Thắp sáng niềm tin cùng biển-đảo quê hương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ một nữ sinh bị tàu hỏa cán đứt hai chân và trở thành người khuyết tật, chị đã đứng lên vượt qua bóng tối của số phận để đem ánh sáng tri thức cho hàng ngàn người khiếm thị trên mọi miền đất nước. 16 năm lăn lộn đem chữ cho người mù, điều hạnh phúc nhất của chị không phải là những bằng khen, hay những lần vinh danh trước ánh đèn sân khấu, mà là sự truyền tri thức từ trái tim người khuyết tật cho người khuyết tật, là sẻ chia vơi bớt nỗi đau của hàng ngàn đứa trẻ khiếm thị bằng trái tim nhân ái, mà chính chị là người mẹ, người chị tinh thần. Chị là Nguyễn Hướng Dương-Giám đốc Quỹ từ thiện Sách nói cho người mù TP.  Hồ Chí Minh

Tập tễnh trên đôi chân giả, giang rộng vòng tay ôm thắm thiết các em học sinh khiếm thị như con của mình, đó là ấn tượng đầu tiên tôi gặp chị Nguyễn Hướng Dương trong chương trình “Thắp sáng niềm tin cùng biển đảo quê hương” cho 600 học sinh khiếm thị tổ chức tại Vũng Tàu. Trong niềm vui của người 16 năm làm cô giáo dạy học bằng sách nói cho hàng ngàn đứa trẻ mù, chị không nói về những thành tích của bản thân, mà lại kể về những ngày đau khổ nhất của cuộc đời: “Trời cướp mất của tôi đôi chân, nhưng cho tôi nghị lực sống. Từ khi tôi đứng trên đôi chân giả, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đầu hàng số phận. Chính khát vọng sống của các em mù, đã tiếp cho tôi sức mạnh để sống và cống hiến”-Dương quả quyết.

 

Hướng Dương ôm một trẻ khiếm thị như con ruột của mình. Ảnh: TC
Hướng Dương ôm một trẻ khiếm thị như con ruột của mình. Ảnh: TC

Tai nạn xảy ra năm 1996. Đó là một buổi sáng,  khi Dương rời khỏi nhà đi học. Cũng như mọi lần, cô vượt qua đường tàu phía sau nhà đến học thêm nhà thầy giáo. Khi bước chân lên thanh tà vẹt giữa đường ray, bất ngờ cô trượt chân ngã. Hai chân cô lọt kẹt vào thanh tà vẹt không rút lên được. Khi nghe tiếng còi tàu hú sát mang tai, cô chỉ kịp rướn người trườn qua khỏi đường sắt. “Cả đoàn tàu lao tới nghiến nát toàn bộ hai chân tôi, máu chảy lai láng trên đường ray. Khi đoàn tàu chạy qua, mọi người xúm lại hô hoán có người bị tàu cán đứt hai chân. Một người bế tôi lên ra khỏi đường ray và đặt xuống vệ cỏ, đắp chiếu chờ người thân đến nhận xác. Lúc đó ai cũng nghĩ tôi đã chết. Bỗng một người mở chiếu ra, thấy mắt tôi còn mở, chớp chớp, họ la lên tôi còn sống rồi đưa tôi đi bệnh viện. Năm đó tôi 25 tuổi”-Dương kể lại.

Gạt nước mắt trước nỗi đau, bố mẹ Dương đã quyết tâm chạy chữa cho đứa con gái duy nhất với tinh thần “còn nước còn tát”. Ông bà không hy vọng con gái sẽ trở lại bình thường, nhưng phải sống, dù đó là chút hy vọng mong manh. Thương cô nữ sinh hiền hậu chăm làm, bạn bè, thầy cô, họ hàng tự nguyện giúp đỡ tiền để Dương phẫu thuật.

