về những chiến công xuất sắc của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cũng như đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” thông qua các hiện vật trưng bày tại triển lãm như: mô hình xe tăng số hiệu 377 với tỷ lệ 1:3 (Xe tăng 377 được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2023); chiếc áo của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Trần Ngọc Chung-nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48, người trực tiếp chỉ huy trận đánh cứ điểm Chư Nghé ngày 22-9-1973; những chiếc bi đông, tăng võng, chén muỗng-di vật sau các cuộc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ…

Từ TP. Đà Nẵng, bà Lê Thị Bắc-nguyên Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh-đã dành thời gian trở về Pleiku để được tham dự chương trình hết sức ý nghĩa này. Bà Bắc nêu cảm nhận: “Tôi đã không giấu nổi cảm xúc khi lật xem từng trang tài liệu, từng trang thư, những lá đơn tình nguyện đi B của các chú, các bác khi đó mới chỉ mười chín, đôi mươi. Vẫn biết ra nơi chiến trường tên bay, đạn lửa là không hẹn ngày về, có thể hy sinh tính mạng của bản thân, thế nhưng, họ không một chút đắn đo suy nghĩ cho riêng mình, chỉ nghĩ rằng độc lập tự do cho đồng bào là điều thiêng liêng nhất”.

Có thể bạn quan tâm

Các đảng viên, cán bộ, công chức xã Phú Cần sinh hoạt định kỳ hàng tuần việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Nam

Phú Cần áp dụng công nghệ số trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(GLO)- Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiệu quả, Đảng uỷ xã Phú Cần (huyện Krông Pa) đã áp dụng công nghệ thông qua phần mềm Kahoot (Phần mềm trắc nghiệm online miễn phí) và đã được đội ngũ cán bộ, công chức của xã đón nhận và hưởng ứng nhiệt tình.

Chuyện gùi hàng về căn cứ

Chuyện gùi hàng về căn cứ

(GLO)- Dốc An Toàn, dốc Ông Hương, đường Ông Dũng, dốc Thò Lò... là những địa danh mà ai đã từng tham gia gùi hàng từ Bình Định, Quảng Ngãi về căn cứ tỉnh Gia Lai trong kháng chiến đều không thể nào quên.

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

(GLO)- Mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tiết kiệm” của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Rsai (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) được duy trì suốt 1 thập kỷ qua. Thông qua mô hình, phụ nữ Ia Rsai thực hành tiết kiệm để giúp người nghèo và các hoàn cảnh khó khăn.

Khôn lỏi !

Khôn lỏi !

Hành vi trồng cây, xây dựng tạm trong phạm vi dự án để chờ đền bù thể hiện sự khôn lỏi, cố tình trục lợi bất chính từ chính sách của nhà nước.

Hạt thóc nghĩa tình

Hạt thóc nghĩa tình

(GLO)- Từ sáng kiến kho thóc tình thương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ khi ông công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện Mang Yang, phong trào đã lan rộng tới các Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã trên địa bàn huyện.