TQ công bố 66 đơn vị sản xuất sắn của VN được phép xuất khẩu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trung Quốc đã công bố danh sách 66 đơn vị, nhà máy sản xuất sắn của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây. Động thái này được đánh giá đã giải nguy cho doanh nghiệp xuất khẩu sắn sang thị trường này.
 
Ảnh minh họa
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công thương) vừa cho biết, Hải quan Trung Quốc đã công bố danh sách 66 đơn vị, nhà máy sản xuất Sắn của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây. Đồng thời tiếp nhận thêm danh sách các đơn vị do Bộ NN-PTNT Việt Nam đề xuất.
Thông tin này được đánh giá đã cởi trói cho doanh nhiệp xuất khẩu sắn của Việt Nam sang thị trường này.
Trước đó, phía Trung Quốc cho hay, kể từ ngày 15/12/2018, cơ quan Hải quan phía Quảng Tây (Trung Quốc) tăng cường kiểm tra, quản lý việc nhập khẩu tinh bột sắn, sắn lát xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Theo đó yêu cầu tinh bột sắn, sắn lát phải do doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam nằm trong danh sách đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phía Việt Nam đăng ký với Cơ quan Hải quan Trung Quốc. Khi thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu phải xuất trình giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch của Việt Nam chứng nhận.
Nhãn mác hiển thị trên bao bì phải được in lên bao bì vừa đóng gói trước khi xuất xưởng, không cho phép hàng hóa đến cửa khẩu mới dùng biện pháp phun tạm thời hoặc lồng bao bì có in sẵn sản phẩm hay cách thức/hình thức khác. Trên bao bì cần ghi rõ ít nhất 5 yếu tố gồm: nơi sản xuất, cấp bậc chất lượng, đơn vị sản xuất, ngày sản xuất và ghi rõ ràng hàng hóa dùng trong thực phẩm hay dùng trong công nghiệp.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2018 Trung Quốc nhập khẩu 4,8 triệu tấn sắn lát, trị giá 1,13 tỷ USD, giảm 41% về lượng và giảm 22% về trị giá so với năm 2017. Tính riêng tháng 12/2018, Trung Quốc nhập khẩu 270 nghìn tấn sắn lát, trị giá 60,31 triệu USD, tương đương về lượng, nhưng giảm 8,6% về trị giá so với tháng 11/2018; giảm 64,9% về lượng và giảm 60,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo, năm 2019, giá tinh bột sắn sẽ tiếp tục ở mức cao do nguồn cung sắn nguyên liệu giảm. Niên vụ 2018/2019, nguồn cung sắn nguyên liệu của Việt Nam, Campuchia và Thái Lan có khả năng giảm do dịch bệnh và mưa lũ. Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), sản lượng sắn của Việt Nam năm 2018 ước tính giảm 6,8%, Thái Lan giảm 10,7%, Campuchia giảm 2,9% so với năm 2017.
Theo ước tính, tháng 1/2019 lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu đạt 350 nghìn tấn, trị giá 124 triệu USD, tăng 72,9% về lượng và tăng 59% về trị giá so với tháng 12/2018; giảm 13,5% về lượng, nhưng tăng 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018; giá xuất khẩu bình quân tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2018, lên 354 USD/tấn. Trung Quốc vẫn là thị trường chính trong xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, trong tháng 1/2019, giá sắn nguyên liệu tại các vùng giảm do nhu cầu yếu trong khi nguồn cung về nhà máy tăng. Tại Tây Ninh, giá sắn thu mua tại nhà máy ở mức 2.400 – 2.650 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg so với cuối tháng 12/2018. Tại Kon Tum, giá sắn thu mua tại nhà máy ở mức 2.200 – 2.400 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg so với cuối tháng 12/2018. Do nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu thấp nên giá chào xuất khẩu của các nhà máy ở mức thấp, khoảng 420 - 430 USD/tấn FOB cảng Thành phố Hồ Chí Minh. Giá sắn lát tại cửa khẩu các tỉnh Tây Ninh và Bình Phước giảm do xuất khẩu giảm và chất lượng sắn kém hơn, độ ẩm cao.
Lê Hậu (TGTTO)

Có thể bạn quan tâm