Bừng tỉnh lại sau hơn 10 ngày bất tỉnh, Dương chỉ muốn chết khi biết đôi chân mình không còn nữa: “Lúc đó tôi rất bi quan, chán nản. Mình sẽ sống thế nào đây khi không có chân. Tôi nhìn phía trước, tương lai của mình là què quặt, bóng tối. Tôi liên tưởng đến mình phải nằm một chỗ trông đợi. Bảy lần phẫu thuật cắt ghép, là bảy lần tôi chết đi sống lại. Nói thật với anh, lúc đó tôi không còn nghị lực sống. Mọi niềm tin đã tắt nguội”-Dương chia sẻ.

 

Dương đọc thư của học sinh gửi bộ đội Trường Sa, DK1. Ảnh: MT
Dương đọc thư của học sinh gửi bộ đội Trường Sa, DK1. Ảnh: MT

Điều khiến Dương bừng tỉnh và vượt qua cái chết, là nhờ sự động viên của một bệnh nhân bị cụt hai tay nằm chung phòng bệnh. Khi biết Dương tuyệt vọng trong nỗi đau, người bệnh nhân kia đã giơ hai cánh tay cụt gần tận nách bảo: “Cô không còn chân nhưng còn tay. Cô còn hạnh phúc hơn tôi, còn tự bưng bát cơm mà ăn, tự chăm sóc cho mình. Như tôi đây không còn tay, đến rửa mặt cũng nhờ người khác. Nhưng tôi vẫn sống vui. Người không tay cũng có niềm vui riêng của nó”. “Lúc đó tôi bừng tỉnh. Tôi khóc và nghĩ về tương lai. Chính hai cánh tay cụt đến nách của chú nằm trong bệnh viện đã thay đổi suy nghĩ và cuộc đời tôi. Tôi đứng dậy từ đấy”.

Trở về sau bảy lần phẫu thuật và gần 3 năm gắn với bệnh viện, cô nữ sinh Nguyễn Hướng Dương ngày nào đẹp đẽ duyên dáng giờ là người tật nguyền ngồi trên xe lăn. Mặc dù sống được đã là kỳ diệu, song cô không khỏi mặc cảm khi đôi chân không còn. Ngày nối ngày, Dương làm bạn với xe lăn. Những cuốn truyện ngắn, cổ tích xếp đầy nơi ngủ nhưng cũng chỉ làm vơi bớt niềm đau chứ không xóa nhòa được sự mặc cảm. “Mỗi lần nhìn đôi chân cụt, tôi chỉ muốn tự tử. Nhưng nghĩ lại, mình vẫn còn may mắn hơn những người tật nguyền khác. Còn bưng được bát cơm, tự lo cho mình. Phải làm việc gì để quên đau đớn và có ích cho đời, không thể là gánh nặng của ba mẹ. Tôi đã xin ba mẹ đến trường mù để tìm sự sẻ chia, cảm thông. Nhìn thấy những đứa trẻ mù, tôi đã khóc. Không hiểu sao lúc đó tôi cảm thấy mình không phải bị cụt chân. Tôi cảm thấy yêu những đứa trẻ mù rất mãnh liệt”-Dương chia sẻ.

Ngay buổi đầu tiên đến Trường mù Nguyễn Đình Chiểu TP. Hồ Chí Minh, Hướng Dương đã bắt nhịp cùng với những học sinh khiếm thị. Chị hiểu các em đang cảm nhận thế giới xung quanh qua bóng tối của thị giác. Các em đang khát khao tri thức, dù thế giới của các em hạn hữu bởi bóng tối bủa vây. Dưới ghế đá của trường, lần đầu tiên Dương đọc chuyện cổ tích cho các em nghe. Hơn chục học sinh lặng im chăm chú cảm nhận. “ Có đứa đã yêu cầu tôi đọc nữa. Tôi đã kể chuyện tôi bị tàu nghiến đứt hai chân. Nhiều đứa đã khóc vì xúc động”-Dương kể lại.

 

Tặng quà cho 5 em học sinh viết thư hay nhất cho chiến sĩ Trường Sa, DK1 trong ngày hội “Thắp sáng niềm tin cùng biển đảo quê hương”. Ảnh: MT
Tặng quà cho 5 em học sinh viết thư hay nhất cho chiến sĩ Trường Sa, DK1 trong ngày hội “Thắp sáng niềm tin cùng biển đảo quê hương”. Ảnh: MT

Trở về từ Trường mù, điều day dứt nhất trong lòng khiến Dương nhiều đêm mất ngủ, đó là những đứa trẻ mù không biết chữ ngơ ngác khi nghe chị kể chuyện cổ tích. Phải làm gì đây để giúp các em vượt qua bóng tối của cuộc đời? một tia sáng lóe lên trong đầu: Đó là gieo tri thức cho học sinh khiếm thị.

