Tây Nguyên trong mùa xuân toàn thắng-Kỳ cuối: Tấm bản đồ góp phần làm nên lịch sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Làm nên chiến công vĩ đại, mở đầu cho mùa xuân toàn thắng của toàn dân tộc, cùng với những người lính trên chiến trường, hàng vạn đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã cùng chung sức. Họ là những người mòn đêm tiếp đạn, tải thương, cung cấp tin tức hoặc chỉ giản dị là dốc đến lon gạo cuối cùng cho bộ đội… Trong số này có ông Phạm Tập, người đã cùng bố vợ mình vẽ tấm bản đồ thị xã Buôn Ma Thuột cung cấp cho quân ta, góp phần làm nên chiến thắng.
Tôi tìm đến nhà ông Phạm Tập vào một buổi sáng đầu xuân se lạnh. Vợ chồng người cựu chiến binh ấy đang sống trong một căn nhà nhỏ, ấm cúng giữa khu phố đông đúc, gần chợ trung tâm TP. Buôn Ma Thuột. Đã qua tuổi 90 nhưng ông Tập hãy còn minh mẫn và nhanh nhẹn lắm. Vợ ông gần 80 tuổi cũng còn khỏe mạnh và hoạt bát. Biết có khách từ xa tìm đến, ông bà tỏ ra xúc động. Đặc biệt, khi tôi nhắc đến tấm bản đồ đã góp phần cho chiến thắng Buôn Ma Thuột 45 năm về trước, nét mặt 2 người càng rạng rỡ hơn.
Ông Tập kể: Vốn con nhà “cách mạng nòi”, năm 1956, từ quê hương Quảng Nam, tôi được điều vào Nam làm công tác quân báo. Tuy nhiên, đến năm 1962 thì cơ sở bị lộ, tôi nhận được lệnh phải “di tản” gấp lên Buôn Ma Thuột để chờ chỉ thị tiếp theo. Quân báo là một lĩnh vực hoạt động đặc biệt, phải biết nhiều nghề để tạo vỏ bọc cho mình. Thế nên, những năm ấy, tôi đã học được nhiều nghề, trong đó có nghề may với tay nghề khá tốt. Lên Buôn Ma Thuột, tôi làm nghề dạy may, vừa để sống qua ngày, vừa để nắm tình hình và bắt lại liên lạc. Tại cơ sở dạy may của mình, tôi đã gặp cô Phan Thị Kim Khánh, con gái của ông Phan Kim Ngọc. Tìm hiểu, tôi được biết ông Kim Ngọc từng tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1952, sau một thời gian bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam cầm ở Huế, ông được thả về. Để tránh tai mắt địch, ông mang gia đình lên Buôn Ma Thuột làm ăn và tiếp tục hoạt động cách mạng. Quả là duyên số “trời cho”, năm 1963, tôi cưới Khánh làm vợ và về sống chung với nhạc phụ trong rẫy cà phê, cách Buôn Ma Thuột hơn 10 km. Trong hoàn cảnh chiến tranh bấy giờ, nơi đây đất đai hoang hóa, dân cư thưa thớt lắm. Chính điều này đã khiến tôi nghĩ ngay đến việc chuyển nghề sang trồng cà phê, vừa để có điều kiện sống một cách lặng lẽ, che mắt địch, vừa có nguồn lực tiếp tế cho anh em mình… Với những kế hoạch đã vạch sẵn trong đầu, tôi bắt tay vào cải tạo lại vườn cà phê. Những năm ấy, cà phê cũng có giá lắm. Chỉ sau mấy năm, gia đình chúng tôi đã có thu nhập khá. Phần dôi dư, chúng tôi dành để ủng hộ cách mạng. Rẫy cà phê của gia đình tôi từ đó trở thành địa điểm hoạt động bí mật, đồng thời là cầu nối tiếp tế thuốc men, lương thực cho anh em trong căn cứ.
