Sai phạm về tài chính ở một xã nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ai cũng ngạc nhiên khi biết tin chị Lê Thị Thanh Tâm-kế toán tài chính xã Trang (huyện Đak Đoa) tự thu, tự chi các nguồn quỹ của xã, đặc biệt là đi vay bên ngoài để lấy tiền thanh toán cho việc tiếp khách. Khi nợ gốc và nợ lãi lên hơn 1,4 tỷ đồng, không còn khả năng chi trả, các chủ nợ tìm đến nhà đòi nợ, chị Tâm phải gửi “Đơn cầu cứu” và Thanh tra huyện Đak Đoa vào cuộc thì sự thật mới được phanh phui.

Đổ lỗi lẫn nhau

 

 Trụ sở xã Trang. Ảnh: H.C
Trụ sở xã Trang. Ảnh: H.C

Sau nhiều lần dò hỏi, hẹn gặp, chúng tôi mới có dịp trò chuyện với chị Lê Thị Thanh Tâm và 2 người thân của chị (ông Tú và ông Thải). Lý do khó gặp chị là các chủ nợ luôn đe dọa. Bởi vậy, chị luôn tắt điện thoại, đi đâu cũng phải có người đi cùng và không giao tiếp với người lạ. Theo những lời trình bày và các văn bản do chị cung cấp thì: Chị là kế toán tài chính xã Trang từ tháng 12-2009 đến nay. Trong khoảng thời gian này, chị chịu sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo UBND xã. Trong nhiều cuộc họp, nhiều lần tiếp khách, chị báo cáo ngân quỹ của xã đã cạn kiệt, nhưng Chủ tịch UBND xã lúc bấy giờ là ông Nguyễn Trường Sinh chỉ đạo (chủ yếu là nói miệng) chị phải lo kinh phí để tiếp khách. Sợ mất việc làm, chị phải sử dụng sai mục đích các nguồn quỹ của xã, rồi đi vay tín chấp ngân hàng, vay bên ngoài để đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo UBND xã. Đến đầu tháng 2-2016 (giáp Tết Nguyên đán Bính Thân), không có tiền trả nợ, các chủ nợ tìm đến nhà chị đòi nợ. Lúc này, mọi chuyện mới vỡ lở, không thể làm khác, chị buộc phải nói sự thật vụ việc với gia đình. Biết chuyện, ba chị (ông Tú) đã tức tốc tìm đến nói chuyện với ông Sinh và đi vay mượn được gần 300 triệu đồng đưa cho chị khắc phục một phần hậu quả. Tuy vậy, đến nay, chị vẫn còn nợ tổng cộng hơn 1 tỷ đồng, trong đó có 642 triệu đồng nợ vay lãi bên ngoài, hơn 157 triệu đồng nợ quỹ Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Gia Lai (dự án IFAD), gần 124 triệu đồng quỹ quốc phòng-an ninh (QPAN)...

Ngày 19-6, trao đổi về những vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Trường Sinh-nguyên Chủ tịch UBND xã Trang, nay là Chánh Văn phòng Huyện ủy Đak Đoa thừa nhận: Trong thời gian tăng cường về làm Chủ tịch UBND xã Trang, ông có chỉ đạo chị Tâm lo kinh phí  đi tiếp khách. Sau mỗi lần tiếp khách, ông đều thanh toán đúng quy định và sòng phẳng, tuyệt đối không có chuyện chỉ đạo chị Tâm đi vay tiền ngân hàng, vay bên ngoài để lấy tiền tiếp khách. Chị Tâm là người có chuyên môn, có thâm niên làm kế toán tài chính trong UBND xã Trang. Nếu chị Tâm có bằng chứng xác thực, có giấy tờ hợp lệ chứng minh những việc làm sai trái của cá nhân ông thì ông sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn không có bằng chứng cụ thể thì chị Tâm đã vu khống cán bộ. Ông đã đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ vấn đề này.