Những cuốn truyện cổ tích giúp cô vơi đau đớn trong những ngày phẫu thuật giờ đây được “bóc tách” ra từng mẫu chuyện ngắn “có đầu có cuối”. Phương tiện là chiếc đài catsete cũ của gia đình, Dương bắt đầu đọc chuyện, thâu băng. Những cuốn “sách nói” đầu tiên “ra lò” với những tiêu đề “Trái tim cho em”, “Thế giới sắc mầu”, “Một ngày trong bóng tối” được chị đem đến trao tận tay cho Ban Giám hiệu Trường mù Nguyễn Đình Chiểu, rồi sau đó được in sao chuyển miễn phí đến các trường mù ở các tỉnh miền Đông Nam bộ. Hướng Dương chia sẻ: “Những ngày đầu tiên gặp không ít khó khăn. Do đọc nhiều, gắng sức nên giọng khàn đặc. Những ngày thời tiết thay đổi, mỏm xương cụt đau điếng nhưng vẫn cố gắng làm. Song thu xong mỗi một băng với 10 mẫu chuyện, tôi lòng cảm thấy nhẹ nhõm. Cứ nghĩ đến những đứa trẻ mù, là tôi lại thấy mình phải cố gắng”

- Điều gì khiến chị gắn bó với các em?
- Đơn giản thôi, đó là tình yêu thương. Là người tật nguyền, tôi cảm nhận được hạnh phúc khi được người khác san sẻ tình thương cho mình. Tôi muốn đem tình thương ấy cho các em. Tôi giúp các em vượt qua bóng tối là cũng chính giúp cuộc đời mình.

Nước mắt khóc cho những ngày đau khổ bây giờ không còn nữa, mà thay vào đó là khóc cho những niềm vui và hạnh phúc vô bờ. Nhưng mỗi  lần nhắc đến chuyện “đường tàu nghiến nát chân em”, Dương không khỏi bùi ngùi cho số phận của mình: “Lúc bị tàu nghiến nát hai chân, rồi qua 7 lần mổ phẫu thuật, tôi nghĩ tương lai đã hết. Phải sống thế nào đây khi không có chân. Nhưng cuối cùng tôi đã nhận ra một điều, đôi mắt sẽ dẫn đường cho đôi chân giả. Nghị lực sống cũng bắt đầu từ đấy”.

Khi hỏi về “thâm niên” của thư viện sách nói, chị Dương cho biết: “Thư viện sách nói chính thức hoạt động được 11 năm, phát hành miễn phí ở 54 tỉnh, thành trên toàn quốc với 1.300 đầu sách bằng chất liệu băng MP3, băng catsetre. Số người mù trên một triệu người ở mọi lứa tuổi, trẻ em, học sinh, sinh viên và người cao tuổi. Hiện tại chúng tôi đang phát hành trên hai mạng lưới. Sách nói đóng gói chuyển theo đường bưu điện và sách nói điện tử online. Hiện có 25 tình nguyện viên đến làm việc, thu âm, chuyển sách đi các tỉnh thành mỗi ngày”. Hỏi chuyện tình yêu, chị Dương vui cười: “Lúc 25 tuổi bị tai nạn, tôi cũng có người yêu. Còn bây giờ, tình yêu lớn nhất của tôi là sách nói, điểm tựa vững chắc nhất là niềm tin, sự sống của những người mù”.

Chị Dương vén quần cho chúng tôi xem đôi chân giả bằng nhựa “Tuy không đi lại bình thường như các anh, nhưng việc gì tôi cũng có thể làm được, nấu ăn, thể dục, lau nhà, thậm chí tập ê-rô-bích, hoặc khiêu vũ”-Dương cho biết.

Mai Thắng

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.