Pleiku: 90 năm những thành tựu đáng tự hào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cách đây tròn 90 năm (3/12/1929-3/12/2019), Khâm sứ Trung kỳ đã ban hành Nghị định thành lập thị xã Pleiku. Từ đó, thị xã Pleiku trở thành thủ phủ của “Đại lý hành chính” Pleiku. Sau 90 năm, Pleiku hiện là một trong những thành phố năng động bậc nhất Tây Nguyên và đang trên đà vươn lên trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh trong tương lai gần.
Vùng đất cách mạng kiên cường
Sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta và thiết lập bộ máy cai trị hà khắc, nhân dân các dân tộc thị xã Pleiku đã đứng lên đấu tranh chống lại sự cai trị, chống sưu cao, thuế nặng, bất hợp tác với địch. Nhiều cuộc nổi dậy tự phát đã diễn ra, cổ vũ, hun đúc trong nhân dân lòng căm thù giặc Pháp xâm lược.
Từ năm 1930 đến đầu những năm 1940, những đảng viên cộng sản đầu tiên từ các tỉnh đồng bằng lên Pleiku xây dựng và phát triển phong trào cách mạng, làm cơ sở tiến tới thành lập tổ chức Công hội đỏ năm 1930 tại đồn điền Bàu Cạn, Hội Cứu tế đỏ năm 1940 và đã lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh giành thắng lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào cách mạng sau này.
Thành phố Pleiku hôm nay. Ảnh: Phan Nguyên
Thành phố Pleiku hôm nay. Ảnh: Phan Nguyên
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, xóa bỏ cuộc đời nô lệ, đem lại độc lập, tự do và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Ngày 1-10-1945, chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên ở Pleiku được thành lập với 9 đồng chí. Mỗi đồng chí lấy một chữ trong câu khẩu hiệu “Xin-Thề-Hy-Sinh-Tất-Cả-Vì-Đảng-Ta” làm bí danh của mình, thể hiện lý tưởng cao cả, niềm tin mãnh liệt vào Đảng và nguyện phấn đấu hy sinh vì độc lập dân tộc. Đây là chi bộ tiền thân của  Đảng bộ tỉnh Gia Lai (thành lập ngày 10-12-1945) và tiền thân Đảng bộ khu 9 (nay là Đảng bộ TP. Pleiku) được thành lập vào ngày 15-9-1954. Sau Cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Pleiku đã tiếp tục viết nên những trang sử hào hùng, tiến hành 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thắng lợi, tiến đến giải phóng hoàn toàn thị xã Pleiku nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung vào ngày 17-3-1975.
Chuyển mình sau 90 năm
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975, Đảng bộ thị xã Pleiku đã tập trung lãnh đạo khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, tiếp tục xây dựng và kiến thiết thị xã, từng bước ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Diện mạo TP. Pleiku đang thay đổi theo hướng năng động, hiện đại. Ảnh: Đ.T
Diện mạo TP. Pleiku đang thay đổi theo hướng năng động, hiện đại. Ảnh: Đ.T
Qua hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, TP. Pleiku đã có nhiều mặt khởi sắc. Đảng bộ thành phố đã lãnh đạo nhân dân khai thác tiềm năng lợi thế, ra sức phát huy các nguồn lực, tập trung đầu tư chỉnh trang hạ tầng đô thị, đưa kinh tế địa phương tăng trưởng ngày càng cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 61,11 triệu đồng/năm. Thương mại và dịch vụ có mức tăng trưởng khá. Các dịch vụ vận tải, ngân hàng, bưu chính, viễn thông, bảo hiểm... tiếp tục mở rộng về quy mô, chất lượng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, thành phố đã huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội và cộng đồng chung tay thực hiện, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. Thành phố được tỉnh công nhận hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại 9/9 xã vào năm 2017 và được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018, về đích sớm hơn 2 năm so với chỉ tiêu nghị quyết Đảng bộ tỉnh, thành phố đề ra.
Bên cạnh đó, TP. Pleiku đã triển khai lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở phát huy bản sắc văn hóa, tiềm năng, thế mạnh và điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường, hướng đến xây dựng thành phố  “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội của thành phố cũng có những chuyển biến tích cực. Quy mô, chất lượng giáo dục được nâng lên. Các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao được duy trì thường xuyên, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Công tác giảm nghèo được đặc biệt quan tâm, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đến cuối năm 2018, thành phố chỉ còn 436 hộ nghèo (chiếm 0,82%) và 556 hộ cận nghèo (chiếm 1,05%).
Thắng cảnh Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Phan Nguyên
Thắng cảnh Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Phan Nguyên
Mốc son đánh dấu cho sự trưởng thành của Pleiku là vào ngày 24-4-1999, thị xã Pleiku được nâng lên thành phố (đô thị loại III) trực thuộc tỉnh theo Nghị định số 29/1999/NĐ-CP của Chính phủ. 10 năm sau đó, ngày 25-2-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 249/QĐ-TTg công nhận TP. Pleiku là đô thị loại II trực thuộc tỉnh.

