Tây Nguyên trong mùa xuân toàn thắng-Kỳ 3: Cuộc tháo chạy tán loạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “…Cuộc rút chạy này làm nhớ lại cuộc rút lui của quân Pháp khỏi Kon Tum năm 1954, đánh dấu bước đầu việc chấm dứt chế độ thực dân Pháp ở phần Nam nước Việt Nam, cũng như chiến thắng của Cộng sản ở Điện Biên Phủ, mở đầu cho sự cáo chung này ở miền Bắc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà chiến lược bậc thầy của Việt Minh trước đây đã viết rằng: Người nào kiểm soát được Tây Nguyên thì nắm được chìa khóa của Đông Dương. Ý kiến này đã được thực hiện…”-Frank Snepp-chuyên viên phân tích chiến lược của CIA viết trong cuốn “Cuộc tháo chạy tán loạn”.
MỆNH LỆNH RÚT CHẠY
Hy vọng vào cuộc phản kích để chiếm lại Buôn Ma Thuột tan thành mây khói. Lực lượng còn lại của địch lúc này đang bị ta căng ra tiêu diệt khắp nơi, chỉ còn 3 liên đoàn biệt động là tương đối nguyên vẹn đang bị vây hãm ở Pleiku, Kon Tum. Ngày 14-3, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu vội vã bay ra Cam Ranh tổ chức cuộc họp khẩn cấp với Phạm Văn Phú. Tướng Phú cho rằng: “Với lực lượng hiện có, chỉ giữ Tây Nguyên trong vòng một, hai tháng với điều kiện được không quân yểm trợ tối đa, tiếp tế không vận đầy đủ nhu cầu về vật liệu, vũ khí; bổ sung quân số đủ bù số thiệt hại nặng vừa qua”. Yêu cầu ấy làm Thiệu “tối mắt như nằm trong mộng” và cuối cùng, Thiệu quyết định: “Rút hẹp phòng tuyến, bỏ vùng rừng núi, co quân về giữ đồng bằng ven biển và các đô thị lớn, các đầu mối giao thông quan trọng chờ thời cơ sẽ phản công chiếm lại Tây Nguyên”.
Rút lui một lực lượng lớn đang bị bao vây, địch không có lối thoát nào khác ngoài đường số 7 nối thị xã Cheo Reo với Phú Yên. Chúng mong rút theo con đường rất xấu, đã lâu không được sử dụng đến sẽ tạo bất ngờ cho đối phương. Lực lượng tham gia cuộc rút chạy khoảng 20.000 tên, bao gồm 6 liên đoàn biệt động, 3 thiết đoàn, 6 tiểu đoàn pháo cùng toàn bộ guồng máy cảnh sát, dân vệ, hành chính của 2 tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Đó là chưa kể số thân nhân sĩ quan, binh lính và dân thường khoảng 2 vạn nháo nhác bám theo do luận điệu tuyên truyền “tắm máu” của chúng… Một biển người với cả một núi phương tiện chiến tranh bị dồn nén trên con đường độc đạo. Trong khi đó, mệnh lệnh rút chạy của Thiệu đã bị lộ ngay sau cuộc họp tại Cam Ranh. Ngày 15-3, thị xã Pleiku đã nhộn nhạo như ong vỡ tổ. Giá vé máy bay đi Sài Gòn vọt lên 40.000 đồng nhưng cũng không thể mua nổi. Phạm Văn Phú bỏ mặc cuộc tháo chạy cho Phạm Duy Tất điều khiển để chuồn trước. Tin này đã khiến địch vốn hoang mang lại càng thêm suy sụp. Ai cũng chỉ còn biết lo sao cho gia đình và bản thân chạy thoát. Sự bi đát, hỗn loạn trên con đường chết đã lộ rõ tự ban đầu…
 Ông Ksor Man (buôn Broăi, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa), nguyên sĩ quan pháo binh quân đội Sài Gòn nhớ lại: “Con lộ 7 hoang tàn bỗng chốc trở thành dòng thác hỗn mang. Rùng rùng xe pháo, rùng rùng những thác lính như đàn kiến khổng lồ cuống cuồng trong chảo nóng. Gần hai chục năm trời, qua đủ “vùng chiến thuật”, cả mùa hè đỏ lửa năm 1972 ở Quảng Trị, tôi cũng chưa bao giờ thấy cảnh tháo chạy tả tơi thế này. Đám lính pháo bị ép vào vệ đường rồi chìm nghỉm trong cơn lốc bụi. Bất lực, chúng tôi đành chịu né để đám quân hồi vô phèng vượt qua. Mải theo dòng cảm thán đau đớn, ngoảnh lại đã thấy bọn lính của tôi trốn gần hết tự khi nào. Mấy đứa còn lại thì nhớn nhác, tôi ra lệnh gì chúng cũng trân trân như điếc, chẳng coi chỉ huy ra gì nữa. Một linh cảm mách bảo tôi đang đứng trước nước cờ tàn, tốt nhất là hãy nhanh chân chuồn. Len lén nhìn quanh, ẩn mình vào đám le rậm, tôi đi nhanh về hướng buôn Broăi. Sự cẩn thận của tôi hóa thừa. Chẳng ai mảy may để ý gì tôi cả”.
