(GLO)- Những năm qua, xã Tân Bình (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất rau xanh theo hướng hàng hóa.
Tân Bình là xã có diện tích rau lớn của huyện Đak Đoa. Tuy nhiên, việc sản xuất của người dân nơi đây còn manh mún, thị trường tiêu thụ bấp bênh nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Trước thực tế đó, xã Tân Bình đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để giúp người dân sản xuất rau xanh an toàn theo hướng hữu cơ và hình thành vùng chuyên canh rau xanh, tạo nguồn thu nhập ổn định. Từ các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, UBND xã đã cấp hỗ trợ hạt giống rau xanh, phân bón cho người dân; mở lớp tập huấn kiến thức về sản xuất rau xanh; triển khai các mô hình thâm canh rau xanh. Đặc biệt, xã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện triển khai mô hình trồng rau an toàn theo hướng hữu cơ với quy mô 1,5 ha. Mô hình đảm bảo theo quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, xử lý hạt giống, bón phân đến phòng trừ sâu bệnh theo hướng sinh học để đưa ra thị trường sản phẩm rau an toàn, chất lượng. Đến nay, người dân trong xã đã nhân rộng mô hình này lên hơn 10 ha.
Gia đình ông Trần Văn Cảnh đang chuẩn bị đất để trồng cải củ. Ảnh: G.H |
Gắn bó với nghề trồng rau đã lâu, ông Trần Văn Cảnh (thôn 3) cho hay: “Với hơn 1 ha đất, gia đình tôi chọn trồng rau xanh để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, giá rau xanh rất bấp bênh. Vụ nào may mắn được giá thì có thể lãi vài trăm triệu đồng nhưng cũng có lúc giá cả xuống thấp, không tiêu thụ được thì lỗ vốn đầu tư, công chăm sóc. Mong muốn của tôi là làm sao sản xuất nguồn rau sạch để cung cấp cho người tiêu dùng. Vì vậy, những năm qua, gia đình tôi đã sản xuất rau xanh theo hướng hữu cơ, sử dụng phân hữu cơ là chủ yếu. Việc sử dụng phân hữu cơ sẽ giúp đất tơi xốp lâu hơn. Tôi rất vui khi nghe tin xã đang chuẩn bị thành lập hợp tác xã nông nghiệp sản xuất rau xanh để giúp nông dân có đầu ra ổn định hơn”.
Tương tự, anh Võ Xuân Phúc có thâm niên hơn 10 năm trồng rau xanh ở cánh đồng thôn 3 cho biết: “Gia đình tôi có hơn 5 sào đất chỉ chuyên sản xuất rau xanh. Mùa nào thì rau đó, mỗi năm tôi trồng được 3 vụ. Hiện khó khăn nhất đối với những hộ trồng rau xanh ở khu vực cánh đồng thôn 3 là đường vào khu sản xuất chưa có nên chi phí vận chuyển sản phẩm tăng cao. Ngoài ra, do chưa liên kết được với doanh nghiệp, nhà máy chế biến nên giá rau của chúng tôi còn bấp bênh và phụ thuộc vào thị trường”.
Hiện nay, diện tích rau xanh của xã Tân Bình ổn định ở mức 200 ha với các loại như: cà chua, cải xanh, cải bắp, cải củ, cà rốt, su su, khổ qua, bầu, bí và đậu đỗ các loại. Người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như tưới nước bằng béc phun mưa nhằm giảm chi phí nhân công, tiết kiệm nguồn nước, tăng năng suất cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế...
Trao đổi với chúng tôi về hướng phát triển sản xuất rau xanh trong thời gian tới, bà Bùi Thị Mỹ Dung-Chủ tịch UBND xã Tân Bình, cho biết: Cùng với cà phê và hồ tiêu thì rau xanh được coi là cây trồng chủ lực trên địa bàn xã. Tuy nhiên, thời gian qua, các hộ dân sản xuất rau xanh vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ và chưa được liên kết nên đầu ra không ổn định. Để hình thành vùng chuyên canh rau xanh và tạo sự liên kết giữa nông dân với nhà máy trong khâu tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo ổn định về đầu ra, địa phương đã triển khai một số giải pháp. Trước mắt, từ nay đến cuối năm, xã sẽ thành lập một hợp tác xã nông nghiệp để đứng ra liên kết, tìm kiếm các đối tác, ký kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
“Chúng tôi cũng đã liên hệ với lãnh đạo Trung tâm Chế biến Rau quả DOVECO (Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao) để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Qua danh mục cây trồng mà Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao liên kết với nông dân sản xuất, chúng tôi thấy một số loại như: bắp ngọt, rau chân vịt, đậu tương phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Theo đó, chúng tôi sẽ làm việc với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Trung tâm Chế biến Rau quả DOVECO để liên kết trong sản xuất rau xanh”-Chủ tịch UBND xã Tân Bình cho biết thêm.
Gia Hưng