Để ứng phó với bão Noru, tỉnh Thừa Thiên Huế dự trữ 200 tấn gạo, mì tôm và vận động người dân dự trữ lương thực đảm bảo 7 ngày khi có thiên tai xảy ra.
|
Đoàn Thanh niên huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) giúp người dân chằng chống nhà cửa ứng phó bão Noru. Ảnh: CTV |
Ngày 25-9, tin từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, toàn tỉnh có 2.062 phương tiện/11.350 lao động hoạt động khai thác thuỷ sản.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, đến 9h ngày 25.9, toàn tỉnh hiện còn 17 phương tiện/156 lao động hoạt động thuỷ sản trên biển (dự kiến sáng ngày 26.9 sẽ vào bờ).
|
Ngư dân, thương lái hối hả hoàn tất giao dịch các mẻ cá trước khi bão Noru đổ bộ. Ảnh: CTV |
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành 3 công điện, bố trí phương tiện và lực lượng tổ chức hướng dẫn, sắp xếp phương tiện vào khu neo đậu.
Thực hiện lệnh cấm biển từ sáng 25.9.2022.
Các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão như: Cảng cá Thuận An, Cảng cá Tư Hiền, các khu neo đậu: Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Hiền, Hải Dương, Lộc Trì và 55 âu thuyền nhỏ và vũng neo đậu tự nhiên phục vụ neo đậu các phương tiện tàu thuyền; đã có phương án bố trí tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão.
|
Rà soát các hộ dân để có phương án di dời khi trường hợp khẩn cấp xảy ra. Ảnh: CTV |
Để đảm bảo an ninh lương thực ứng phó bão Noru, Sở Công Thương Thừa Thiên Huế đã có phương án dự trữ cấp tỉnh về lương thực thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai với số lượng: 100 tấn mì ăn liền, 100 tấn gạo.
Ngoài ra, các địa phương tự dự trữ tại cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực thực phẩm đảm bảo 7 ngày khi có thiên tai xảy ra.
UBND các huyện, thị xã và TP. Huế đang gấp rút rà soát phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng do bão đến nơi an toàn.
Theo Phúc Đạt (LĐO)