Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết, trong Quy hoạch điện 8, cơ quan này xem xét nâng quy hoạch điện gió ngoài khơi lên 5.000 MW đến năm 2030, song các địa phương đăng ký đã vượt hơn 20 lần.
Trong Quy hoạch điện 8 đang lấy ý kiến, Bộ Công thương xem xét nâng công suất đặt của điện gió ngoài khơi lên 5.000 MW đến 2030 tại Quy hoạch điện 8, và đến năm 2045 sẽ là 40.000 MW.
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết khi phát biểu trực tuyến tại hội nghị “Phát triển điện gió ngoài khơi, vì tương lai năng lượng sạch của Việt Nam” do Ban Kinh tế T.Ư cùng Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) tổ chức chiều nay 16.12.
Các địa phương đang đua nhau đăng ký dự án điện gió ngoài khơi. Ảnh: T&T |
Ông Đặng Hoàng An cho rằng, với tổng công suất trên toàn cầu lên đến 35.000 GW tính đến hết năm ngoái, cho thấy điện gió ngoài khơi có một tương lai rất hứa hẹn. Và với Việt Nam, lợi thế bờ biển dài cùng nhiều vùng có tốc độ gió 9-10m/s ở độ cao 100 m so với mực nước biển thì tiềm năng là rất lớn.
“Hiện nhiều địa phương đã gửi đề xuất về Bộ Công thương đăng ký phát triển các dự án điện gió ngoài khơi lên tới 110 GW. Cam kết của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam tại hội nghị COP 26 vừa qua là tiền đề rất lớn để điện gió phát triển. Chúng tôi sẽ xây dựng chương trình chi tiết để thực hiện cam kết này. Và tại dự thảo Quy hoạch điện 8 đang lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Công thương dự kiến nâng quy hoạch với điện gió ngoài khơi lên 5.000 MW giai đoạn tới 2030 và đến 2045 có thể lên đến 40.000 MW”, ông An nói.
Dù vậy, theo ông An, “nếu điều kiện kỹ thuật cho phép thì cơ quan quản lý sẽ đẩy sớm và nhiều hơn so với con số quy hoạch, để điện gió ngày một đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam".
Vị Thứ trưởng cũng thông tin, Quốc hội, Chính phủ đang xem xét các vấn đề liên quan đến phát triển lưới truyền tải điện nhằm phục vụ phát triển điện gió ngoài khơi.
Nhưng ông An cũng thừa nhận với Việt Nam, điện gió ngoài khơi vẫn là lĩnh vực còn mới mẻ và nhiều thách thức cần giải quyết,, như cơ chế, hạ tầng lưới điện, chuỗi cung ứng nội địa… để có một ngành điện gió phát triển, đóng vai trò lớn trong an ninh năng lượng với chi phí hợp lý.
Lưới điện và giá điện
Từ góc nhìn nhà đầu tư, ông Keld Bennetsen, Phó chủ tịch Copenhagen Offshore Partners (COP) - đơn vị quản lý dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, cho rằng khó khăn dễ nhận thấy nhất là vấn đề về khung pháp lý.
“Chúng tôi hiểu rằng khung pháp lý đang được hoàn thiện, nhưng vẫn chưa rõ ràng với các nhà đầu tư. Chúng ta vẫn cần các hợp đồng mua bán điện (PPA) và các cơ chế để tạo thuận lợi cho các tổ chức tài chính quốc tế tham gia”, ông nói.
Bên cạnh đó, hệ thống lưới điện cũng cần phải được nâng cấp với kế hoạch phát triển điện gió ngoài khơi và câu chuyện giá cố định (FIT) cũng là yếu tố giúp hỗ trợ cho các dự án đầu tiên.
“Điều quan trọng nữa là các dự đầu tiên sẽ cần được phát triển bởi các công ty giàu kinh nghiệm như. Như vậy mới giúp Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư tài chính cũng như các nhà đầu tư quốc tế vào phát triển chuỗi cung ứng, nền kinh tế địa phương và phát huy chuỗi giá trị quốc gia”, ông Keld Bennetsen bày tỏ, đồng thời dẫn chứng: như với dự án La Gàn có công suất 3.500 MW với tổng vốn đầu tư tới hơn 10 tỉ USD, nếu tỷ lệ nội địa hóa dự kiến chiếm khoảng 44,1% thì sẽ đóng góp hơn 4 tỉ USD cho nền kinh tế Việt Nam và tạo ra hơn 45.880 việc làm.
Trong khi đó, ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực đông nam Á của Hội đồng điện gió toàn cầu (GWEC), nói rằng GWEC hoan nghênh việc Chính phủ đưa ra mục tiêu tham vọng 5 GW cho điện gió ngoài khới và điều này chứng tỏ cam kết mạnh mẽ hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Thủ tướng đưa ra tại COP26.
“GWEC có niềm tin mạnh mẽ về việc điện gió ngoài khơi sẽ được phát triển tại Việt Nam trong vài năm tới, và chúng tôi hoan nghênh sự cởi mở của Chính phủ trong việc đối thoại để cùng đưa ra những giải pháp tháo gỡ các vướng mắc hiện tại”, ông Mark Hutchinson nói.
Đại diện GWEC cũng bày tỏ sau giai đoạn khởi tạo ngành và triển khai 4-5GW đầu tiên, điện gió ngoài khơi sẽ đạt được mức giảm chi phí đáng kể.
“Nếu được hỗ trợ mạnh trong giai đoạn này, điện gió ngoài khơi sẽ phát triển vượt bậc và nhanh chóng cạnh tranh được với các nguồn năng lượng khác”, Mark Hutchinson bày tỏ.
Theo CHÍ HIẾU (TNO)