(GLO)- Từ phản ánh của người dân, đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Gia Lai đã tiến hành kiểm tra đột xuất 2 cơ sở nước uống đóng chai, đóng bình và phát hiện cả 2 cơ sở này đều vi phạm.
Sau khi tiếp nhận thông tin của người dân phản ánh về cơ sở sản xuất nước uống đóng chai nhãn hiệu Vitamin không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm tại đường Lê Thánh Tôn, phường Ia Kring, TP. Pleiku do ông Nguyễn Minh Hải làm chủ (địa chỉ trên nhãn ghi là 09 Nguyễn Chí Thanh, TP. Pleiku), Chi cục ATVSTP đã thành lập đoàn tiến hành kiểm tra đột xuất.
Kiểm tra cơ sở nước uống đóng chai, đóng bình Family. Ảnh: N.N |
Tại thời điểm kiểm tra (ngày 11-10), đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tiến hành lấy mẫu nước để đưa đi kiểm nghiệm; đồng thời yêu cầu cơ sở tiêu hủy tại chỗ 6.475 chai nước (gồm 800 chai loại 1,5 l; 4.460 chai loại 500 ml và 1.215 chai loại 330 ml); ngừng hoạt động cho đến khi đảm bảo các điều kiện sản xuất theo quy định. Với lỗi vi phạm trên, cơ sở đã bị xử phạt vi phạm hành chính 4 triệu đồng.
Tương tự, từ thông tin người dân cung cấp, sáng 12-10, Chi cục ATVSTP tỉnh cũng đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại cơ sở nước uống đóng chai, đóng bình nhãn hiệu Family do bà Nguyễn Thị Hoa (thôn 2, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) làm chủ. Qua kiểm tra, cơ sở này không có đủ trang-thiết bị, dụng cụ phù hợp theo quy định để bảo quản vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm. Theo đó, cơ sở đã bị phạt hành chính 4 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Từ khiếu nại của người dân về việc mua nước uống đóng bình nhãn hiệu Family còn nguyên niêm phong nhưng bên trong có dị vật lạ, phản ánh bằng điện thoại nhiều lần nhưng cơ sở không đến giải quyết, Chi cục đã tiến hành xác minh và trình cấp thẩm quyền phê duyệt thành lập đoàn kiểm tra, xử lý theo quy định.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đang, thông thường sau khi nhận thông tin từ người dân, Chi cục sẽ kiểm tra xác minh, nếu có cơ sở sẽ xin thành lập đoàn kiểm tra xử lý theo quy định. “Việc người dân giám sát và cung cấp thông tin an toàn thực phẩm đã góp phần tích cực, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, giám sát công tác đảm bảo ATVSTP trên địa bàn tỉnh. Có sự giám sát của người dân sẽ giúp ngành chức năng phát hiện và kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã nhận được 3 thông tin phản ánh của người dân đều về cơ sở nước uống đóng chai, đóng bình và qua kiểm tra đều phát hiện vi phạm, đã tiến hành xử lý nghiêm”-ông Nguyễn Văn Đang thông tin thêm.
Hiện nay, 17/17 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều đã công bố đường dây nóng về an toàn thực phẩm, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân biết và cung cấp thông tin ngay khi phát hiện cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh không đảm bảo ATVSTP. Tại huyện Ia Grai, đường dây nóng an toàn thực phẩm thuộc Phòng Y tế huyện quản lý. Ông Trương Thế Vinh-Trưởng phòng Y tế huyện-cho biết: “Đường dây nóng của huyện tập trung về một đầu mối giúp người dân dễ nhớ, thuận lợi trong việc phản ánh thông tin đồng thời cũng dễ quản lý”.
Còn tại huyện Đak Đoa, ngoài đường dây nóng phân công cho các đơn vị liên quan tại huyện, thì ở 17 xã, thị trấn thuộc huyện đều có đường dây nóng về an toàn thực phẩm. Là một trong những đầu mối đường dây nóng an toàn thực phẩm, ông Vũ Chí Hùng-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa-cho hay: “Đường dây nóng sẽ góp phần hiệu quả trong công tác quản lý về ATVSTP trên địa bàn. Người dân khi phát hiện vi phạm, cung cấp thông tin thì cơ quan chức năng sẽ kịp thời vào cuộc kiểm tra, xử lý. Có sự giám sát của người dân, các cơ sở sản xuất buộc phải chấn chỉnh mọi hoạt động của cơ sở mình theo hướng đảm bảo an toàn. Có thể thấy, có vai trò của người dân, vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm sẽ giảm và được ngăn chặn”.
Như Nguyện