Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tăng cường bố trí các tàu trực, tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển trọng điểm, sẵn sàng xử lý khi có tình huống xảy ra, kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền Biển Đông.
|
Tàu KN-463 của Chi đội Kiểm ngư 4 làm nhiệm vụ trực bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư trường - ngư dân khai thác thủy sản... tại khu vực đảo Đá Lớn (Trường Sa, Khánh Hòa). Ảnh: Mai Thanh Hải |
Trong trả lời kiến nghị của cử tri về bảo vệ chủ quyền Biển Đông, Bộ Quốc phòng cho biết, tình hình Biển Đông thời gian gần đây diễn biến phức tạp. Trung Quốc không từ bỏ tham vọng “độc chiếm Biển Đông” bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế, ngày càng củng cố sự hiện diện, khả năng kiểm soát trên thực địa.
|
Tàu Trường Sa 14 thuộc lữ đoàn 955 (Bộ tư lệnh Vùng 4 hải quân) làm nhiệm vụ trực tại khu vực đảo chìm Trường Sa. Ảnh: Mai Thanh Hải |
Nội dung trả lời kiến nghị cử tri của Bộ Quốc phòng cũng cho biết Trung Quốc tăng cường sử dụng đòn bẩy ngoại giao và kinh tế, tác động, lôi kéo các nước ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông; chủ động thể hiện “tích cực” xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với các nước ASEAN để xoa dịu tình hình, làm giảm can dự của Mỹ và các nước lớn vào vấn đề Biển Đông.
Trong khi đó, trên thực địa, Trung Quốc đẩy mạnh thăm dò, khảo sát dầu khí trên Biển Đông, đẩy mạnh hoạt động xâm phạm vùng biển các nước, trong đó có Việt Nam.
|
Tàu 561 của Bộ tư lệnh vùng 4 hải quân và tàu 740 của quân chủng hải quân làm nhiệm vụ tại khu vực đảo chìm Núi Le (Trường Sa). Ảnh: Mai Thanh Hải |
Trước tình hình trên, các lực lượng chức năng của Bộ Quốc phòng đã quán triệt và duy trì nghiêm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; bố trí các tàu trực, tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển trọng điểm, sẵn sàng xử lý khi có tình huống xảy ra, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
|
Tàu vận tải đổ bộ 521 (hải đội 413, lữ đoàn 955, Bộ tư lệnh vùng 4 hải quân) trực tại khu vực đảo chìm Tốc Tan (trường Sa) - Ảnh: Mai Thanh Hải |
Đặc biệt, Bộ Quốc phòng đã tăng cường lực lượng tàu trực tại các vùng biển trọng điểm, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành động xâm phạm chủ quyền biển, đảo của các nước, sẵn sàng các phương án xử trí không để bị bất ngờ, xử lý tốt các tình huống diễn ra trên biển...
|
Một tàu chiến đấu của hải quân Việt Nam trực sẵn sàng chiến đấu tại khu vực Đá Tây (Trường Sa) - Ảnh: Mai Thanh Hải |
Tình hình Biển Đông phức tạp
Từ ngày 4.7 - 24.10.2019, Trung Quốc đã 4 lần đưa tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 và các tàu bảo vệ xâm phạm vùng biển Việt Nam, khu vực phía bắc nhà giàn DK1 và 9 lô Trung Quốc mời thầu trái phép năm 2012.
Hành động của tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
Cùng với hoạt động của Trung Quốc, các hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền của các nước trong khu vực và sự can dự của các nước lớn ngoài khu vực vào Biển Đông đã làm cho tình hình Biển Đông trở nên phức tạp thêm. |
Một số hình ảnh tàu trực làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các nhiệm vụ khác ở một số vùng biển trọng điểm trên Biển Đông:
|
Tàu hộ vệ tên lửa và vận tải quân sự của Vùng 4 hải quân neo cạnh đảo Song Tử Tây (Trường Sa) - Ảnh: Mai Thanh Hải |
|
Tàu 883 của Quân chủng hải quân làm nhiệm vụ trên vùng biển Trường Sa - Ảnh: Mai Thanh Hải |
|
Tàu hải quân Việt Nam trực tại khu vực đảo Sinh Tồn (Trường Sa) - Ảnh: Mai Thanh Hải |
|
Bên cạnh các tàu hải quân, lực lượng tàu Kiểm ngư của Bộ NN&PTNT cũng đóng vai trò nòng cốt bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển đảo Tổ quốc. Hình: 2 tàu Kiểm ngư trực tại khu vực nhà giàn DK1 - Ảnh: Mai Thanh Hải |
|
Tàu Kiểm ngư và Cảnh sát Biển trực tại khu vực biển Phú Quý (Bình Thuận) - Ảnh: Mai Thanh Hải |
|
Tàu Cảnh sát biển trực trên khu vực biển miền Trung - Ảnh: Mai Thanh Hải |
|
Tàu Cảnh sát biển 8002 trực bảo vệ chủ quyền và bảo vệ ngư trường tại khu vực biển Lý Sơn (Quảng Ngãi) - Ảnh: Mai Thanh Hải |
|
Biên đội tàu hộ vệ tên lửa 011, 012 của lữ đoàn 162, Bộ tư lệnh vùng 4 hải quân tuần tra ở Trường Sa, ngang qua đảo Phan Vinh A. - Ảnh: Mai Thanh Hải |
|
Các tàu Cảnh sát biển thuộc Hải đoàn 201, Bộ tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2 (Núi Thành, Quảng Nam) trực chiến, sẵn sàng xuất kích làm nhiệm vụ - Ảnh: Mai Thanh Hải |
Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền Biển Đông
Bộ Quốc phòng tiếp tục nhấn mạnh chủ trương bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam là: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, giữ vững 21 đảo (33 điểm đóng quân) ở quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao và pháp lý với chuẩn bị phương án quân sự, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Giữ môi trường hòa bình, ổn định, giữ quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước để phát triển đất nước; xử trí tình huống trên cơ sở Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982, luật Biển Việt Nam năm 2012 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Giữ vững đường lối độc lập, tự chủ và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế”.
|
Theo Mai Thanh Hải (thanhnien)