Sản xuất nông nghiệp sạch vì sức khỏe cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Hướng đến mục tiêu thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”, bên cạnh đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, xây dựng không gian xanh trong lòng đô thị, Pleiku đã và đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch. Không những nâng cao giá trị kinh tế, sản xuất nông nghiệp sạch còn góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn cho sức khỏe của người dân.

Sản xuất thân thiện với môi trường

Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku) là đơn vị đầu tiên của tỉnh Gia Lai được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp chứng nhận “Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Ông Nguyễn Nam Phong-Phó Giám đốc Công ty-cho biết: Ngay từ khi thành lập, Công ty đã xác định mục tiêu sản xuất những sản phẩm rau củ quả chất lượng, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn cho người sản xuất lẫn tiêu thụ. Chính vì vậy, Công ty đã đầu tư làm nhà lồng trên toàn bộ diện tích đất sản xuất nhằm tạo môi trường sống và sinh trưởng tốt cho cây trồng, tránh các loại sâu bệnh hại.

Đồng thời, Công ty xây dựng hệ thống nhà xưởng, đầu tư công nghệ sơ chế rau củ quả hiện đại, tránh thất thoát sau thu hoạch và đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện toàn bộ diện tích sản xuất của Công ty đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

“Nhờ trồng trong môi trường được bảo vệ tốt nên các loại rau củ quả sinh trưởng, phát triển tốt và hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Tất cả chất thải trong nông nghiệp được chúng tôi tận dụng để ủ với các loại chế phẩm sinh học nhằm tạo ra phân bón hữu cơ. Không những góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường sản xuất, an toàn cho người tiêu dùng mà quy trình sản xuất này còn mang lại giá trị kinh tế lớn hơn. Hiện nhu cầu sử dụng các loại rau sạch của người dân trong và ngoài tỉnh rất lớn. Bình quân mỗi tháng, Công ty xuất đi khoảng 100 tấn rau củ quả cho các siêu thị, doanh nghiệp tại Bình Định, Kon Tum, Đak Lak…”-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú thông tin thêm.

Công nhân Công ty TNHH một thành viên Hương đất An Phú chuẩn bị nguồn rau VietGAP đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Q.T

Công nhân Công ty TNHH một thành viên Hương đất An Phú chuẩn bị nguồn rau VietGAP đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Q.T

Gia Lai nói chung và Pleiku nói riêng có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, người dân chủ yếu canh tác theo lối truyền thống, sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao mà còn gây hại cho môi trường và sức khỏe con người.

Trăn trở trước thực tế đó, năm 2018, Thạc sĩ Sinh học Phạm Thị Mơ (tổ 4, phường Yên Thế) đã bỏ công việc ổn định ở Đồng Nai để về quê lập nghiệp. Từ những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình công tác cũng như kiến thức đã học, chị Mơ đầu tư xây dựng nhà màng, ứng dụng công nghệ cao vào trồng rau quả sạch. Nhà màng không những cách ly nguồn sâu bệnh hại từ bên ngoài mà còn hạn chế tác động của thời tiết, có thể trồng rau quả được quanh năm nên năng suất, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Chỉ với hơn 1.200 m2 nhà màng trồng chủ yếu là cà chua và dưa baby theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi năm, gia đình chị Mơ có thu nhập gần 400 triệu đồng.

Vườn rau sạch trong nhà màng của chị Phạm Thị Mơ. Ảnh: N.D

Vườn rau sạch trong nhà màng của chị Phạm Thị Mơ. Ảnh: N.D

Chị Mơ cho hay: “Bên cạnh mục tiêu tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người dân và góp phần bảo vệ môi trường xung quanh, tôi cũng mong muốn mô hình sẽ là điểm tham quan, trao đổi kinh nghiệm cũng như làm thay đổi tư duy của người dân trong việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất để tăng giá trị kinh tế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thời gian tới, tôi tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích nhà màng trồng thêm một số loại rau quả và hoa để đón khách đến tham quan, trải nghiệm làm nông nghiệp và tự tay thu hoạch sản phẩm sạch”.

Thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Theo ông Trần Tấn Quang-Phó Trưởng phòng Kinh tế TP. Pleiku, để nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, thực hành nông nghiệp tốt, thành phố thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi; quan tâm triển khai, phổ biến, hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng-chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; hướng dẫn các biện pháp quản lý và phòng trừ dịch hại trên cây trồng cũng như hiệu quả trong việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và chuyển đổi cơ cấu cây trồng…

Đặc biệt, trong năm 2022, thành phố đã đầu tư khoảng 1,9 tỷ đồng triển khai một số dự án nông nghiệp công nghệ cao như: xây dựng nhà màng với diện tích 1.000 m2 để làm vườn ươm cây phục vụ cho công tác trồng, trang trí đô thị và phát triển nông nghiệp; đầu tư hơn 4,2 tỷ đồng thực hiện 4 mô hình áp dụng đồng bộ nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, thành phố cũng đầu tư xây dựng 2 kho lạnh bảo quản củ lay ơn giống nhằm cung cấp cho nhu cầu sản xuất của người dân…

Người dân xã Tân Sơn đầu tư trồng cà chua Cherry theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Q.T

Người dân xã Tân Sơn đầu tư trồng cà chua Cherry theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Q.T

Thành phố Pleiku có 9.846 ha đất nông nghiệp, trong đó, hơn 2.100 ha trồng lúa, gần 3.000 ha trồng cây hàng năm và hơn 4.700 ha trồng cây công nghiệp dài ngày. Tuy nhiên, thành phố mới chỉ có 18,7 ha rau, hoa, quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; trên 22 ha sản xuất trong nhà lồng, nhà màng; 27 cơ sở sản xuất kinh doanh nấm dược liệu, nấm ăn; 2.542 ha rau màu áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước…

Phó Trưởng phòng Kinh tế TP. Pleiku cho biết thêm: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp, tránh tình trạng sử dụng các loại thuốc bảo vệ nằm trong danh mục cấm sử dụng. Đồng thời, tích cực vận động người dân sản xuất theo hướng hữu cơ, xanh, sạch, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe. Cùng với đó, chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ người dân các làng dân tộc thiểu số cải tạo vườn tạp, phát triển thành vườn cây ăn quả như sầu riêng, bơ, mít, vú sữa... vừa mang lại giá trị kinh tế cao, vừa tạo không gian xanh-sạch-đẹp trong lòng đô thị để phục vụ cho du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp”.

Trao đổi với P.V, ông Đỗ Việt Hưng-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho hay: Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XII về “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững trên địa bàn thành phố đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”, ngành nông nghiệp địa phương đã có những chuyển biến tích cực.

Để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, thời gian tới, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, phường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt; tập trung chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị kinh tế cũng như bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.

“Đặc biệt, thành phố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp lớn vào đầu tư hạ tầng nông nghiệp, xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao, các nhà máy sơ chế, chế biến nông sản đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường. Từ đó, từng bước hình thành thói quen trong sản xuất và tiêu dùng bảo vệ môi trường của người dân, hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”-Chủ tịch UBND TP. Pleiku thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Nâng tầm giá trị hạt cà phê

Nâng tầm giá trị hạt cà phê

(GLO)- Minh bạch đầu vào, đảm bảo chất lượng đầu ra, từng bước nâng tầm giá trị hạt cà phê là hướng đi của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã ở Gia Lai để xây dựng ngành hàng cà phê bền vững, vươn tới các thị trường khó tính.

Nay Yer: Người uy tín làm kinh tế giỏi

Nay Yer: Người uy tín làm kinh tế giỏi

(GLO)- Những năm qua, ông Nay Yer (buôn Mi Hoan, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) luôn được bà con yêu mến, tin tưởng. Bởi lẽ, ông là điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế và thường xuyên vận động, hướng dẫn bà con học tập làm theo.
Phú Thiện trao “cần câu” cho hộ nghèo

Phú Thiện trao “cần câu” cho hộ nghèo

(GLO)- Triển khai thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trong năm 2023, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã hỗ trợ 53 con bò sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo.

Cây cà phê bén đất Ayun

Cây cà phê bén đất Ayun

(GLO)- Đón đầu nguồn nước từ công trình thủy lợi Plei Keo, gần 4 năm trước, người dân xã Ayun (huyện Chư Sê) đã đưa những cây cà phê đầu tiên về trồng trên vùng đất pha cát cằn cỗi. Đến nay, diện tích cà phê ở Ayun không ngừng tăng, góp phần đưa cuộc sống người dân nơi đây ngày một khởi sắc.

Sức sống mới ở Kon Chiêng

Sức sống mới ở Kon Chiêng

(GLO)- Từ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang) không chỉ hoàn thiện cơ sở hạ tầng mà tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn của xã đang ngày càng khởi sắc
Nâng tầm sản phẩm rau quả Phú Thiện

Nâng tầm sản phẩm rau quả Phú Thiện

(GLO)- Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tuân thủ nghiêm quy trình canh tác, Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn thị trấn Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã nâng tầm sản phẩm rau quả, giúp bà con nông dân thay đổi nhận thức trong canh tác nông nghiệp theo hướng bền vững.