Thăm Di tích Pác Bó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng sớm, anh Khánh-Giám đốc Công ty Khai thác Dịch vụ Khu Kinh tế Cửa khẩu-đích thân lái xe cơ quan đến đón chúng tôi rồi cùng chị Bạch Tố Uyên-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao TP. Cao Bằng ghé chợ Cao Bằng mua hoa, trái cây để chúng tôi viếng thăm đền thờ Bác trong Khu Di tích Pác Bó. Anh Khánh cho biết, mỗi cán bộ ở đây luôn sẵn lòng là hướng dẫn viên du lịch cho khách phương xa, nhất là các bạn từ miền Nam xa xôi về thăm cội nguồn của lịch sử cách mạng Việt Nam.

Đường về Pác Bó

 

 Toàn cảnh khu Di tích Pác Bó. Ảnh: Duy Khanh
Toàn cảnh khu Di tích Pác Bó. Ảnh: Duy Khanh

Di tích Pác Bó thuộc xã Trường Hà (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), cách TP. Cao Bằng 55 km về phía Bắc. Xe bon bon trên đường dần xa thành phố, trước mắt chúng tôi là cánh đồng Cao Bình mênh mông phủ một màu xanh bất tận. Xen giữa màu xanh dịu mát ấy là những đóa hoa rừng nhiều loại, sắc màu đẹp như tranh vẽ. Đi đến đoạn phố thị sầm uất, chị Yến bảo tôi, đây là thị trấn Nước Hai, thuộc huyện Hòa An. Chồng của chị tên là Hiệu hiện là Trưởng Công an của huyện này. Chị được sinh ra và lớn lên ở đây, nên dấu ấn của một thuở lịch sử vùng này luôn in đậm trong từng ngọn cây tấc đất, chị có thể cảm nhận được qua các giác quan. Nghe chị kể với giọng đều đều, nhưng cảm xúc, tôi lan man như có thước phim lịch sử từ xa xưa gợi về trong ký ức. Đó là những tiếng vó ngựa cùng tiếng reo hò xung trận, xen lẫn tiếng khóc than từ những trận chiến bi hùng. Hiện tại nơi đây vẫn còn dấu vết thành quách gần một trăm năm của thời Mạc Kính Cung đến Mạc Kính Vũ (1592-1688) khi nhà Mạc chạy về Cao Bằng.

Đường về Pác Bó hôm nay rộng dài bề thế, uốn lượn dưới chân dãy núi trùng điệp, bên những cánh đồng lúa vàng và xóm làng bình yên của bà con người dân tộc Tày, Nùng. Đoạn Pác Bó-Cao Bằng được khởi công xây dựng từ năm 2008. Đây là công trình trọng điểm quốc gia được Nhà nước đầu tư xây dựng với chiều dài khoảng hơn 3.000 km, đi qua 30 tỉnh, thành phố, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xe đến ngã ba Đôn Chương đã là khu vực biên giới, phía trước là cột mốc số 0 đường Hồ Chí Minh. Anh Khánh dẫn đường cho biết, ngày xưa khi trở về đến đây, Bác phải đi ngựa để vào hang Pác Bó. Từ ngã ba này ngược lại là về bản Nà Toàn, đi thẳng là sang Trung Quốc, còn kia là lối đi các bản Nà Mạ, Nà Kéo... Bản Nà Mạ ngày trước được xem là tiền trạm. Mỗi khi giặc Pháp, giặc Nhật lùng sục qua đây, dân bản đưa khăn mặt treo ngoài sàn làm mật hiệu báo tin về cho căn cứ Pác Bó. Quan sát bản Nà Mạ hôm nay tôi nhận thấy, nhà người dân tuy có khang trang, nhưng vẫn giữ nét truyền thống là dùng vật liệu tre, gỗ, mặt nhà theo hướng Đông Tây, tùy dòng nước chảy của con suối, con sông, mà đặt cối giã gạo. Ngày nay, nhiều bản trong vùng này không chỉ lấy nước suối để giã gạo, mà còn bắt nước phải quay tuốc-bin phát ra điện và đã đưa về tận Pác Bó thắp sáng cả vùng đồi núi bao la.

Đền thờ trên đồi Pò Tếng Chấy

 

Ảnh: Duy Khanh
Ảnh: Duy Khanh

Đền thờ Bác nằm trên ngọn đồi có tên Pò Tếng Chấy. Pò ở đây có nghĩa là “đồi” là “ngọn đồi”, còn “Tếng Chấy” thì không ai biết nghĩa, kể cả cô hướng dẫn viên. Vào trung tâm khu Di tích Pác Bó, đền thờ Bác là nơi đầu tiên chúng tôi viếng thăm. Sau khi dâng hương, hoa tưởng nhớ Bác, chúng tôi bắt đầu hành trình chiêm ngưỡng. Qua bảng ghi chú, tôi biết được công trình đền thờ Bác khánh thành ngày 19-5-2011, sau hơn 1 năm khởi công. Ngày 21-2-1975, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) đã ra quyết định công nhận khu Di tích Lịch sử Pác Bó là Di tích Lịch sử Văn hóa. Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể Khu Di tích này.