Vợ chồng ông Phạm Tập hồi tưởng lại chuyện vẽ bản đồ Buôn Ma Thuột hơn 45 năm trước. Ảnh: N.T
Vợ chồng ông Phạm Tập hồi tưởng lại chuyện vẽ bản đồ Buôn Ma Thuột hơn 45 năm trước. Ảnh: N.T
Dừng lại nhấp ngụm nước trà đặc, ông Tập hồ hởi kể tiếp: Năm 1974, bằng dự cảm của người làm công tác quân báo, tôi đoán quân ta sẽ đánh lớn ở Tây Nguyên. Dự cảm đó khiến tôi nhiều đêm trăn trở: Phải làm một việc gì có ý nghĩa để góp phần vào chiến thắng chung? Nhớ lại cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968, trong trận đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột, quân ta bị thiệt hại khá nhiều. Một trong những nguyên nhân là do anh em không rành đường, không được cung cấp chính xác các vị trí bố phòng của địch nên khi chúng phản công, nhiều mũi rút ra bị rơi vào ổ phục kích của chúng. Vậy là, một ý nghĩ vụt sáng trong đầu tôi: Phải có một tấm bản đồ thật chi tiết về thị xã Buôn Ma Thuột để cung cấp cho quân ta. Đem ý nghĩ của mình bàn với nhạc phụ, cụ rất tán thành và bảo tôi phải tiến hành ngay. Vậy là bắt đầu từ hôm đó, cha con tôi âm thầm theo đuổi công việc mà chúng tôi cho là có ý nghĩa nhất trong đời hoạt động cách mạng của mình.
Tiếng là “thủ phủ Tây Nguyên” nhưng Buôn Ma Thuột không lớn và phức tạp như bây giờ. Cái khó ở đây là tấm bản đồ không chỉ làm nhiệm vụ chỉ đường mà còn phải cho quân ta biết cấu trúc trong các khu dân cư, vị trí bố phòng, lực lượng của địch. Để có thông tin chính xác, không cách nào khác là phải đến tận nơi quan sát. Vậy là ngày ngày, ăn sáng xong, ông Tập lại cưỡi xe vào thị xã. Bề ngoài thì ra vẻ hờ hững nhưng trong đầu thì cố gắng ghi lấy từng chi tiết đường sá dù là nhỏ nhặt nhất. Tối về, ông lại cùng bố vợ xoay trần ra đo vẽ. “Ban đầu, tôi đi hết các con đường chính. Khi phác thảo xong toàn bộ trục chính thì đi sâu vào các con đường nhỏ, hẻm. Tiếp đó là ghi nhớ tất cả những địa điểm có địch chiếm đóng cũng như những vị trí đóng quân trọng yếu của chúng để đưa vào bản đồ. Đây là công việc khó khăn và nguy hiểm. Không chỉ phải có cách tiếp cận khôn khéo, tôi phải huy động tất cả các mối quen biết để nắm thông tin. Cứ thế ròng rã 4-5 tháng trời, cha con tôi mới có đủ thông tin. Để thể hiện nó thành tấm bản đồ, cha con tôi phải dùng 4 tờ giấy vở học trò ghép lại. Ban đầu, chúng tôi vẽ phác bằng bút chì, sau khi đã kiểm tra kỹ lưỡng lại mới bắt đầu dùng bút bi để tô”-ông Tập nhớ lại.
Ngay sau khi vẽ xong tấm bản đồ, ông Phan Kim Ngọc liền gửi theo đường dây bí mật cho Trưởng ban An ninh H6. Hai tháng sau, ngày 10-3, trận tổng tấn công vào thị xã Buôn Ma Thuột mở màn. Trong tiếng pháo chuyển rung mặt đất, 2 cha con ông cố kìm nỗi hồi hộp dõi theo tình hình chiến sự. Và khi được tin Buôn Ma Thuột đã hoàn toàn giải phóng, mọi sự nỗ lực chống cự của địch bị đè bẹp thì nước mắt 2 cha con những muốn trào ra. Họ tin việc làm của mình đã góp phần nhỏ để làm nên chiến thắng… Niềm tin của cha con ông đã được khẳng định. Công lao đó đã được chép vào cuốn “Lịch sử Công an nhân dân” với những dòng trân trọng: “Gia đình ông Phan Kim Ngọc (Tám Ngọc) đã cung cấp cho ta bản đồ thị xã Buôn Ma Thuột, giúp ta xác định được hệ thống bố phòng, cũng như những mục tiêu quan trọng của địch trong thị xã như: Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, các đồn cảnh sát... giúp cho Bộ chỉ huy mặt trận bổ sung phương án tiến công địch”.
“Có kẻ địch nào thắng nổi ta khi mỗi người dân đều nghĩ tới nghĩa vụ của một người chiến sĩ”-ông Tập nói một câu đậm chất triết lý khi tiễn tôi ra cửa. Mái tóc bạc của người cựu chiến binh già như trong hơn giữa cái nắng tháng ba. Đã sắp tới kỷ niệm những ngày lịch sử 45 năm về trước…
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.