Quan tâm hỗ trợ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng - Kỳ cuối: Dấu ấn từ những mô hình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Công an các đơn vị, địa phương tại Gia Lai đã chủ động tham mưu, xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ, giúp những người từng chấp hành án phạt tù trở về địa phương đoạn tuyệt với quá khứ lỗi lầm, quyết tâm làm lại cuộc đời.

Hoạt động này thực hiện theo chỉ đạo của Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh về việc giúp đỡ, tạo điều kiện để người từng chấp hành án phạt tù trở về địa phương ổn định cuộc sống, tin tưởng vào chính sách của Đảng, Nhà nước.

Lối mở cho người lầm lỗi

Mô hình “Câu lạc bộ Bạn giúp bạn” tại các xã Ia Băng, Nam Yang và thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa) là ví dụ điển hình. Được thành lập vào tháng 9-2020 tại xã Ia Băng, tiêu chí của mô hình là tạo mọi điều kiện giúp đỡ người từng lầm lỗi xóa bỏ mặc cảm, chăm lo phát triển kinh tế vươn lên trong cuộc sống, không tái phạm tội.

Thông qua mô hình “Câu lạc bộ Bạn giúp bạn”, Công an huyện Đak Đoa đã kết nối với Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (trụ sở tại xã Ia Pết) nhận 6 trường hợp từng lầm lỗi vào làm việc với nguồn thu nhập ổn định.

Anh Lê Hoàng Linh-Quản lý Công ty-chia sẻ: “Được sự giới thiệu của Công an huyện Đak Đoa, Công ty đã nhận những trường hợp từng lầm lỗi vào làm việc. Tôi nhận thấy họ làm việc chăm chỉ, có trách nhiệm, ứng xử với anh em đồng nghiệp rất tốt”.

1.jpg
Thông qua mô hình “Câu lạc bộ bạn giúp bạn”, nhiều người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương được Công an cơ sở hỗ trợ, giúp đỡ vươn lên làm lại cuộc đời. Ảnh: H.T

Mô hình “Vững bước trên con đường hoàn lương” ở xã Hà Tam (huyện Đak Pơ) cũng đang phát huy hiệu quả và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Xã Hà Tam có 48 trường hợp chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Tháng 6-2023, được sự tham mưu của cơ quan Công an, UBND xã Hà Tam đã quyết định thành lập mô hình “Vững bước trên con đường hoàn lương” nhằm giúp đỡ những người lầm lỗi.

Thượng tá Hoàng Trung Thông-Trưởng Công an huyện Đak Pơ-đánh giá: Thông qua mô hình này, Công an và các ban, ngành ở địa phương đã tập trung tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.

Cùng với đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người chấp hành xong án phạt tù trở về; hướng dẫn các thủ tục hành chính (đăng ký cư trú, làm căn cước công dân...); phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước như: vay vốn, tạo việc làm…

Ban chỉ đạo mô hình đã ra quyết định thành lập 4 tổ “quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù” (mỗi thôn 1 tổ). Đối với những trường hợp còn gặp khó khăn, thiếu việc làm, thiếu vốn sản xuất kinh doanh thì có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Đến nay, các đơn vị chức năng và Công an các địa phương trên toàn tỉnh đã tham mưu thành lập 32 mô hình hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù. Các mô hình đều có quy chế, quy định chế độ, trách nhiệm của các cấp hội và ban, ngành, người có uy tín, chức sắc tôn giáo ở cơ sở cùng tham gia giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù.

Các mô hình đã gắn kết các thành viên và tạo điều kiện thuận lợi nhất, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống. Vừa qua, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng mô hình “Tổ tư vấn cấp tỉnh về công tác tái hòa nhập cộng đồng” với sự tham gia của nhiều sở, ngành.

Mục đích của mô hình là tạo điều kiện giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá trở về địa phương được hỗ trợ pháp lý, tư vấn tâm lý, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và không tái phạm tội.

Vừa giúp đỡ vừa quản lý tốt người chấp hành xong án phạt tù

Đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lầm lỗi trở về địa phương trong thời gian qua, Thượng tá Ksor H’Bơ Khắp-Phó Giám đốc Công an tỉnh-khẳng định: Cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể xã hội, các cơ quan, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh đã luôn quan tâm, phối hợp tốt với gia đình, người thân của người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương để tạo môi trường xã hội lành mạnh, xóa bỏ mặc cảm.

Thời gian tới, các đơn vị, Công an địa phương tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của lãnh đạo các cấp; đồng thời, thường xuyên rà soát, phân loại, cập nhật thông tin về người chấp hành xong án phạt tù, bổ sung hồ sơ nhằm chủ động quản lý số người đang cư trú trên địa bàn; phối hợp với các đơn vị, địa phương trao đổi, cung cấp thông tin, tình hình liên quan đến những người chấp hành xong án phạt tù cư trú trên địa bàn nhưng đi nơi khác, số từ địa phương khác đến cư trú để kịp thời quản lý, giáo dục, giúp đỡ, phòng ngừa không để tái phạm tội.

2.jpg
Mô hình “Thắp sáng niềm tin” ở xã Ia Trốk (huyện Ia Pa) đã huy động cả hệ thống chính trị và các ban, ngành ở cơ sở tham gia giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù. Ảnh: H.T

Thượng tá Ksor H’Bơ Khắp nhấn mạnh: Công an tỉnh tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án về tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Tài chính. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và phải lồng ghép, gắn kết công tác này trong các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và công tác phòng-chống tội phạm ở địa phương.

Đặc biệt, chú trọng giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người chấp hành xong án phạt tù, tạo nguồn vốn để họ xóa bỏ mặc cảm, tự ti, tu chí làm ăn ngay từ những ngày đầu trở về với gia đình. Công an các địa phương chú trọng công tác tham mưu giúp Giám đốc Công an tỉnh và chính quyền các cấp trong công tác giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, trọng tâm là tham mưu tổ chức liên kết đào tạo nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm; xây dựng và ban hành các chính sách về dạy nghề, cho vay vốn, tạo việc làm nhằm hỗ trợ, giúp đỡ đối tượng này.

Phối hợp với hệ thống chính trị, đặc biệt là người có uy tín, già làng, chức sắc tôn giáo… quản lý tốt những trường hợp từng chấp hành xong án phạt tù chưa tu chí làm ăn, có nguy cơ tái phạm tội qua đó góp phần đảm bảo tốt an ninh trật tự trên địa bàn.

Ngày 15-3-2024, Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành 2 đề án “Nâng cao hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng” và “Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thi hành án hình sự tại cộng đồng” giai đoạn 2024-2025. Nội dung trọng tâm của 2 đề án nhằm huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền cơ sở thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Cùng với đó, cơ quan Công an tiếp tục phối hợp quản lý chặt chẽ đối với những trường hợp đang thi hành án hình sự tại cộng đồng, đảm bảo thượng tôn pháp luật.

Có thể bạn quan tâm

Khởi tố 2 Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận

Khởi tố 2 Phó Giám đốc Sở TN và MT tỉnh Bình Thuận

Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm ra khỏi nơi cư trú đối với ông Ngô Minh Thành và bà Phan Thị Xuân Thu, đều là Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận và ông Lê Trung Khánh - Phó trưởng phòng Tài nguyên nước và khoáng sản, thuộc sở này.