Phú Thiện: Ấm no nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 10 năm triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, trong đó, Mặt trận giữ vai trò nòng cốt, đời sống của đồng bào DTTS huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) dần được cải thiện và nâng cao.
Năm 2012, gia đình ông Rmah Xoa (buôn Linh A, xã Ia Hiao) là 1 trong 4 hộ nghèo được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Thiện chọn làm điểm triển khai thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Theo đó, gia đình ông được hỗ trợ 1 con bò sinh sản để chăn nuôi. Nhờ sự quan tâm hướng dẫn của cán bộ Mặt trận cùng sự nỗ lực vượt khó của các thành viên trong gia đình, đến nay, gia đình ông Xoa không những thoát nghèo mà kinh tế ngày càng ổn định.
Ông Xoa phấn khởi cho biết: “Từ 1 con bò do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ, sau một thời gian chăm sóc, đàn bò của gia đình tăng lên 7 con. Năm 2020, mình bán bớt 4 con để dựng lại căn nhà. Ngoài nuôi bò, gia đình còn canh tác thêm 2 sào lúa nước, 3 sào mì. Mình cảm ơn Mặt trận các cấp đã hỗ trợ, tạo điều kiện giúp gia đình được như ngày hôm nay”.
Ông Rmah Xoa (Buôn Ling, xã Ia Hiao) vươn lên thoát nghèo nhờ biết cách chăn nuôi, phát triển đàn bò từ sự hỗ trợ của Nhà nước Ảnh Bảo Anh
Ông Rmah Xoa (buôn Ling, xã Ia Hiao) vươn lên thoát nghèo nhờ biết cách chăn nuôi, phát triển đàn bò từ sự hỗ trợ của Nhà nước. Ảnh: Bảo Anh
Để phát huy hiệu quả, cấp ủy, chính quyền và Mặt trận các cấp trong huyện đã chủ động, linh hoạt lồng ghép cuộc vận động với các chương trình, dự án như: xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng căn cứ cách mạng xã Chư A Thai, Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS; đồng thời, đề ra những giải pháp phù hợp với thực tiễn. Trong đó có việc biên soạn, cấp phát, sử dụng hiệu quả sổ tay tuyên truyền thực hiện cuộc vận động bằng 3 thứ tiếng: Việt, Jrai và Bahnar.
Theo ông Phan Văn Cảnh-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Chư A Thai: Sau 10 năm triển khai cuộc vận động gắn với Đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng đồn, bộ mặt các thôn, làng đồng bào DTTS thay đổi rất nhiều, hệ thống điện-đường-trường-trạm được quy hoạch bài bản, bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế gia đình. Hưởng ứng cuộc vận động, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã ra mắt mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” tại thôn Plei Pông. Tại lễ ra mắt, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã hỗ trợ 46 bể chứa rác thải sinh hoạt cho các hộ tham gia mô hình với tổng kinh phí hơn 4,8 triệu đồng; trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã hỗ trợ hơn 1,8 triệu đồng, phần còn lại do người dân đóng góp.
Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Phú Thiện đã từng bước vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Vũ Chi
Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, các hộ đồng bào DTTS ở huyện Phú Thiện đã từng bước vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Vũ Chi
Huyện Phú Thiện có 19.707 hộ với 16 dân tộc sinh sống, đồng bào DTTS chiếm khoảng 60%. Từ mô hình điểm tại 4 hộ thuộc buôn Linh A (xã Ia Hiao) và làng Plei Glung Mơ Lan (xã Ia Ake), đến nay, cuộc vận động đã duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của 54 mô hình, trong đó nhân rộng được 26 mô hình với 516 hộ DTTS tham gia. Tiêu biểu như mô hình “Tiếng kẻng an ninh” (làng Plei Trớ, xã Chư A Thai), “Nuôi dê sinh sản” (làng Plei Ring Đáp, xã Ayun Hạ); “Di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn”, “Vườn rau xanh an toàn” tại 10 xã, thị trấn. Nếu như năm 2012, toàn huyện có 3.045 hộ nghèo, chiếm 19,43%, trong đó, hộ nghèo DTTS có 2.361 hộ, chiếm 77,5% thì đến cuối năm 2022, số hộ nghèo giảm còn 1.285 hộ, chiếm 6,52%, trong đó, hộ nghèo DTTS có 1.110 hộ, chiếm 9,86%.
Ông Rcom Xuân-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện-khẳng định: Cuộc vận động đã tạo sự chuyển biến về nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương. Thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện cuộc vận động gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, chương trình xây dựng NTM, các phong trào và các cuộc vận động của các tổ chức chính trị-xã hội phát động để qua đó nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống cũng như thay đổi tích cực diện mạo thôn làng đồng bào DTTS trên địa bàn.
BẢO ANH

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Nhiều biện pháp kiểm soát hoạt động kinh doanh online

Gia Lai: Nhiều biện pháp kiểm soát hoạt động kinh doanh online

(GLO)- Theo Luật số 56/2024/QH15 ngày 29-11-2024 của Quốc hội, trong đó có sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý Thuế (gọi tắt là Luật Quản lý Thuế sửa đổi, bổ sung), kể từ 1-4-2025, tất cả các sàn thương mại điện tử phải có trách nhiệm khấu trừ thuế của người kinh doanh trên sàn.

Pleiku: Hội thảo lần thứ nhất Lịch sử Đảng bộ phường Trà Bá (1975-2023)

Pleiku: Hội thảo lần thứ nhất Lịch sử Đảng bộ phường Trà Bá (1975-2023)

(GLO)- Hội đồng Chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử của Đảng bộ TP. Pleiku vừa tổ chức hội thảo lần thứ nhất để thảo luận góp ý đề cương chi tiết Lịch sử Đảng bộ phường Trà Bá (1975-2023) vào chiều 12-2. Ông Võ Phúc Ánh-Phó Bí thư thường trực Thành ủy Pleiku chủ trì hội thảo.

Nghề nấu đường thủ công ở An Khê

Nghề nấu đường thủ công ở An Khê

(GLO)- Cách đây vài chục năm, bà con nông dân ở An Khê không bán mía cây như bây giờ mà tự thu hoạch mía, ép lấy nước, nấu lên thành đường thô, rồi mới bán sản phẩm này cho các cơ sở ly tâm đường. Các cơ sở ly tâm đường tiến hành tinh luyện đường thô thành đường vàng để xuất đi các tỉnh khác.

Huyện Đak Đoa tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về lập Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030. Ảnh: Hà Duy

Đak Đoa: Lấy ý kiến lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030

(GLO)- Ủy ban nhân dân huyện Đak Đoa vừa có thông báo số 5/TB-UBND về việc tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất huyện Đak Đoa.

Hội xuân ở xã Tơ Tung. Ảnh: Ngọc Minh

Hội Xuân ở xã Tơ Tung

(GLO)- Hội Xuân văn hóa-thể thao các dân tộc mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025 và liên hoan văn hóa cồng chiêng lần thứ IV do UBND xã Tơ Tung (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) tổ chức ngày 7-2 thu hút nhiều người dân và du khách tham gia.