Phát triển nguồn năng lượng sạch ở Gia Lai: Tiềm năng và triển vọng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Để hướng đến nguồn năng lượng sạch, Gia Lai đã có nhiều chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư và nhiều dự án cũng đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

Khai thác tiềm năng gió, mặt trời

Theo các nguồn cơ sở dữ liệu khảo sát, Gia Lai có số giờ nắng bình quân 1.900-2.200 giờ/năm, bức xạ tổng cộng 335-380 kcal/cm2 và bức xạ mặt trời trung bình ngày đưa vào tính toán 4,6-5,2 kWh/m2. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển các dự án điện mặt trời với quy mô công suất có thể đạt khoảng 7.500 MW. Trong đó, điện mặt trời trên đất khoảng trên 5.000 MW, điện mặt trời nổi trên nước khoảng 2.500 MW.

Cùng với đó còn có 4 khu vực tiềm năng phát triển các dự án điện gió với quy mô công suất có thể đạt khoảng 11.950 MW. Trong đó, khu vực phía Đông (Mang Yang, Đak Pơ, Kông Chro, Kbang và An Khê) khoảng 3.800 MW; khu vực phía Đông Nam (Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và Ayun Pa) khoảng 1.300 MW; khu vực phía Tây (Chư Prông, Đức Cơ, Chư Sê, Chư Pưh, Đak Đoa) khoảng 6.350 MW; khu vực TP. Pleiku khoảng 500 MW.

 Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Phước Thành (bìa phải) trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Đầu tư Năng lượng Điện xanh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Phước Thành (bìa phải) trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Đầu tư Năng lượng Điện xanh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy


Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 2 nhà máy điện mặt trời với công suất 84 MWp đang vận hành gồm: Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa (69 MWp) và Nhà máy Điện mặt trời Chư Ngọc-EVNLICOGI 16 (15 MWp giai đoạn 1). Ngoài ra, còn có 8 dự án điện mặt trời công suất 287 MWp đã được bổ sung quy hoạch; 10 dự án đã được trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch với tổng quy mô công suất là 1.225 MWp; 26 dự án khác đang khảo sát, lập bổ sung quy hoạch với tổng quy mô công suất dự kiến là 4.963 MWp.

Đồng thời, trên địa bàn tỉnh có 1.801 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã đưa vào vận hành với tổng công suất 168,5 MWp và 217 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã thỏa thuận đấu nối nhưng chưa đưa vào vận hành với tổng công suất 206,174 MWp.

Về các dự án điện gió, đến nay, toàn tỉnh có 17 dự án với tổng công suất 1.242,4 MW, tổng vốn đầu tư hơn 43.442 tỷ đồng đã được bổ sung quy hoạch và UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư. Hiện đã có 11/17 dự án với tổng công suất 692,4 MW đã được thẩm định xong thiết kế cơ sở và chuẩn bị thiết kế kỹ thuật thi công, dự kiến trong năm 2021 sẽ đưa vào vận hành thương mại.

Ngoài ra, còn có 78 dự án với tổng công suất 10.924,2 MW đã được trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch; 11 dự án với tổng công suất dự kiến 1.369,90 MW đang được khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch; đang xem xét, xử lý đề nghị cho phép khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch 7 dự án khác với tổng công suất dự kiến khoảng 1.657 MW.

Mở đầu cho các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh là Tập đoàn HBRE phối hợp với Tập đoàn Super Energy Corporation (Thái Lan) triển khai xây dựng giai đoạn 1 dự án Trang trại Phong điện HBRE Chư Prông với công suất 50 MW vào cuối năm 2019. Dự kiến sẽ bắt đầu phát điện và hòa lưới vào năm 2021.

Tiếp đến, vào tháng 9-2020, 2 dự án điện gió tại Chư Prông đã được khởi công là Dự án Nhà máy Điện gió Chế biến Tây Nguyên của Công ty cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai làm chủ đầu tư và dự án Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi của Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai làm chủ đầu tư. Hai dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 3.600 tỷ đồng, mỗi dự án có công suất 50 MW.

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: “Sở đang phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư lập hồ sơ, tổ chức thi công và tăng cường giám sát hoạt động xây dựng theo quy định. Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy sẽ là cơ sở quan trọng cho việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp-xây dựng trong những năm tới và tăng thu ngân sách cho tỉnh từ năm 2023 trở đi”.

