Rau Đak Pơ khẳng định nhãn hiệu trên thị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm “Rau Đak Pơ”. Đây là cơ hội để rau Đak Pơ tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường, giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập, hướng đến xây dựng vùng chuyên canh tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Đak Pơ là một trong những vùng chuyên canh rau củ quả lâu đời của tỉnh. Diện tích sản xuất hàng năm hơn 6.600 ha với hơn 40 chủng loại rau khác nhau, tập trung nhiều nhất tại 2 xã Tân An và Cư An. Thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh miền Trung với sản lượng trên 100 ngàn tấn rau các loại. So với các vùng khác, trình độ thâm canh của người dân nơi đây rất tốt, phù hợp cho phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Đây cũng là vùng quy hoạch sản xuất rau an toàn của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, người dân vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, chưa có nhiều mô hình liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm. Hơn nữa, diện tích sản xuất rau an toàn còn thấp.
Để giúp người trồng rau nâng cao chất lượng sản phẩm và thu nhập ổn định, huyện Đak Pơ tập trung đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Ông Lê Việt Hùng (thôn An Định, xã Cư An) cho hay: “Tôi trồng rau đã hơn 20 năm. Với gần 5 sào đất, tôi quay vòng sản xuất đủ loại rau theo mùa vụ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Chuyện được mùa-mất giá của cây rau không còn mới nữa. Để khắc phục, tôi ký kết hợp đồng với Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ An Trường Phát. Qua đó, tôi được tập huấn sản xuất theo quy trình VietGAP của HTX nên sản phẩm không lo về đầu ra”.
Người dân xã An Thành thu hoạch ớt. Ảnh: Nguyễn Diệp
Người dân xã An Thành thu hoạch ớt. Ảnh: Nguyễn Diệp
Thời gian qua, HTX nông nghiệp và dịch vụ An Trường Phát (xã Tân An) là một trong những đơn vị tiên phong trong liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ các loại rau quả tươi theo hướng VietGAP. Bà Nguyễn Tuyết Hoa-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX-cho biết: “Chúng tôi liên kết với 200 hộ tham gia sản xuất 50 ha, trong đó có hơn 13 ha đạt chuẩn VietGAP. Mỗi tháng, HTX cung cấp khoảng 900 tấn rau quả cho thị trường Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Sản phẩm của HTX được người tiêu dùng biết đến nhờ chất lượng đảm bảo, có nhãn hiệu hàng hóa. Việc nhãn hiệu “Rau Đak Pơ” được công nhận là rất đáng mừng, HTX có thêm động lực để đầu tư mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập cho người trồng rau”. 
Vườn ươm ông Công được nhiều người đặt hàng sản xuất vụ rau Tết. Ảnh: Nguyễn Diệp
Vườn ươm rau giống chất lượng cao của gia đình ông Phạm Thành Công (thôn Tân Phong, xã Tân An, huyện Đak Pơ). Ảnh: Nguyễn Diệp

Ông Nguyễn Ngọc Cường-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ: Ngoài rau Đak Pơ, trước đó, các sản phẩm nông sản của Gia Lai đã được chứng nhận gồm: “Hồ tiêu Chư Sê”, “Gạo Phú Thiện”, “Rau An Khê” và 1 chỉ dẫn địa lý là “Gạo Ba Chăm”. Sở đang tập trung xây dựng nhãn hiệu phở khô Gia Lai, khoai lang Lệ Cần và các chỉ dẫn địa lý cà phê Gia Lai, chanh dây Gia Lai, chôm chôm Ia Grai, gạo Ia Lâu nhằm nâng tầm giá trị nông sản của tỉnh trên thị trường.

Ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ-thông tin: Rau Đak Pơ được cấp nhãn hiệu chứng nhận đã được bảo hộ trên địa bàn cả nước, mở ra cơ hội để sản phẩm rau của địa phương vươn đến các thị trường rộng lớn hơn; tạo thêm động lực để nông dân yên tâm sản xuất, người tiêu dùng tin tưởng sử dụng sản phẩm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai tập huấn, hướng dẫn người dân quy trình sản xuất đối với sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận. Đồng thời, hình thành các HTX sản xuất rau an toàn theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng và ổn định đầu ra. 
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trường-Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-cho biết: “Sau khi được chứng nhận nhãn hiệu “Rau Đak Pơ”, huyện sẽ tập trung quy hoạch vùng chuyên canh rau an toàn bền vững để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đảm bảo quy trình sản xuất. Cùng với đó, chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân tập trung sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên một diện tích, tạo đầu ra ổn định cho cây rau. Đặc biệt, huyện sẽ mời lãnh đạo các tỉnh có thị trường tiêu thụ mạnh cùng phối hợp để củng cố, quảng bá nhãn hiệu “Rau Đak Pơ” đến người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong những năm tới”.
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

(GLO)- 

Bên cạnh nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn tại Lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui năm 2024 được UBND huyện Phú Thiện tổ chức trong dịp lễ 30-4 và 1-5, Phiên chợ nông sản cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản vật đặc trưng của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.