Công tác xây dựng hệ thống chính trị luôn được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Công tác cải cách hành chính luôn được chú trọng đã tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động; tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư từ bên ngoài để phát triển nhanh và bền vững. Kinh tế phát triển khá nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,82%/năm.

Để xây dựng TP. Pleiku ngày càng hiện đại, hướng tới đô thị thông minh và đạt chuẩn đô thị loại I, lãnh đạo các cấp, các ngành của thành phố cần khai thác có hiệu quả và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế phục vụ phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Mở rộng, nâng cao chất lượng các hoạt động thương mại, dịch vụ. Tận dụng các lợi thế phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xúc tiến kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư vào thành phố. Cùng các ngành, địa phương trong tỉnh phối hợp tạo các chuỗi sự kiện để quảng bá, thu hút khách đến Pleiku, thúc đẩy du lịch phát triển. Triển khai thực hiện hiệu quả đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác đã được phê duyệt đảm bảo đồng bộ theo hướng phát triển đô thị bền vững, hiện đại và tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại I còn thiếu; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nét riêng biệt của đô thị Pleiku, hướng đến xây dựng thành phố xanh-sạch-đẹp, một thành phố hiện đại ở khu vực Bắc Tây Nguyên.
Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tập trung xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch vững mạnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Với sự đoàn kết, đồng lòng và quyết tâm xây dựng TP. Pleiku thì trong tương lai không xa Pleiku sẽ trở thành đô thị “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.
 NGUYỄN HỮU QUẾ
Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND TP. Pleiku

Có thể bạn quan tâm

Chuyện ở chốt 383

Chuyện ở chốt 383

(GLO)- Tuy còn nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng cán bộ, chiến sĩ chốt 383 của Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) nỗ lực vượt lên để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ khu vực biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia.

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

(GLO)- Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong 15 ngày (từ 15 đến 29-12-2024) cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Công an tỉnh Gia Lai vừa vinh dự được Bộ Công an biểu dương.

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

(GLO)-Chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản” được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Gia Lai phối hợp với các đơn vị tổ chức tại xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ với nhiều hoạt động đầy ý nghĩa đã mang lại niềm vui cho hàng ngàn người dân trên vùng biên giới mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Đại tá Đỗ Hồng Duyên-Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân động viên, giao nhiệm vụ các chiến sĩ ra làm nhiệm vụ tại các Nhà giàn DK1. Q.T

Những chuyến tàu chở tình cảm đất liền đến với lính đảo xa

(GLO)- Sáng ngày đầu năm mới 2025, tại Cảng đoàn 129 (TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), 2 tàu vận tải Trường Sa 02 và Trường Sa 21 hú còi bắt đầu hành trình chở hàng hóa, quà Tết đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển, đảo và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.