Tây Nguyên trong mùa xuân toàn thắng - Kỳ 1: Đòn điểm huyệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiến dịch Tây Nguyên diễn ra cách đây đúng 45 năm được xem là đòn chiến lược then chốt mở đầu cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Thắng lợi của chiến dịch đã mở ra thời cơ trực tiếp để quân và dân ta tiến lên thực hiện quyết tâm giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.  
Nhật báo Le Monde (Pháp) số ra ngày 21-3-1975 viết: “Chỉ trong vài ngày, bản đồ quân sự miền Nam Việt Nam đã đảo lộn. Chỉ có trận Buôn Ma Thuột mà từng mảng cấu trúc do chế độ Thiệu dựng lên bị sụp đổ. Hóa ra, Buôn Ma Thuột mang cái đà của một bước ngoặt trong cuộc xung đột, đến nay đã được 30 năm…”.
QUYẾT ĐỊNH MỞ CHIẾN DỊCH
Tháng 3-1975, hoa pơ lang vẫn nở đỏ trời. Đâu đó, tiếng chiêng vẫn vờn mặt nước. Mùa rẫy mới sắp bắt đầu với những cụm khói mỏng manh như tơ giữa trời xanh ngăn ngắt. Song cái vẻ bình yên ấy dường như có một cảm giác mong manh, một cái gì đang sắp sửa diễn ra. Sự linh cảm của người dân sống trên dải đất bazan mênh mông này một lần nữa lại đúng trong cái tháng đẹp nhất cao nguyên.
…Đêm 25-2-1975, tại Sở Chỉ huy chiến dịch đóng giữa một cánh rừng già cách buôn Ya Wầm khoảng 3 km về phía Đông Đak Lak, Đại tướng Văn Tiến Dũng đại diện Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Tư lệnh chiến dịch do Trung tướng Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh, Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên, chọn thị xã Buôn Ma Thuột để đánh trận then chốt cùng phương án tác chiến, quyết tâm chiến dịch đã được ký thông qua.
Theo kế hoạch, Chiến dịch Tây Nguyên sẽ diễn ra với những trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Để tạo đòn điểm huyệt bất ngờ, trước hết phải nhử địch tập trung về hướng Kon Tum, Pleiku; đánh chiếm, cắt đứt các đường 14, 19, 21 nhằm cô lập địch ở Tây Nguyên với đồng bằng; bao vây, vô hiệu hóa lực lượng chủ yếu của chúng tại Pleiku, Kon Tum; tập trung lực lượng chiến dịch đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột; phát triển tiến công Cheo Reo, Gia Nghĩa, giải phóng 3 tỉnh Tây Nguyên; chiếm lĩnh địa bàn chiến lược trọng yếu để tạo điều kiện và thời cơ tiến công các hướng khác theo yêu cầu chiến lược… Các đơn vị được huy động cho chiến dịch gồm các Sư đoàn: 10, 320, 316, 968; Trung đoàn Đặc công 198, Trung đoàn Tăng thiết giáp 273 cùng 4 trung đoàn bộ binh khác.
Ngày 25-2-1975, tại một cánh rừng ở Đak Lak, Đại tướng Văn Tiến Dũng và Bộ Tư lệnh chiến dịch họp, quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên (Ảnh tư liệu).
Ngày 25-2-1975, tại một cánh rừng ở Đak Lak, Đại tướng Văn Tiến Dũng và Bộ Tư lệnh chiến dịch họp, quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên (Ảnh tư liệu).
LẠC GIỮA TRẬN ĐỒ…
“Những ngày đầu tháng 1-1975, chúng tôi đã nhận được lệnh chuẩn bị cho một chiến dịch lớn nhưng cụ thể thì chưa biết diễn ra ở đâu”-hồi ức của cố Đại tá Phạm Chào-nguyên Cục trưởng Cục Chính trị Quân đoàn 3, lúc bấy giờ là Chính trị viên Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 66, Sư đoàn 10) nhắc nhớ. Những hoạt động nghi binh-cả một số cán bộ, chiến sĩ lúc bấy giờ cứ tưởng là thật diễn ra dồn dập: Máy vô tuyến 15W bật hết công suất, liên tục phát đi các mệnh lệnh chuẩn bị tấn công địch ở vị trí nọ, vị trí kia. Rồi những trận địa giả được dựng lên khắp nơi. Đêm đêm những đoàn xe tải, xe kéo pháo bật đèn rầm rập chạy về hướng Kon Tum. Tại thị trấn Tân Cảnh, những khẩu hiệu đại loại “Nhiệt liệt chào mừng bộ đội về giải phóng Kon Tum”, “Quyết tâm giải phóng thị xã Kon Tum” được căng khắp nơi. Cùng với đó, những trận đánh nhỏ trên các tuyến đường 14, 19 diễn ra dồn dập. Nhân dân trong vùng giải phóng nô nức, dân trong vùng thị xã rục rịch chuẩn bị tản cư. Ai cũng tin chắc một trận tấn công tổng lực vào Kon Tum đang sắp sửa... Những hoạt động nghi binh khéo léo đã đánh lừa được địch. Tin chắc thị xã Kon Tum sắp bị tấn công, tướng Phạm Văn Phú-Tư lệnh Quân khu II vội vã điều 4 liên đoàn biệt động đến tăng cường, đồng thời đưa thêm liên đoàn biệt động 23 và 2 trung đoàn 44, 45 về phòng ngự Pleiku.
