Gia Lai: Nhiều giải pháp đột phá về xuất khẩu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2019, tỉnh Gia Lai phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 500 triệu USD, tăng 6,38% so với năm 2018. Để đạt được mục tiêu đó, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh đề ra nhiều giải pháp mang tính đột phá.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh giảm gần 8% so với cùng kỳ năm 2017 do giá các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, cao su... đều giảm mạnh. Điều này hoàn toàn có thể lại xảy ra trong những tháng đầu năm 2019 khi giá hạt tiêu hiện chỉ ở mức khoảng 52.000 đồng/kg, giá cà phê dao động trong khoảng 32.000-33.500 đồng/kg và giá mủ cao su cũng chỉ khoảng 1.335 USD/tấn.
  Nâng cao chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc là điều kiện để nông sản tỉnh ta lọt vào các thị trường khó tính. Ảnh: Hà Duy
Nâng cao chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc là điều kiện để nông sản tỉnh ta lọt vào các thị trường khó tính. Ảnh: Hà Duy
Tại hội thảo giới thiệu thị trường Trung Đông và châu Phi diễn ra tại TP. Pleiku cuối năm 2018, bà Nguyễn Thị Mai Linh-cán bộ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng: Thời gian tới, nhiều nước sẽ gia tăng bảo hộ sản xuất trong nước một cách chặt chẽ hơn, mạnh mẽ hơn, đồng nghĩa với việc sẽ giảm nhập khẩu một số mặt hàng từ bên ngoài. Ví dụ như Trung Quốc thời gian qua đã siết chặt nhập khẩu mủ cao su khiến giá xuất khẩu mặt hàng này của Gia Lai nói riêng và Việt Nam nói chung giảm sâu (năm 2017 là 1.629 USD/tấn; đến năm 2018 giảm xuống còn 1.335 USD/tấn). Những mặt hàng nông sản khác, vì chưa đáp ứng được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nên cũng chưa lọt được vào thị trường một số nước khó tính.
Theo nghị quyết của HĐND tỉnh và kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, tỉnh phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 500 triệu USD, tăng 6,38% so với năm 2018. Trên cơ sở này, ngày 2-1-2019, ông Bùi Khắc Quang-Giám đốc Sở Công thương đã ký ban hành Kế hoạch số 01/KH-SCT về thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu năm 2019, trong đó có những giải pháp vừa mang tính đột phá, vừa dài hơi nhằm đạt chỉ tiêu về kim ngạch xuất khẩu.
Theo đó, Sở Công thương sẽ tăng cường công tác đào tạo, phổ biến kiến thức về hội nhập quốc tế, chính sách, pháp luật thương mại của các nước cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời nắm bắt những thời cơ và thách thức khi hội nhập quốc tế, cũng như có biện pháp tích cực và chủ động phòng tránh rủi ro để phát triển xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Đồng thời, Sở sẽ tích cực mời gọi các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tham gia các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm tại các thị trường nước ngoài do Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao... tổ chức. Sở cũng sẽ tích cực khai thác, nắm bắt thông tin về dự báo giá cả các mặt hàng xuất khẩu, xu hướng tiêu dùng của thị trường cần hướng đến xuất khẩu, về thông tin các nhà xuất nhập khẩu trong nước và nước ngoài; khai thác cơ hội giao thương kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa... để chuyển tải đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua trang thông tin điện tử. Đặc biệt, Sở chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
Cũng liên quan đến các giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, năm 2019, tỉnh ta sẽ tiếp tục quan tâm phát triển thương mại điện tử. “Theo kế hoạch, trong năm 2019, Sở Công thương sẽ xây dựng website hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử; phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) xây dựng phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp quản lý dữ liệu, xúc tiến bán hàng trực tuyến, phát triển bộ thương hiệu trực tuyến cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh; tổ chức tập huấn về thương mại điện tử cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thích ứng với sự phát triển của thị trường”-ông Bùi Khắc Quang cho biết.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm