Làm việc với đoàn có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và 17 huyện, thị xã, thành phố.
Nhiều kiến nghị, đề xuất
Báo cáo với đoàn công tác, Giám đốc Sở TN-MT Phạm Minh Trung đã nêu nhiều kiến nghị từ thực tế vướng mắc của địa phương. Cụ thể, UBND tỉnh đề nghị Bộ TN-MT có thông tin hướng dẫn về việc chuyển các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai về UBND cấp huyện quản lý, điều hành để thuận lợi hơn trong việc giải quyết các thủ tục về đất đai của công dân.
Hiện tại, Gia Lai chưa có tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh; đối với cấp huyện thì chỉ có ở TP. Pleiku, các huyện còn lại không thành lập. Vì vậy, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ còn không ít bất cập, chưa có đơn vị có chức năng để UBND tỉnh giao một số dự án khai thác quỹ đất trên địa bàn tỉnh. Do đó, tỉnh đề nghị Bộ TN-MT quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn thành lập tổ chức phát triển quỹ đất.
Ngoài ra, hiện nay, tỉnh chưa ban hành quyết định quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện thủ tục hành chính như: tách thửa đồng thời với thủ tục hợp thửa, chuyển mục đích sử dụng đất đồng thời với thủ tục hợp thửa đất đang ảnh hưởng đến quyền người sử dụng đất, phát sinh khiếu nại, khiếu kiện, Giám đốc Sở TN-MT đề nghị Bộ quan tâm hướng dẫn địa phương sớm ban hành quy định cụ thể về các điều kiện trên.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đ.T |
Bên cạnh đó, Quy hoạch tỉnh đã phê duyệt có phát sinh một số công trình, dự án và chỉ tiêu sử dụng đất so với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, quy hoạch xây dựng chung của thị xã An Khê, Ayun Pa và TP. Pleiku đã được phê duyệt, một số chỉ tiêu sử dụng đất của quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 chưa thể hiện trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất do tại thời điểm lập quy hoạch chưa xác định được công trình, dự án và vị trí trên thực địa.
“Căn cứ quy định và tình hình thực tế nêu trên, đề nghị Bộ TN-MT hướng dẫn có phải lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của thị xã An Khê, Ayun Pa và TP. Pleiku theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 hay không?”-ông Trung nêu ý kiến.
Liên quan đến một số dự án tự điều chỉnh kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường chuyển từ dự án thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường sang dự án không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường, ông Trung đề nghị Bộ TN-MT quy định rõ, những trường hợp tự điều chỉnh, thay đổi so với kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thì phải có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.
Cùng với đó, đề nghị Bộ TN-MT xem xét ban hành quy chuẩn kỹ thuật quy định phương pháp xác định, thang đo, quy định các tổ chức, cá nhân nào đủ điều kiện để xác định “mùi khó chịu, hôi thối”; ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn cụ thể các quy trình, quy định về bảo vệ môi trường theo từng quy mô chăn nuôi…
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác của Bộ TN-MT đã trao đổi về những khó khăn, vướng mắc và trả lời các kiến nghị, đề xuất của tỉnh. Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất Đào Trung Chính cho biết: Mô hình hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở TN-MT có chi nhánh cấp huyện vẫn tiếp tục được duy trì nhưng chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ công, tách giữa trách nhiệm hành chính ra khỏi cơ quan hành chính.
Trước đây, chi nhánh này hỗ trợ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu nhưng giờ chức năng này giao cho phòng TN-MT; đồng thời, do liên quan đến việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai nên vẫn giữ mô hình này.
Đối với việc thành lập tổ chức phát triển quỹ đất, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất cho rằng, căn cứ tình hình thực tế, tỉnh có quyền thành lập tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh hay cấp huyện. Hiện Gia Lai chưa có tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh; Luật Đất đai 2024 cũng quy định rất nhiều chức năng, nhiệm vụ trong việc phát triển quỹ đất.
Do đó, ông Chính khuyến nghị tỉnh thành lập tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh để triển khai công việc theo Luật Đất đai mới. Còn đối với quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất cho biết sẽ tiếp thu kiến nghị của tỉnh, đồng thời cho rằng đây là nhiệm vụ của địa phương.
Theo đó, Luật Đất đai 2024 đã quy định cụ thể căn cứ pháp lý để các địa phương ban hành, vì vậy dựa vào loại đất ở đô thị, nông thôn, hạn mức, diện tích để địa phương quy định mới phù hợp thực tế.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đ.T |
Đại diện các cục, vụ chức năng của Bộ TN-MT cũng tập trung tháo gỡ, hướng dẫn cụ thể đối với những kiến nghị liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và về giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cho thuê rừng; việc cấp giấy phép khai thác tận thu cát xây dựng trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi; việc sửa đổi một số quy định để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; cấp bổ sung kinh phí đối với các nhiệm vụ, dự án thuộc Bộ TN-MT quản lý do Gia Lai đang thực hiện trên địa bàn tỉnh cùng một số vướng mắc trong công tác thủy lợi và phòng-chống thiên tai…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà tỉnh đã đạt được trong công tác quản lý trên lĩnh vực TN-MT trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định, Luật Đất đai 2024 có rất nhiều điều khoản quy định cụ thể, phân cấp phân quyền cho các địa phương thực hiện nên đề nghị tỉnh sớm xây dựng chi tiết bảng giá đất trình HĐND tỉnh thông qua sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề liên quan đến đầu tư, phát triển ở địa phương.
Đặc biệt, thời gian tới, có đến 70% khối lượng công việc trên lĩnh vực khoáng sản, môi trường, đất đai sẽ do cấp tỉnh quyết định được phân cấp về cho địa phương nên tỉnh cần có phương án bổ sung lực lượng để đáp ứng với khối lượng công việc cũng như nhiệm vụ được giao.
Lãnh đạo tỉnh Gia Lai tặng bức tranh thác Hang Én (thuộc huyện Kbang, là 1 trong những điểm đến đẹp nhất của Gia Lai) cho đoàn công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Đ.T |
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị: Thời gian tới, tỉnh cần quan tâm, chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nhằm đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác quản lý và đảm bảo nguồn thu tiền sử dụng đất; tập trung rà soát đất nông-lâm trường có sự tranh chấp, xâm lấn, cổ phần hóa; quản lý tốt công tác khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng; chú trọng quan sát địa chất.
Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ TN-MT đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, cần tính đến việc đầu tư xây dựng nhà máy phân loại, thu gom, xử lý rác thải tập trung; xây dựng hệ thống nước thải tập trung trong các cụm công nghiệp tránh việc gây ô nhiễm môi trường.
Để ứng phó với tình hình nắng nóng, hạn hán có thể xảy ra, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị tỉnh cần có giải pháp cụ thể trong việc điều tiết, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả; thường xuyên chỉ đạo về phòng cháy, chữa cháy rừng…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cảm ơn Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh và đoàn công tác đã dành thời gian làm việc và có những ý kiến quý báu chia sẻ với tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy thông tin: Gia Lai là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn, đứng thứ 2 cả nước với nhiều tiềm năng, lợi thế về đất, nước, rừng, khí hậu, đặc biệt là về nông nghiệp… Các tiềm năng này đều có mối liên quan mật thiết với lĩnh vực TN-MT.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên mong rằng, thời gian tới, Bộ TN-MT cùng tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp; đồng thời đề nghị Bộ có hướng dẫn bằng văn bản đối với các vấn đề tỉnh kiến nghị, đề xuất để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý TN-MT.