Kết luận thanh tra

Ngày 15-2-2016, chị Lê Thị Thanh Tâm làm đơn báo cáo và cầu cứu gửi Đảng ủy và UBND xã Trang. Ngày 17-3-2016, UBND huyện Đak Đoa ban hành Quyết định số 95 về việc thành lập Đoàn thanh tra tại UBND xã Trang. Ngày 18-5-2016, Đoàn thanh tra có Báo cáo số 03 về kết quả thanh tra tại UBND xã Trang. Theo đó, UBND huyện Đak Đoa có Kết luận thanh tra số 02 ngày 1-6-2016 nêu rõ:

Trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, Đảng ủy và Thường trực HĐND xã Trang thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát đối với UBND xã nên đã dẫn đến một số nguồn thu trên địa bàn xã không đạt hoặc không thu được theo kế hoạch huyện giao; thu quỹ QPAN không nộp vào Kho bạc; chi ngân sách cho một số ban ngành, UBND xã thực hiện không đạt theo Nghị quyết của HĐND đầu năm đã giao.

Đối với UBND xã Trang thì thiếu tinh thần trách nhiệm trong quá trình quản lý và điều hành việc thu-chi ngân sách, dẫn đến các nguồn thu từ xử phạt hành chính, thuế trước bạ nhà đất, sử dụng đất nông nghiệp... đạt thấp hoặc không thu được. Chi ngân sách cho các hoạt động: Ban thanh tra nhân dân, chi bộ ở các thôn (làng), trung tâm học tập cộng đồng, mua tủ sách pháp luật, sự nghiệp giáo dục... không đạt theo Nghị quyết của HĐND đã giao là vi phạm Điều 111, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2013. Chi thiếu hóa đơn, chi trùng lắp hơn 3 triệu đồng (Biểu số 02) là vi phạm Luật Kế toán năm 2003. Quỹ QPAN 3 năm (2013, 2014 và 2015) do chị Tâm-kế toán “tự thu, tự giữ, không nhập quỹ, không nộp vào Kho bạc, không chi cho nhiệm vụ QPAN, hàng năm không công khai” tổng số tiền hơn 154 triệu đồng là vi phạm Luật Phòng-chống tham nhũng, vi phạm Quyết định số 34 ngày 20-12-2010 của UBND tỉnh. Trách nhiệm này thuộc về ông Trương Thế Hanh-nguyên quyền Chủ tịch UBND xã (từ tháng 1-2013 đến tháng 6-2013), ông Nguyễn Trường Sinh-nguyên Chủ tịch UBND xã (từ tháng 7-2013 đến tháng 7-2014), ông En-Chủ tịch UBND xã (từ tháng 8-2014 đến tháng 12-2015) và chị Lê Thị Thanh Tâm-kế toán tài chính xã.

Về Chương trình 135, nông thôn mới, dự án IFAD, chị Tâm đã lợi dụng vị trí, nhiệm vụ được giao để chiếm dụng hơn 185 triệu đồng của các đối tượng được hưởng lợi từ chương trình mục tiêu quốc gia. Theo chị Tâm thì đến ngày 31-12-2015, những khoản chi cho các hoạt động của xã chưa được thanh toán là hơn 705 triệu đồng. Số tiền này chủ yếu là do chị Tâm vay ở bên ngoài cho nên tính đến ngày 31-12-2015, tổng số nợ cả gốc lẫn lãi phải trả là trên 1,4 tỷ đồng.

Ngày 10-5-2016, UBND huyện Đak Đoa tổ chức họp thông qua dự thảo kết luận thanh tra, thành phần tham gia gồm: Đoàn thanh tra, Phòng Tài chính-Kế hoạch, Văn phòng HĐND và UBND huyện; Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và đại diện các ban ngành của xã Trang cùng các cá nhân có liên quan. Tại cuộc họp này, chị Tâm không đồng ý với dự thảo kết luận thanh tra và đề nghị cấp có thẩm quyền chuyển toàn bộ hồ sơ sang Cơ quan Điều tra Công an huyện giải quyết theo các quy định của pháp luật. Không chỉ có vậy, ngày 9-6-2016, chị Tâm còn gửi “Kiến nghị về nội dung kết luận thanh tra tại UBND xã Trang” đến Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa và Chánh Thanh tra huyện Đak Đoa.

“Chúng tôi tuyệt đối không bao che, không dung túng cho bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào làm trái quy định. Chúng tôi sẽ kiên quyết làm rõ vụ việc này”-ông Lê Viết Phẩm-Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa quả quyết.

Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.