Nhìn toàn cảnh bên ngoài, ngôi đền giống như ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Pác Bó. Với thiết kế và trang trí rất đẹp mắt nhưng trang nghiêm, đền thờ Bác Hồ mang đến cho người viếng thăm cảm giác ấm áp như một ngôi nhà sàn bình dị. Sự kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật điêu khắc, họa tiết và hoa văn thể hiện tinh hoa dân tộc, tạo cho người xem cảm giác gần gũi, nhẹ nhàng nhưng tôn kính. Bên trong đền thờ, tượng Bác với dáng ngồi thanh thản được tạc bằng đồng uy nghi đặt nơi trang trọng nhất ở gian chính điện. Bên trên là dòng chữ Hồng Nhật Cao Minh (mặt trời đỏ từ trên cao chiếu sáng). Bên trái bức tượng khắc bài thơ tứ tuyệt của Bác: “Non xa xa, nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là/ Đây suối Lê-nin, kia núi Mác/ Hai tay xây dựng một sơn hà”. Trên 4 bức tường của đền thờ là những bức phù điêu khắc họa trên đá tuy mộc mạc, nhưng sống động. Trên đó đã tái hiện lại toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác từ khi Người trở về nước ngày 8-2-1941, đến ngày giành được độc lập dân tộc, tháng 8-1945. Cô hướng dẫn viên Nông Thị Liễu cho chúng tôi biết thêm thông tin: Đền thờ Bác có mặt chính quay về phương Nam, với ý nghĩa là trái tim của Bác luôn hướng về với đồng bào miền Nam, dù đất nước đã liền một dải. Có một chi tiết khiến tôi cảm động, đó là chiếc bàn nhỏ đặt ở góc đền thờ tiếp nhận những công đức của người đến viếng. Khi tôi và mấy người bạn xin được góp chút lòng thành, thì cô Nông Thị Liễu đã cẩn thận ghi họ tên vào sổ như ghi nhận một ân tình của người con phương Nam. Phía đối diện là bàn đặt sổ vàng lưu niệm, dành cho khách thăm viếng viết lên cảm nghĩ của mình. Lần giở từng trang, thấy tình cảm của đồng bào khắp nơi viết mà lòng tôi dâng trào cảm xúc. Trong đó có cả Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, với những dòng lưu niệm “Toàn thể nhân dân Việt Nam đời đời ghi nhớ công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng cháu nguyện học tập suốt đời tấm gương đạo đức của Người”.

Chúng tôi xuống đồi để tiếp tục cuộc về nguồn trong ánh nắng vàng như màu hoa dã quỳ Tây Nguyên. Những làn gió nhè nhẹ mang hơi nước từ dòng suối Lê-nin thổi vờn trên da mặt, gây cảm giác thật dễ chịu.

Anh Khánh tỏ ra thành thạo và hướng dẫn chúng tôi: Pác Bó có nghĩa là “đầu nguồn”. Trong quần thể di tích Pác Bó có hang Cốc Bó được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi ở sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Bên cạnh đó còn có hang Bo Bam, bãi Cò Rạc, suối Lê-nin, núi Các Mác và đặc biệt là suối Nậm-nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp huấn luyện cán bộ và tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng của Trung ương.

 

Ảnh: Duy Khanh
Ảnh: Duy Khanh

Trước lúc lên Cao Bằng, qua tài liệu tôi biết được rằng, đến Pác Bó mà không đi được Khuổi Nậm là điều đáng tiếc. Khuổi Nậm là nơi họp Trung ương Đảng lần thứ 8 với những quyết định cực kỳ quan trọng: Thành lập Mặt trận Việt Minh, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Tôi được anh bạn dẫn đường cho hay, không vào được Khuốn Nậm, bởi những cơn mưa vừa qua đã làm sạt lở đất và nước nguồn rất lớn. Bây giờ chỉ còn hướng đi vào hang Cốc Bó. Chúng tôi men theo dòng suối Lê-nin qua những vách đá với rừng cây xanh thẳm, có lúc phải băng qua những đoạn đá sỏi lởm chởm. Hang Cốc Bó hiện ra bên sườn núi đá nham nhở. Dù rằng, nhiều năm đã qua, khu di tích đã cố gắng hoàn nguyên hiện trạng, nhưng dấu tích của cuộc tấn công hèn hạ, giặc đã cho nổ mìn phá hoại cửa hang và phá sạch Nhà lưu niệm Bác, vẫn in đậm trên những mảng đá xô lệch, được gắn kết bởi xi măng và rêu xanh. Hang rộng trên chục mét, dài chừng vài mươi mét, rất ẩm ướt và lạnh lẽo do nước từ vách đá rỉ ra. Chỗ Bác nằm phía bên phải của hang, được làm bằng các tấm ván gỗ cây nghiến ghép lại. Bên trái có 2 chỗ dành cho các đồng chí bảo vệ Bác. Trong hang có một thạch nhũ nhô lên, trông giống mặt người với tóc và râu rất dài, được Bác đặt tên là tượng Các Mác. Ngoài bờ suối, chiếc bàn đá Bác ngồi làm việc mỗi ngày vẫn còn đó và mõm đá Bác ngồi câu cá thư giãn vẫn còn kia, mang lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc về tính cách đơn sơ, giản dị của một lãnh tụ vĩ đại. Hang Cốc Bó đã đi vào lịch sử cùng với quãng thời gian sống và làm việc của Bác ở nơi quê hương cách mạng này.

Chúng tôi đi trên con đường đá rêu phong dọc bờ suối, qua một cây cầu gỗ bắc ngang cửa khe Cốc Bó, anh Khánh cho biết đây chính là nơi đầu nguồn của suối Lê-nin. Đứng nhìn dòng suối và ngọn núi Các Mác sừng sững, tôi cảm nhận được sự đặc biệt của địa thế ở đây. Đó là vừa khuất vừa mở, vừa kín vừa thông, dễ dàng ẩn khi có động, nên địa thế này không chỉ có giá trị lịch sử như là di tích cách mạng, mà còn là một phong cảnh sơn thủy hữu tình đẹp như trong truyền thuyết.

Duy Khanh

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.