 Người và xe ùn ứ trong cuộc rút chạy trên đường 7 (Ảnh tư liệu).
Người và xe ùn ứ trong cuộc rút chạy trên đường 7 (Ảnh tư liệu).
“ĐÁM XIẾC ĐIÊN”
Ngày 14-3, dấu hiệu rút chạy khỏi Tây Nguyên của địch đã được Bộ Tư lệnh chiến dịch nắm bắt và nhận định: Thời cơ lớn đã đến. Phải tiêu diệt toàn bộ lực lượng rút chạy, không cho chúng thoát về đồng bằng để xoay chuyển nhanh cục diện chiến tranh. Sư đoàn 320 được Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ thần tốc hành quân tiêu diệt địch trên đường số 7.
Đại tá Lê Văn Lan-nguyên Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 (lúc bấy giờ là Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48) kể: Từ Cẩm Ga (Đak Lak), chúng tôi được lệnh bằng mọi cách phải hành quân chiếm lĩnh trận địa trong thời gian ngắn nhất. Ô tô không có, biện pháp duy nhất lúc này là cắt rừng chạy bộ. Lốp xe đạp, giày dép trở thành đuốc. Gai cào tướp mặt, chân tóe máu cũng chẳng ai buồn để ý, chỉ lo quân địch chạy thoát. Suốt một ngày đêm ròng rã, rạng ngày 17-3, đại đội của tôi đã vào chiếm lĩnh trận địa. Gạo sấy, lương khô chiêu với nước lã qua quýt rồi vào trận ngay… Ngày 17, quân địch rút chưa đông lắm nhưng sang ngày 18, biết quân ta đã tiếp cận đường 7 và đang chốt chặn, chúng tăng cường cường độ rút chạy đồng thời tổ chức lại lực lượng để chống trả. Một trong những vị trí ác liệt nhất là điểm chốt đèo Tô Na. Hiểu rằng nếu không giải tỏa được chốt là tắc đường chạy, địch dùng xe tăng, thiết giáp và bộ binh chia làm nhiều mũi tấn công ác liệt, đồng thời gọi máy bay ném bom vào phía sau đội hình quân ta. Quyết không để địch chạy thoát, các chiến sĩ ta vẫn kiên cường bám chốt, bẻ gãy tất cả các đợt xung phong của địch khiến đội hình của chúng phải nghẽn lại. Trong lúc này, tại thị xã Cheo Reo, nơi đội hình địch đang dồn ứ trong các căn cứ, cuộc chiến đấu cũng diễn ra rất quyết liệt. Hiểu rằng đã đến bước đường cùng, địch dựa vào công sự, vật cản ra sức chống cự. Tuy nhiên, sự kháng cự tuyệt vọng của chúng không ngăn được sức tiến công vũ bão của ta. Nửa đêm 18-3, hầu hết các mục tiêu trong tiểu khu Cheo Reo đều bị tiêu diệt. Ta hoàn toàn làm chủ thị xã. Đến đây, quân địch thực sự rơi vào thế vỡ trận. Xe tăng, thiết giáp hàng ba, hàng tư chen lấn nhau, mạnh ai nấy vượt. Cầu Ơi Nu không chịu nổi sức nặng của những khối thép chen chúc đã đổ sụp. Đường tắc nghẽn. Khói lửa ngùn ngụt, đất đá bay mịt mùng, tiếng kêu thét hoảng loạn. Đường 7 phút chốc trở thành một địa ngục… Trong cuốn “Cuộc tháo chạy tán loạn” của Frank Snepp, một nhân vật đã ví von: “Đây là cuộc diễu hành của một đám xiếc phát điên. Voi đi trước, những người khác mặc sức lội trong bùn”.
