Thoát nghèo nhờ thay đổi tư duy

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã triển khai hiệu quả cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Nhờ thay đổi nhận thức mà nhiều hộ đã từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Nhờ sử dụng vốn vay hiệu quả, gia đình anh Ang Lang (làng Ring Rai, xã Hà Bầu) đã thoát nghèo. Ảnh: RÔ HOK
Nhờ sử dụng vốn vay hiệu quả, gia đình anh Ang Lang (làng Ring Rai, xã Hà Bầu) đã thoát nghèo. Ảnh: R'Ô HOK

Nhìn căn nhà khang trang của vợ chồng anh Ang Lang (làng Ring Rai, xã Hà Bầu), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết trước đây, gia đình anh thuộc diện đặc biệt khó khăn. Anh Lang cho biết: Sau khi lập gia đình, vì thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, thiếu kiến thức nên vợ chồng anh gặp rất nhiều khó khăn. Hàng ngày, anh phải đi làm phụ hồ để có tiền trang trải cuộc sống. Năm 2018, được ngân hàng cho vay 10 triệu đồng, anh mua 1 con bò về nuôi. Sau đó, anh bán bò để trả nợ và có lãi. Nhận thấy địa phương có lợi thế đất đồi dễ chăn thả gia súc, anh vay tiếp 30 triệu đồng đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi bò để lấy phân cải tạo đất trồng cà phê. Nhờ cần cù chịu khó nên kinh tế gia đình từng bước cải thiện. Hiện anh có 4 con bò sinh sản, 4 sào cà phê, 1 sào lúa và hơn 200 m2 vườn trồng rau. “Đầu năm 2021, mình xây được căn nhà hơn 150 triệu đồng và đã thoát nghèo”-anh Lang chia sẻ.

Tương tự, ông Mrưnh (làng Mrăh, xã Kdang) cho biết: Từ năm 2001 đến nay, được chính quyền hỗ trợ vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, vận động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nên đời sống gia đình ông từng bước ổn định. “Hiện mình có 1 ha cao su, 2 ha cà phê, hơn 2 sào lúa và 5 con bò sinh sản. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình mình thu gần 200 triệu đồng. Năm 2015, gia đình mình thoát nghèo”-ông Mrưnh bộc bạch.

Một góc làng Mrăh (xã Kdang). Ảnh: RÔ HOK
Một góc làng Mrăh (xã Kdang, huyện Đak Đoa). Ảnh: R'Ô HOK


Ông Grit-Trưởng thôn Mrăh-cho biết: Làng có 81 hộ với 349 khẩu. Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng như: cao su, cà phê, lúa nước... Những năm gần đây, nhiều hộ mạnh dạn vay vốn đầu tư chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nên đời sống từng bước được nâng lên. Hiện trong làng chỉ còn 1 hộ nghèo, hơn 30 hộ có thu nhập 100-200 triệu đồng/năm.

Để cuộc vận động phát huy hiệu quả, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện thường xuyên phối hợp với các hội, đoàn thể xây dựng mô hình hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Chị Gơnh-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Glar-cho hay: Năm 2008, Hội đã triển khai mô hình “Góp vốn xoay vòng”, xây dựng quỹ tiết kiệm 5.000 đồng/hội viên/năm tại tất cả 9 chi hội để giúp hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Là người được vay vốn từ nguồn này, chị Khai (làng Tuơh Klah, xã Glar) chia sẻ: “Bên cạnh vay vốn tín dụng, mình thường xuyên được chi hội hỗ trợ vay thêm từ vốn xoay vòng để nuôi heo. Mỗi năm, mình xuất chuồng 3 lứa heo, mỗi lứa 8-10 con. Năm 2017, gia đình mình thoát nghèo”.

Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” đã tạo chuyển biến quan trọng về nhận thức của người dân trong sản xuất, đời sống. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm nhanh qua từng năm. Cụ thể, năm 2016, toàn huyện có 4.455 hộ nghèo (chiếm 17,62%) thì đến năm 2020 còn 1.390 hộ (chiếm 4,58%). Năm 2021, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,91%.

Trao đổi với P.V, ông Võ Tiến Đông-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Đoa-cho biết: “Thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tiếp tục phối hợp với các đoàn thể, cơ quan, ban ngành làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức để thay đổi nếp nghĩ, cách làm; bỏ dần những tập quán lạc hậu. Bên cạnh đó, phổ biến kiến thức, cách thức quản lý, tiết kiệm trong chi tiêu, áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và năng lực tổ chức sản xuất của từng gia đình, địa phương nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững”.

 

R'Ô HOK
 

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.