Trong khi đó, đại quân ta lần lượt bí mật hành quân về hướng Buôn Ma Thuột, chỉ để một bộ phận nhỏ ở lại tiếp tục làm công việc nghi binh. Vẫn theo hồi ức của cố Đại tá Phạm Chào: “Chúng tôi hành quân bộ 1 ngày, sau đó bằng xe cơ giới. Tới vị trí tập kết, bụi đường quyện với mồ hôi trên người chúng tôi rộp lên, bong ra như chiếc bánh đa. Chỉ cách Buôn Ma Thuột từ 15 đến 20 km nhưng bọn thám báo, máy bay địch suốt ngày quần đảo mà chẳng phát hiện được gì. Không những thế, năm ấy, chúng tôi còn tổ chức được một cái Tết khá tươm tất: Mỗi người có một chiếc bánh chưng, một gói ruốc thịt, nửa gói Tam Đảo và kẹo Hải Châu chuyển từ hậu phương vào. Trong lán trại, chúng tôi còn bày cả bàn thờ, viết câu đối, chặt mai rừng về cắm. Một không khí phấn khởi, lạc quan bao trùm…”. Frank Snepp-nhân viên phân tích chiến lược của CIA-sau này đã viết trong “Cuộc tháo chạy tán loạn”: “Ở sứ quán Mỹ tại Sài Gòn, chúng tôi không hề biết Đại tướng Văn Tiến Dũng đang ở miền Nam Việt Nam, lại cũng không hề biết ông ấy đặt sở chỉ huy ở Buôn Ma Thuột và đang chuẩn bị tiến công thị xã. Quân tiếp viện Bắc Việt Nam kéo vào vùng này không hề ai hay biết…”.
ĐÒN CHOÁNG VÁNG
Từ ngày 8 đến 10-3-1975, sau khi tiêu diệt quận lỵ Thuận Mẫn và Đức Lập, lúc 6 giờ 30 phút ngày 10-3, pháo binh ta bắt đầu trút bão lửa xuống các mục tiêu, mở đường cho 5 cánh quân ào ạt tấn công thị xã Buôn Ma Thuột. Kho Mai Hắc Đế, Sân bay Hòa Bình, Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy… rung chuyển trước sức tấn công mạnh mẽ bởi các binh chủng hợp thành của ta. Đại tá Nguyễn Trọng Luật-Chỉ huy trưởng tiểu khu Đak Lak hoảng sợ bỏ trốn sang hầm ngầm của Phó Tư lệnh Sư đoàn 23 Vũ Thế Quang… Trải qua một ngày chiến đấu ác liệt, 2 trong 3 mục tiêu quan trọng của địch ở thị xã Buôn Ma Thuột gồm Sở chỉ huy tiểu khu Đak Lak, sân bay thị xã đã bị quân ta chiếm phần lớn. Sư đoàn 23 ngụy bị vây chặt. Toàn bộ quân địch trong thị xã hoang mang, dao động… Chớp thời cơ, sau 1 đêm củng cố đội hình, bổ sung phương án tác chiến, sáng 11-3, các cánh quân của ta đồng loạt nổ súng tấn công đợt 2. Đến 10 giờ, ngọn cờ chiến thắng của ta đã tung bay trên nóc Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Đại tá Nguyễn Trọng Luật cùng Vũ Thế Quang cải trang chạy trốn nhưng không thoát. Buôn Ma Thuột-thủ phủ của Tây Nguyên với 12 vạn dân đã được giải phóng.
“Đã từng đương đầu với mọi phương tiện chiến tranh hiện đại của địch, vậy mà vào thị xã chúng tôi vẫn phải sửng sốt trước sự hùng hậu của guồng máy chiến tranh ấy”-cố Đại tá Phạm Chào nhớ lại. Trên 3.000 súng các loại, trong đó có 42 khẩu pháo lớn, hơn 760 xe cơ giới, hàng triệu lít xăng dầu, hàng vạn tấn đạn bị ta thu giữ, chưa kể số bị phá hủy; quân trang, quân dụng ngổn ngang, lương thực, thực phẩm đủ sức nuôi cả quân đoàn ta hàng tháng trời… Đây cũng là điều minh chứng cho việc giải phóng Buôn Ma Thuột không hề dễ dàng như có người lầm tưởng. Trận tấn công Sân bay Hòa Bình, kho Mai Hắc Đế, Ngã sáu, Căn cứ 53…, bộ đội ta hy sinh không ít. Kết thúc trận đánh chỉ có 197 người nguyên vẹn. Làm chủ một guồng máy chiến tranh hùng hậu, hiện đại nhưng sự sai lầm về mặt chiến lược của địch đã không thể vớt vát nổi sự chống cự tuyệt vọng của binh sĩ chúng. Trong khi quân ta với khí thế “Trường Sơn chuyển mình, Pô Cô dậy sóng”, người trước ngã, người sau tiến; không một ai thoái lui, run sợ… Và sự giúp đỡ của nhân dân, không chỉ về mặt tinh thần mà còn là hiệu quả thực tế trong từng trận đánh.
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).