Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại hội nghị với các địa phương về Quy hoạch điện 8, theo hướng giảm mạnh điện than, tăng tốc năng lượng tái tạo.
Tỷ trọng điện than dưới 10%, năng lượng tái tạo trên 50%
Hội nghị thống nhất với phương án rà soát Quy hoạch điện 8 của Bộ Công thương đã trình đầu tháng 4. Theo đó, quy hoạch tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 khoảng 146.000 MW (không tính điện mặt trời mái nhà, các nguồn điện đồng phát), giảm 35.000 MW so với phương án trình Chính phủ cách đây một năm. Trong đó, sẽ có 37.467 MW điện than, 23.900 MW điện khí LNG, 16.121 MW điện gió trên bờ, 7.000 MW điện gió ngoài khơi và 8.736 MW điện mặt trời quy mô lớn.
Quy hoạch điện 8 theo dự thảo sẽ có 8.736 MW điện mặt trời quy mô lớn. Ảnh: NG.NG |
Quy mô này đáp ứng đủ nhu cầu công suất phụ tải cực đại dự báo đến năm 2030 là 93.300 MW, có mức dự phòng nguồn điện hợp lý trong hệ thống điện quốc gia và các vùng miền. Tổng công suất nguồn điện lắp đặt trong hệ thống điện quốc gia sẽ tăng lên 217.596 MW vào năm 2035 và đạt khoảng 401.556 MW năm 2045. So với phương án Bộ Công thương trình vào tháng 3.2021 thì tổng công suất nguồn điện giảm khoảng 35.000 MW, khối lượng đường dây 500 kV, 220 kV giảm khoảng 2.000 km; qua đó giảm nhu cầu vốn đầu tư vào ngành điện trong giai đoạn 2021 - 2030.
Đặc biệt, phương án sau rà soát sẽ giảm tối đa điện than với tỷ trọng giảm dần từ 25,7% vào 2030, về còn 9,6% năm 2045. Các dự án điện than đang xây dựng tiếp tục triển khai, nhưng quy hoạch không phát triển thêm nhà máy điện than mới. Thay vào đó, Chính phủ khuyến khích phát triển điện gió ngoài khơi, các loại thủy điện tích năng, điện sinh khối, pin lưu trữ, cũng như điện mặt trời cấp trực tiếp (tự cung cấp, tiêu thụ tại chỗ) cho các cơ sở sản xuất.
Nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời quy mô lớn, điện sinh khối...) sẽ tăng dần tỷ trọng lên gần 24% vào 2030, tăng lên hơn 50% vào 2045. Chẳng hạn, tỷ trọng điện gió sẽ tăng từ 10,8% lên 15,8% tổng công suất nguồn đặt vào năm 2030, trong đó riêng điện gió ngoài khơi là 4,8%.
Đầu tư truyền tải điện từ Nam, Trung ra Bắc
Trong phương án trình Chính phủ, Bộ Công thương nêu quan điểm: Phát triển nguồn điện mới đã hướng tới giảm tối đa phát triển các nguồn điện than gây phát thải khí nhà kính. Lượng phát thải khí CO2 đáp ứng cam kết của ngành điện trong thực hiện trung hòa khí CO2 vào năm 2050. Phương án này cũng tăng tính chủ động trong cung cấp điện, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu.
Theo tính toán, đến năm 2045 lượng phát thải CO2 là 175 triệu tấn, giảm gần một nửa so với các phương án trước đây. Đến năm 2050, lượng phát thải CO2 giảm xuống khoảng 42 triệu tấn.
Để đạt được kế hoạch trên, trong phương án trình Chính phủ, Bộ Công thương cho biết truyền tải điện từ miền Trung ra Bắc (liên miền) sẽ tăng dần từ năm 2030 trở đi với sản lượng truyền tải tăng từ 21 tỉ kWh vào năm 2035 lên 40 tỉ kWh vào năm 2040 và khoảng 52 tỉ kWh vào 2045. Sau đó, sẽ xem xét xây dựng các đường dây truyền tải một chiều từ miền Trung ra Bắc và từ miền Nam ra Bắc từ sau năm 2035.
Tuy nhiên, với phương án này, vốn để đầu tư rất lớn. Theo tính toán của Bộ Công thương, tổng vốn đầu tư gần 141,6 tỉ USD, trong đó đầu tư vào nguồn điện là 127,45 tỉ USD và lưới truyền tải 14,14 tỉ USD. Tổng chi phí vận hành hệ thống đến năm 2030 là 317,24 tỉ USD.
Phó thủ tướng giao Bộ Công thương khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch điện 8; triển khai thủ tục để họp hội đồng thẩm định trước ngày 25.4.
Theo Nguyên Nga (TNO)