“Chúng tôi cứ vận động men theo đường 7, chia cắt quân địch ra từng tốp mà tiêu diệt”-Đại tá Khuất Duy Hoan-nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 3 (bấy giờ là Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64) kể. Bọn lính lúc này gần như chẳng còn là lính nữa. Đứa cởi trần, đứa vứt bỏ quân phục mặc đồ dân. Chúng cướp xe dân, bắn lẫn nhau, cán bừa lên dân để giành chỗ chạy. Đường 7 ngổn ngang đồ lính, súng ống, xác xe bốc cháy. Chúng tôi lúc bấy giờ chỉ “khoái” săn xe tăng, nhất là lúc chiến sĩ Nguyễn Vi Hợi một mình bắn cháy 7 xe tăng địch (đồng chí Nguyễn Vi Hợi sau này được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân). Nhưng cũng chính vì sự “khoái” này mà tôi suýt chết. Đây cũng là một kỷ niệm chiến trường không bao giờ quên. Số là lúc ấy tôi giữ B40. Sau khi bắn chiếc xe tăng địch bung xích, bọn lính bỏ xe chạy, tôi đưa B40 cho cậu chiến sĩ rồi lấy khẩu AK tiến lại gần chiếc xe tăng, định bụng còn tên nào trong xe thì diệt nốt. Thế nào lại gặp một chiến sĩ bị thương. Tôi bảo: “Cậu chờ chút để tớ chui vào chiếc xe tăng kia xem có bông băng không”. Bỏ khẩu súng dưới đất, tôi trèo vào trong. Bất thình lình, hàng loạt đạn đỏ lừ bay đến chiu chíu ngoài thành xe. Giữa tình thế tiến thoái lưỡng nan vô tiền khoáng hậu, lối thoát bỗng lóe lên trong óc tôi. Khẽ nhoài người lên cửa xe, tôi tung một quả lựu đạn về phía trước rồi vọt ra vớ lấy khẩu súng và chạy. Được một quãng thì chiếc xe tăng bùng cháy bởi một loạt pháo bắn tới. Hóa ra chúng đã phát hiện “Việt cộng” chui vào xe và quyết tiêu diệt. Đúng là “chết đến đít còn cay!”.
Thảm cảnh của người dân trong cuộc “di tản” bởi luận điệu tuyên truyền của địch cũng là một bi kịch lớn, cho đến tận bây giờ nhiều người vẫn chưa quên. Người có của bị cướp bóc, phụ nữ bị hãm hiếp, trẻ em lạc cha mẹ… Đại tá Lê Văn Lan kể: “Hôm nổ súng chặn địch ở đoạn đèo Tô Na, giữa trận đánh đang ác liệt, bất ngờ một cô gái áo quần tơi tả vùng chạy sang với chúng tôi. Cô khóc nức nở kể rằng mình bị lính ngụy hãm hiếp. Nhiều người dân khác sau này được chúng tôi nấu cơm cho ăn đã kể rằng họ bị bọn lính trấn lột hết sạch của cải. Điều này chứng thực sau khi thu dọn chiến trường, chúng tôi bắt gặp rất nhiều tên lính chết mà trong túi phồng căng tiền vàng”.
Sau 8 ngày bị ta truy kích, toàn bộ tập đoàn quân tháo chạy của địch trên đường 7 chỉ còn khoảng 5.000 tên chạy về tới Tuy Hòa. Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng. Thời cơ tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam đã bắt đầu.
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).