Theo ông Binh, trong năm 2021, khi các dự án điện mặt trời áp mái đi vào hoạt động sẽ đạt tổng sản lượng điện 202 triệu kwh, Trang trại Phong điện HBRE 25 triệu kwh… sẽ đóng góp tăng thêm vào sản lượng điện và giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Hướng đến nguồn năng lượng sạch

Theo ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngành công nghiệp năng lượng tái tạo sẽ mở ra hướng phát triển bền vững, mang về nguồn thu rất lớn cho tỉnh. Theo ước tính, 1 MWp sẽ mang lại trên 200 triệu đồng tiền thuế, nếu khai thác triệt để tiềm năng thì hiệu quả thu hút đầu tư lĩnh vực năng lượng từ sức gió, mặt trời mang lại cực kỳ lớn so với nhiều lĩnh vực khác. Đặc biệt, các dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần tạo ra nguồn năng lượng xanh-sạch, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

 Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa (xã Chư Gu, huyện Krông Pa). Ảnh: Đức Mạo
Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa (xã Chư Gu, huyện Krông Pa). Ảnh: Đức Mạo


Về phía nhà đầu tư, ông Hồ Tá Tín-Chủ tịch Tập đoàn HBRE đã từng đánh giá: “Gia Lai là tỉnh có tiềm năng phát triển năng lượng gió lớn nhất khu vực Tây Nguyên. Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng đang ngày một gia tăng thì việc xem xét khai thác nguồn năng lượng điện gió cho sản xuất điện là rất khả thi cả về công nghệ, lẫn hiệu quả kinh tế và môi trường”.

Còn bà Nguyễn Thị Sen-Giám đốc Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai-cho rằng, các dự án điện gió mà Công ty đầu tư phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam nói chung, chính sách đầu tư của tỉnh nói riêng. “Thông qua việc đầu tư vào điện gió, chúng tôi mong muốn góp phần tạo thêm nguồn năng lượng xanh phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm ổn định cho lao động tại chỗ. Không chỉ vậy, toàn cảnh công trình rất hấp dẫn sẽ góp phần thu hút khách du lịch”-bà Sen chia sẻ.

Phát biểu tại lễ động thổ dự án Nhà máy Điện gió Chế biến Tây Nguyên và dự án Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhận định: “Đây là các dự án rất quan trọng, góp phần cung cấp nguồn năng lượng sạch cho quốc gia, qua đó đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh trước mắt cũng như trong tương lai”.

THẢO NGUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm

Toyota Avanza Premio sở hữu diện mạo mạnh mẽ và năng động

Toyota Avanza Premio 2022: Xe cho người tiết kiệm, giá trên 617 triệu đồng

(GLO)- Toyota Avanza Premio là mẫu MPV nhập khẩu từ Indonesia, được phát triển dựa trên nền tảng khung gầm DNGA của Daihatsu, mang đến một sự thay đổi mạnh mẽ trong thiết kế ngoại và nội thất. Xe sở hữu hai tùy chọn cấu hình là số sàn MT giá hơn 617 triệu đồng và CVT giá trên 617 triệu đồng.

GAC M6 Pro-Sự lựa chọn MPV giá dưới 1 tỷ đồng dành cho gia đình đông người

GAC M6 Pro-Sự lựa chọn MPV giá dưới 1 tỷ đồng dành cho gia đình đông người

(GLO)- Tại triển lãm ôtô Việt Nam 2024 (VMS 2024) ở TP. Hồ Chí Minh, GAC giới thiệu mẫu MPV GAC M6 Pro với hai phiên bản GL và GS. Đây là dòng MPV nhập khẩu từ Trung Quốc với thiết kế vuông vức và tiện ích hiện đại, hứa hẹn là một lựa chọn hấp dẫn trong phân khúc MPV có giá dưới 1 tỷ đồng.

Suzuki Ertiga: Mẫu MPV tiết kiệm nhiên liệu với động cơ hybrid, giá khởi điểm từ 596 triệu đồng

Suzuki Ertiga: Mẫu MPV tiết kiệm nhiên liệu với động cơ hybrid, giá khởi điểm từ 596 triệu đồng

(GLO)- Suzuki Ertiga 2022 là một trong những mẫu MPV cỡ nhỏ phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt ở phân khúc xe gia đình. Với động cơ hybrid nhẹ, Suzuki Ertiga không chỉ mang lại khả năng vận hành ổn định mà còn tiết kiệm nhiên liệu vượt trội so với các mẫu xe cùng phân khúc.