Thủ tướng đồng ý xuất khẩu gạo bình thường trở lại từ tháng 5

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhấn mạnh đảm bảo an ninh lương thực là cân đối lớn của nền kinh tế song phải đảm bảo đời sống người trồng lúa, trong bối cảnh dịch bệnh kiểm soát tốt, Thủ tướng đồng ý cho xuất khẩu gạo bình thường trở lại từ tháng 5-2020.
 
Thủ tướng đồng ý cho xuất khẩu gạo theo Nghị định 107 từ tháng 5 - Ảnh: Chinhphu.vn
Chiều 28-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến về vấn đề xuất khẩu gạo với sự tham dự của lãnh đạo 13 tỉnh ĐBSCL - vựa lúa của cả nước, các tập đoàn, tổng công ty lương thực lớn, một số bộ, ngành.
Cơ bản đảm bảo an ninh lương thực khi dịch bệnh căng thẳng nhất
Thủ tướng cho biết năm 2020, Việt Nam có kế hoạch xuất khẩu 6 triệu tấn gạo. Do tình hình dịch COVID-19 và thiên tai, hạn hán, nhiều nước đã dừng xuất khẩu gạo để đề phòng tình trạng khan hiếm lương thực có thể xảy ra.
Vì thế, chúng ta đã có chủ trương xuất khẩu có kiểm soát để xem xét tình hình sản xuất vụ đông xuân và hè thu, xem sản lượng, diện tích, năng suất cụ thể để trước hết bảo đảm lương thực cho đất nước 100 triệu dân, đề phòng bất trắc xảy ra. Đây là việc làm cần thiết.
Theo báo cáo của Bộ Công thương tại cuộc họp, sản xuất năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn thóc. Sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, lượng thóc còn dư có thể xuất khẩu trong năm nay là khoảng 13,54 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo.
Bộ Công thương cho biết đến cuối tháng 4-2020, các yếu tố quan trọng nhất dẫn đến quyết định giãn tiến độ xuất khẩu gạo vào cuối tháng 3 đã có sự thay đổi đáng kể, theo hướng tốt lên.
Căn cứ bối cảnh trong nước và ngoài nước, xét mục tiêu giãn tiến độ xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong thời điểm khó khăn nhất đã đạt được, trên cơ sở các số liệu mới nhất về cung - cầu gạo, Bộ Công thương và các bộ, ngành thống nhất kiến nghị Thủ tướng kể từ ngày 1-5, cho phép hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường.
Tuy nhiên, các thương nhân cần thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó và cam kết sẽ cung cấp ngay ra thị trường trong nước nếu được Chính phủ yêu cầu.
Đồng thời đề nghị 20 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất ký thỏa thuận với ít nhất là 1 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu.
Kết luận, Thủ tướng nêu rõ nước ta đã cơ bản đẩy lùi được COVID-19 ở Việt Nam, bảo đảm an toàn căn bản cho người dân, số ca nhiễm thấp, không có người tử vong. Cần tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, giao thương nên tổ chức sản xuất, hoạt động bình thường là yêu cầu cấp bách để bảo đảm việc làm, thu nhập, tăng trưởng.
Cho xuất trở lại bình thường, đảm bảo quyền lợi người trồng lúa
Lương thực là một cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai, thời tiết bất thường, cần phải bảo đảm an ninh lương thực, không để đầu cơ, nâng giá, thiếu thốn lương thực. Cùng với an ninh lương thực, bảo đảm xuất khẩu lương thực để bảo đảm quyền lợi của người trồng lúa.
Thủ tướng cho rằng chúng ta đạt nhiều thành tích nhưng có một số trục trặc trong điều hành, các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần nâng cao trách nhiệm, chủ trì các cân đối lớn, phối hợp tốt với nhau để bảo đảm an ninh lương thực, xuất khẩu lương thực tốt hơn, thuận lợi hơn.
Theo đó, Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương về phương án điều hành xuất khẩu gạo. Cụ thể, từ 1-5 cho hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường, tiếp tục thực hiện theo quy định nghị định 107 và thực hiện nghiêm chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không).
Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chỉ đạo tạo mọi điều kiện cho xuất khẩu gạo trong tháng 5, 6 và các tháng tiếp theo, bảo đảm quyền lợi cho người sản xuất và doanh nghiệp. Bộ Tài chính thực hiện mua đủ dự trữ quốc gia về gạo.
Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các bộ liên quan theo dõi thường xuyên tình hình sản xuất, tiêu thụ, dự trữ, xuất khẩu; nếu xuất khẩu gạo ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia thì báo cáo ngay Thủ tướng để có biện pháp xử lý phù hợp.
Ngọc An (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Giá hồ tiêu xuất khẩu tăng 66,4%

Giá hồ tiêu xuất khẩu tăng 66,4%

(GLO)- Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong tháng 1-2025, Việt Nam đã xuất khẩu 13 ngàn tấn hồ tiêu, trị giá 87 triệu USD (giảm 25,6% về lượng nhưng tăng 23,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024).

Sầu riêng Việt Nam lâm nguy

Sầu riêng Việt Nam lâm nguy

Sầu riêng từng được ví như loại trái "tỷ đô" với kim ngạch xuất khẩu liên tiếp phá kỷ lục nhiều năm nhưng lại đang phải trải qua thời kỳ khó khăn chưa từng có khi sản lượng xuất khẩu giảm tới 80% trong những tháng đầu năm.

Tạo bứt phá trong sản xuất công nghiệp

Tạo bứt phá trong sản xuất công nghiệp

(GLO)- Việc nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp chủ lực, thúc đẩy thị trường tiêu thụ, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu… là những giải pháp quan trọng để ngành công nghiệp của tỉnh Gia Lai tăng trưởng nhanh trong năm 2025.

Hợp tác xã Sản xuất điều Ia Grai thường xuyên tập huấn kỹ thuật sản xuất cho các thành viên và người dân. Ảnh: N.H

“Điểm tựa” của người trồng điều

(GLO)- Với việc tích cực phối hợp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón, cây giống và bao tiêu sản phẩm, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất điều Ia Grai (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã trở thành “điểm tựa” của bà con nông dân trên địa bàn.